Một nông dân mang vỏ ngô để cho gia súc ăn ở làng Xiaobatian, tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc vào ngày 7 tháng Hai năm 2017. (Kevin Frayer / Getty Images)
Hôm 28/9, Trung Quốc công bố sách trắng "Trung Quốc tiểu khang toàn diện" (khá giả cho toàn bộ dân Trung Quốc). Tuy nhiên, bánh vẽ không biết bao giờ thành hiện thực khi mới chỉ năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc cho biết họ có tới 600 triệu dân có mức thu nhập ở mức nghèo đói. Một giáo sư Đại học Bắc Kinh thậm chí còn cảnh báo rằng với mức độ can thiệp ngày càng nhiều của chính phủ, nền kinh tế Trung Quốc có thể đang hướng tới tình trạng “nghèo đói chung".
Vào ngày 28/9, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc xuất bản sách trắng "Trung Quốc tiểu khang toàn diện". Trong đó nêu rõ rằng phải xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện ở mức vừa phải, "không một ai bị bỏ lại phía sau, không một khu vực nào bị rớt lại, không một dân tộc nào bị lạc hậu".
Sách trắng cũng nhấn mạnh rằng, “khá giả toàn diện” chính là thể thiện bản chất, mục tiêu cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, là kết quả khi thực hiện “thịnh vượng chung”.
Mặc dù chính phủ tuyên bố người Trung Quốc "thịnh vượng", nhưng tình hình thực tế thì sao?.
Tại cuộc họp báo của thủ tướng sau "Lưỡng Hội" vào tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bất ngờ công bố số liệu thống kê rằng Trung Quốc có 600 triệu dân với thu nhập hàng tháng là 1.000 nhân dân tệ (NDT) (khoảng 3,5 triệu VNĐ). Thông tin này đã khiến dư luận xôn xao. Mức thu nhập này đồng nghĩa với việc 600 triệu người Trung Quốc không có quyền tiêu dùng, thậm chí thu nhập của họ không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở (chưa nói đến y tế, giáo dục).
Theo một báo cáo khảo sát do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố vào tháng 12/2020, tình hình thu nhập và tiêu dùng của người dân Trung Quốc rất đáng lo ngại.
Báo cáo đó có tên "Nghiên cứu giải trí xanh: Báo cáo về sự phát triển hoạt động giải trí của Trung Quốc năm 2019-2020", được đồng phát hành bởi Viện nghiên cứu Tài chính và Kinh tế, và Trung tâm Nghiên cứu Du lịch thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cùng Nhà xuất bản Văn học Khoa học Xã hội.
Báo cáo cho thấy mức tiêu dùng giải trí trung bình hàng năm của công dân Trung Quốc là 5,647 NDT (khoảng 20 triệu VNĐ). Trong số đó, chi tiêu cho giải trí cá nhân phân ra làm các mức như sau:
Từ bảng trên có thể thấy, có tới 44,4% người có mức chi tiêu cho giải trí chỉ bằng 1/10 của nhóm thu nhập cao, tức là dưới 1,000 NDT.
Nếu kết quả cuộc thăm dò này được dùng làm căn cứ và mở rộng ra so với tổng dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc, thì có nghĩa là 620 triệu người (44,4% dân số) chỉ chi 83 NDT (Khoảng 300,000 VNĐ) để giải trí mỗi tháng. Còn 320 triệu người (22,7% dân số) khác tiêu xài ít hơn 3,000 NDT mỗi năm, nghĩa là có khoảng 250 NDT (khoảng 880,000 VNĐ) trong quỹ tiêu dùng giải trí mỗi tháng.
Bình luận về báo cáo trên, ông Ngô Minh Trạch (Wu Mingze), một nghiên cứu viên tại Học viện Kinh tế Đài Loan, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, từ cuộc thăm dò này, có thể thấy rằng phần lớn người Trung Quốc vẫn tập trung vào cuộc sống cơ bản. Theo ông, họ ít tiêu dùng giải trí và nghỉ ngơi, và tỷ lệ dân số thu nhập thấp vẫn cao, cộng với chênh lệch giàu nghèo nghiêm trọng, vậy nên thật khó tin là Trung Quốc đã hoàn thành xóa đói giảm nghèo và bước vào giai đoạn phát triển xã hội khá giả toàn diện.
Ông Ngô giải thích rằng nguyên tắc 333 là tiêu chuẩn đánh giá cơ bản cho một xã hội “tiểu khang”. Tức là một gia đình “tiểu khang” thông thường dành 1/3 thu nhập của họ cho chi phí sinh hoạt cơ bản gồm thực phẩm và quần áo, 1/3 thu nhập để tiết kiệm và 1/3 còn lại được sử dụng làm nguồn chi tiêu để tận hưởng cuộc sống và nghỉ ngơi, giải trí.
Ông Ngô nhấn mạnh rằng trừ khi hầu hết người Trung Quốc chỉ kiếm tiền và không tiêu tiền, nếu không thì cuộc thăm dò này cho thấy hơn 60% dân số (khoảng 940 triệu người) ở Trung Quốc có thể chi tiêu ít hơn 3.000 NDT cho việc giải trí mỗi năm. Nghĩa là họ chỉ sống cho qua ngày, thực sự rất khó có thể gọi đó là một “xã hội tiểu khang” sung túc.
Mà chính quyền ông Tập Cận Bình gần đây lại đưa ra kế hoạch "thịnh vượng chung". Động thái này một lần nữa làm dậy sóng dư luận.
Ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương vào ngày 17/8 để nghiên cứu thúc đẩy vấn đề "thịnh vượng chung". Mục tiêu là "thúc tiến vững chắc" thịnh vượng chung vào năm 2035 và "về cơ bản đạt được" vào năm 2050.
Tuy nhiên, ông Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying), Giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, cảnh báo rằng việc chính phủ can thiệp ngày càng nhiều có thể dẫn đến tình trạng “nghèo đói chung".
Vào ngày 1/9, Giáo sư Trương đã xuất bản một bài luận dài mười nghìn từ có tựa đề "Kinh tế thị trường và thịnh vượng chung" trên trang web của "Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc 50" (Chinese Economists 50 Forum, CE50). Ông nói, "Nếu chúng ta mất niềm tin vào thị trường và chính phủ ngày càng can thiệp nhiều thì Trung Quốc chỉ có thể tiến tới nghèo đói chung”.
CE50 là một diễn đàn kinh tế quan trọng ở Trung Quốc, do ông Lưu Hạc (Liu He), Phó Thủ tướng đương nhiệm của Quốc vụ viện Trung Quốc, dẫn đầu thành lập vào năm 1998. Thành viên của diễn đàn này bao gồm các quan chức kinh tế và các nhà kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc, như nhà kinh tế Ngô Kính Liễn (Wu Jinglian), ông Thái Phưởng (Cai Fang) - Phó Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp và Nông thôn của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, và ông Dịch Cương (Yi Gang) - Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từ năm 2018, v.v.
Ông Trương đã giải thích cặn kẽ về cơ sở lý luận của nền kinh tế thị trường trong bài báo. Ông cho rằng nền kinh tế thị trường là "một chế độ bình đẳng nhất trong lịch sử nhân loại" và nó cung cấp cho mọi người cơ hội làm giàu. Theo ông, trong bốn thập kỷ qua, Trung Quốc đã hướng tới nền kinh tế thị trường và do đó mới đạt được một bước nhảy vọt về kinh tế, mang lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc.
Vị giáo sư này còn chỉ trích gay gắt nền kinh tế kế hoạch, "Nền kinh tế kế hoạch được thiết kế bởi một số ít trí thức và sau đó dùng cường quyền để áp đặt lên xã hội từ trên xuống dưới, vậy nên nhất định sẽ có người bảo vệ nó, biện hộ cho nó. Kinh tế thị trường thì khác, nó không phải do phần tử trí thức thiết kế, mà là tự phát từ dưới lên trên".
Bài báo còn viết, “Từ lịch sử có thể thấy lực lượng lớn nhất phản đối kinh tế thị trường là giai cấp đặc quyền và các nhóm lợi ích”.
Khi nói về việc giải quyết vấn đề đói nghèo, ông Trương chỉ ra rằng về hình thức thì là do chính phủ và các tổ chức từ thiện đứng ra thực hiện, nhưng cần phải hiểu rằng “về bản chất là do các nhà doanh nghiệp làm ra. Những gì chính phủ và các tổ chức từ thiện có thể làm chỉ là chuyển của cải từ nhóm người này sang nhóm người khác, [số tiền ấy] không thể nào tự dưng mà có. Chính các doanh nhân mới là người tạo ra của cải, như vậy chính phủ và các tổ chức từ thiện mới có tiền để xóa đói giảm nghèo”.
Nhưng chính quyền ông Tập Cận Bình đã liên tục trấn áp nhiều ngành công nghiệp trong vài tháng qua, khiến các nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không khỏi lo lắng.
(ntdvn.com ; Đông Phương- Theo Vision Times)