Bộ Quốc phòng Mỹ từng bày tỏ lo ngại sức mạnh vượt trội của quân đội Trung Quốc trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) từ bên ngoài vào cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, nhưng chính quyền Donald Trump cũng đã tỏ rõ quyết tâm làm vô hiệu hóa, phá vỡ ưu thế quân sự của Bắc Kinh trong chiến lược này.

 

 

 

Tên lửa tầm xa DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: AFP

 

 

“Bong bóng phòng thủ” của Trung Quốc

 

Trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả chiến lược A2/AD của Trung Quốc có nghĩa là “ngăn chặn, răn đe và nếu cần thiết đánh bại sự can thiệp của bên thứ 3 chống lại chiến dịch rộng lớn của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)” tại khu vực. Nói cụ thể hơn, chiến lược của Bắc Kinh là ngăn ngừa lực lượng quân sự Mỹ và đồng minh tự do hoạt động trong “bong bóng phòng thủ” trên biển và trên không gian A2/AD bao quanh vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

 

Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc trong những năm gần đây không ngừng mở rộng phạm vi “bong bóng phỏng thủ” vượt ra ngoài “chuỗi đảo thứ nhất” và tiến vào Tây Thái Bình Dương. “Chuỗi đảo thứ nhất” là một dải quần đảo chạy dài từ Nhật Bản qua Đài Loan, Philippines đến Borneo, bao quanh vùng biển Trung Quốc.

 

Chìa khóa cho nỗ lực này không chỉ là những tên lửa tầm xa mà cả hệ thống vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất. Năm 2016, Bắc Kinh có 192 vệ tinh và số lượng được tăng dần kể từ đó.

 

Trong khi đó, tên lửa đạn đạo tầm xa DF-21D của Trung Quốc có khả năng tiêu diệt tàu chiến, nhất là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Với vận tốc Mach 5 (hơn 6.000km/h), tức nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, hệ thống tên lửa di động này rất khó để ngăn chặn. Bắc Kinh cũng có các loại tên lửa chống hạm khác có thể phối hợp khai hỏa với DF-21D, như tên lửa tầm xa YJ-12, YJ-18, YJ-18A. YJ-12 có vận tốc Mach 2 và Mach 4, YJ-18A có vận tốc khoảng Mach 2. Ngoài bệ phóng trên xe tải, tên lửa YJ-12 có thể được phóng từ các tàu khu trục Type 052D, Type 005, hay từ máy bay ném bom Xian H-6, JH-7.

 

Trong tương lai, Trung Quốc có thể trình làng tiêm kích Shenyang J-11/15/16 biến thể từ chiếc Sukhoi Flanker của Nga và sử dụng tên lửa không đối không tầm xa mới đang phát triển. Bộ đôi tiêm kích và tên lửa mới này được Bắc Kinh kỳ vọng sẽ đủ sức triệt tiêu các mục tiêu trên không có giá trị cao của đối thủ như hệ thống điều khiển và cảnh báo sớm, máy bay tiếp nhiên liệu.

 

Thông điệp chính trị mạnh mẽ của Mỹ

 

Theo hãng Reuters, trong khi Mỹ xao nhãng qua 2 thập niên chinh chiến ở Trung Đông và Afghanistan, Trung Quốc đã xây dựng lực lượng tên lửa được thiết kế nhằm tấn công tàu sân bay, tàu chiến mặt nước và mạng lưới căn cứ quân sự vốn là xương sống của sức mạnh quân sự Mỹ tại châu Á. Trung Quốc muốn có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và giờ đây đủ sức thống trị vùng biển mà họ cho là chủ quyền của mình.

 

Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đặc biệt, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi năm ngoái, mở đường cho Washington đẩy mạnh phát triển tên lửa có khả năng răn đe Bắc Kinh.

 

Sau quyết định rút khỏi INF, Mỹ đã phóng thử tên lửa đạn đạo và hành trình trên mặt đất, trong đó có tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn 1.600km. Thủy quân lục chiến Mỹ yêu cầu được trang bị 48 tên lửa Tomahawk vào năm tới, đồng thời thử nghiệm tên lửa chống tàu chiến tầm ngắn từ mặt đất với sự kiến triển khai vào năm 2022. Lục quân Mỹ thì đang thử nghiệm tên lửa tầm xa trên mặt đất mới có thể chống tàu chiến. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang yêu cầu gói ngân sách 3,2 tỉ USD phát triển vũ khí tấn công tầm xa, chủ yếu là tên lửa bội siêu thanh.

 

Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hồi tháng 3-2020, tư lệnh thủy quân lục chiến David Berger tuyên bố các đơn vị tên lửa nhỏ và cơ động chống tàu chiến của lực lượng này có thể hỗ trợ hải quân Mỹ giành quyền kiểm soát các vùng biển, nhất là tại Tây Thái Bình Dương.

 

Một số đơn vị nhỏ tên lửa trên mặt đất của Mỹ được triển khai tại khu vực trước mắt có thể không làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự với Trung Quốc nhưng là thông điệp chính trị mạnh mẽ rằng Washington đang chuẩn bị đối đầu với Bắc Kinh tại Tây Thái Bình Dương. Về lâu dài, các loại tên lửa tương tự của Đài Loan và Nhật Bản có thể hợp sức với tên lửa tầm xa mới của Mỹ nhằm “khống chế” các tàu chiến Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải hay tàu chiến Trung Quốc có ý định xâm nhập vào Tây Thái Bình Dương

 

ĐỨC TRUNG (Theo Defensenews, Reuters)