Nguồn: Tim Worstall, “Don’t Worry About China’s Gallium and Germanium Export Bans,” The Diplomat, 10/10/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

 

Giống như khi Trung Quốc ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm năm 2010, các nước phương Tây sẽ mất nhiều nhất là vài năm để đảm bảo nguồn cung thay thế.

 

 

Trung Quốc đã hoàn toàn không xuất khẩu gallium và germanium trong tháng 8 vừa qua. Người ta có thể nghĩ rằng chẳng có gì đáng báo động, bởi vì lượng hàng xuất khẩu đã tăng gấp đôi mức thông thường trong tháng 7. Một cách phải ứng khác, giống như chậu dã yên thảo trong cuốn Hitchhiker’s Guide to the Galaxy, sẽ là thốt ra câu “Lại nữa à?” Nguyên nhân là do chính phủ Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu từ ngày 1/8 – như họ từng làm với đất hiếm vào năm 2010.

 

Lý do được đưa ra hồi năm 2010 là để bảo vệ môi trường và nó đã khiến Trung Quốc thua trong vụ kiện sau đó tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Rốt cuộc thì, Trung Quốc vẫn không ngừng khai thác hay chế biến đất hiếm, mà chỉ ngừng xuất khẩu những nguyên liệu trung gian. Bạn có thể chế tạo bất cứ thứ gì mình muốn bằng cách sử dụng tài nguyên bên trong Trung Quốc, và sau đó xuất khẩu thành phẩm cuối cùng.

 

Ngày nay, lý do được đưa ra cho lệnh cấm xuất khẩu là gallium và germanium có tính lưỡng dụng, do vai trò của hai kim loại này trong công nghệ quân sự. Vì vậy, xuất khẩu phải được cấp phép theo những hạn chế đã đặt ra. Đúng là gallium và germanium là những vật liệu lưỡng dụng; tuy nhiên, chì cũng được chế tạo thành đạn, nhưng chúng ta lại lưỡng lự khi áp đặt những hạn chế xuất khẩu tương tự đối với chì. Thay vì dễ dàng chấp nhận lý do mà Trung Quốc đưa ra, hầu hết mọi người đều tin rằng đây chỉ là phản ứng trước lệnh cấm vận chuyển thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến vào Trung Quốc, cũng với lý do an ninh quốc gia tương tự.

 

Dù hình thức pháp lý của các lệnh hạn chế có là gì, thì kết quả kinh tế cũng sẽ như nhau. Như tôi đã chỉ ra vào năm 2010, phương Tây sẽ xắn tay áo lên, tạo ra nguồn cung mới, và vấn đề sẽ được giải quyết. Với đất hiếm, giá đã quay trở lại mức năm 2009 – trước khi có lệnh hạn chế của Trung Quốc – vào năm 2014. Với germanium và gallium, lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc có thể gây sụt giảm sản lượng trong vài năm, nhưng chỉ vậy thôi.

 

Có một bí mật nhỏ về hai kim loại này – trên thực tế là bí mật nhỏ về gần như tất cả các khoáng chất và kim loại – là chúng không hề hiếm. Xét đến kích thước của Trái Đất, và thực tế rằng toàn bộ hành tinh đều được tạo thành từ 90 nguyên tố giống nhau, rất khó diễn ra sự thiếu hụt tuyệt đối về tài nguyên. Có thể có sự thiếu hụt các nhà máy chiết xuất và tinh chế, nhưng chúng ta sẽ không thiếu nguyên liệu cơ bản. Vì vậy, giải pháp là xây dựng thêm một vài nhà máy để chiết xuất và tinh chế gallium và germanium. Thế là vấn đề sẽ được giải quyết.

 

Mọi chuyện rất đơn giản; và không, tôi không đơn giản hoá vấn đề.

 

Luôn có nhiều cách để có thể tiếp cận một nguyên tố khoáng sản nhất định. Chúng ta thường sử dụng bất kỳ khoáng sản và quy trình nào có vẻ ít tệ nhất vào thời điểm khai thác. Và nếu loại khoáng sản đó cạn kiện, thì tại thời điểm đó, chúng ta chỉ cần chuyển sang loại khoáng sản ít tệ nhất tiếp theo trong số các nguồn sẵn có khác.

 

Hiện tại, đối với gallium, giải pháp thay thế ít tệ nhất là các nhà máy Công nghệ Bayer. Về cơ bản, ở các nhà máy này, quặng bauxite sẽ được đun sôi trong xút (caustic soda) hoặc kiềm (lye) để thu được nhôm oxide (alumina) mà sau đó sẽ được chế tạo thành nhôm. Quá trình này đang được thực hiện trên quy mô lớn, khoảng 400 triệu tấn bauxite mỗi năm (xin lưu ý, tất cả các con số ở đây đều được làm tròn, nhưng tất cả đều có đúng số chữ số). Cũng không ngạc nhiên khi việc đun sôi trong dung dịch kiềm sẽ biến nhiều kim loại khác thành dung dịch – ví dụ là lượng gallium chiếm khoảng 50 đến 100 phần triệu trong bauxite. Và nếu thứ gì đó có thể xuất hiện dưới dạng dung dịch thì chúng ta hoàn toàn có thể thu thập nó – và đó chính xác là những gì đang được làm: Lắp đặt thiết bị phù hợp ngay bên cạnh nhà máy Bayer để thu thập gallium thô.

 

Tuy nhiên, một số nhà máy Bayer chưa có loại thiết bị này. Trong số đó, có nhiều nhà máy nằm bên ngoài Trung Quốc – và có khoảng 4.000 tấn gallium đi qua các nhà máy này mỗi năm trên toàn cầu. Thế giới hiện sử dụng khoảng 200 tấn gallium mỗi năm, và vì 50% trong số đó đến từ việc tái xử lý phế liệu sản xuất, nên thế giới hiện không thiếu gallium thô hoặc gallium cơ bản. Chúng ta có thể sẽ cần thêm nhiều thiết bị, nhưng chỉ vậy thôi.

 

Germanium có hai nguồn chính: quặng sphalerite được xử lý để tạo kẽm (đây cũng có thể là nguồn gallium) hoặc tro bay (fly ash) từ các nhà máy điện than. Nguồn thứ hai hiển nhiên là một nguồn dồi dào. Về cơ bản, germanium trong than ban đầu sẽ cô đặc ở tỷ lệ khoảng 10 trên 1 trong tro bay lên ống khói. Một nhà máy nhỏ có khả năng sản xuất vài tấn germanium mỗi năm từ than trong nhà máy điện có thể tốn khoảng 4 hoặc 5 triệu USD – trên bàn làm việc của tôi đang có một bản kế hoạch xây dựng một nhà máy kiểu này, lấy từ một nghiên cứu học thuật cũ. Một lần nữa, chúng ta đơn giản là không thiếu germanium thô so với mức sử dụng toàn cầu khoảng 150 tấn mỗi năm – và khoảng 50% sản lượng đến từ tái chế phế liệu.

 

Điều chúng ta thực sự thiếu là các nhà máy để xử lý gallium và germanium thô đến mức độ tinh khiết dùng được cho sản xuất chất bán dẫn. Nhưng lý do duy nhất dẫn đến sự thiếu hụt đó là vì Trung Quốc đã đảm nhiệm khâu sản xuất với giá rẻ suốt những năm qua, nên các nhà máy phương Tây mới ngừng hoạt động. Nếu Trung Quốc tự rút khỏi chuỗi cung ứng, thế giới vẫn phải tiếp tục hoạt động. Một số nhà máy của phương Tây đã hoạt động trở lại trong vài năm qua, và luôn có thể xây thêm nhiều nhà máy mới. Những công nghệ tinh chế này đều đã được hiểu rõ, thứ chúng ta cần chỉ đơn giản là sự sẵn lòng xây dựng nhà máy mà thôi.

 

Chí ít thì đối với hai kim loại này, tình hình đang khá hơn so với đất hiếm 13 năm trước. Vì đã có sẵn nguồn nguyên liệu thô cho gallium và germanium, trong khi với đất hiếm, người ta thực sự đã phải mở hai mỏ mới (Mt. Weld và Mountain Pass, mỏ thứ hai là mở cửa trở lại). Chúng ta cũng có khả năng để tinh chế, chính xác hơn là khả năng tinh chế đủ mức sản lượng cần thiết. Phần còn lại chỉ là vấn đề về tiền bạc và công sức để thế giới quay trở lại làm những gì chúng ta đã để Trung Quốc làm giúp mình với giá rẻ.

 

Nói cách khác, lệnh cấm xuất khẩu mới của Trung Quốc không phải là vấn đề chiến lược, cũng không phải là vấn đề cần can thiệp. Tất nhiên, những kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng nhà máy sẽ đòi hỏi phải nới lỏng các thủ tục giấy tờ về môi trường và quy hoạch, nhưng đó chẳng phải là điều mọi người muốn hay sao? Chúng ta đã có sẵn một bộ công cụ hoàn toàn khả thi và hiệu quả – lòng tham tư bản và thị trường tự do sẽ thỏa mãn nó. Giá gallium và germanium tinh chế sẽ tăng – và vì thế người ta cũng sẽ tăng cung, thế là vấn đề được giải quyết.

 

Ngay cả việc tăng giá tạm thời cũng là một vấn đề nhỏ nếu xét về mặt quy mô tài chính: khoảng 200 triệu USD một năm đối với germanium, 100 triệu USD đối với gallium, nếu xét về tổng quy mô thị trường các vật liệu cơ bản. Đây là loại vấn đề mà thị trường tài chính có thể giải quyết trong chớp mắt.

 

Chỉ có một ngoại lệ đối với cách tiếp cận tự do này. Gallium và germanium thực sự là những đầu vào quan trọng cho máy móc quân sự; do đó, các chính phủ có thể sẽ muốn chung tay đẩy nhanh tiến độ phát triển các nguồn cung thay thế. Nhưng điều đó sẽ xác nhận quan điểm của Trung Quốc về việc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản này dưới dạng vật tư quân sự có tính lưỡng dụng.

 

Tim Worstall là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Adam Smith ở London và là chuyên gia toàn cầu về đất hiếm và các khoáng sản khác. Các bài viết của ông đã xuất hiện trên The Times, Daily Telegraph, Express, Independent, Wall Street Journal và The Guardian.

(nghiencuuquocte.org)