Một loạt biệt thự bị bỏ hoang ở ngoại ô thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc được chụp vào ngày 31/3/2023. (Jade Gao/AFP via Getty Images)
Khi các chuỗi công nghiệp đa quốc gia lần lượt rút khỏi Trung Quốc, giá thuê địa ốc tại các thành phố ở Á Châu lại đang tăng lên nhanh chóng.
Bloomberg gần đây đưa tin, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia theo đuổi chiến lược "Trung Quốc cộng một" (China plus one), tức là chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm nguy cơ do mối quan hệ rạn nứt giữa Bắc Kinh với Mỹ và Liên minh Âu Châu mang lại. Việc di dời này đã đẩy giá nhà đất ở các quốc gia hoặc khu vực lân cận Trung Quốc lên cao, trái ngược hẳn với tình trạng tiêu điều trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
JLL - một trong những công ty dịch vụ bất động sản thương mại "Big Four", bên cạnh CBRE, Colliers và Cushman & Wakefield, cho biết, trong quý I năm 2024, tổng diện tích cho thuê ở Á Châu cao hơn 5% so với mức trung bình của 5 năm qua. Số lượng hợp đồng thuê được ký ở Ấn Độ trong quý đầu tiên của năm nay đã đạt mức cao thứ hai trong lịch sử.
Theo dữ liệu từ công ty bất động sản Knight Frank LLP, giá nhà đất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam trong quý I vừa qua đã tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những thành phố có mức tăng lớn nhất ở Á Châu.
Để so sánh, CBRE dự kiến giá thuê năm 2024 tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc sẽ giảm 6%.
Chuỗi công nghiệp rời Trung Quốc, thúc đẩy thị trường bất động sản Ấn Độ
Khi các công ty đa quốc gia thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Ấn Độ cũng đang tích cực tiếp nhận các cơ hội sản xuất từ Trung Quốc.
Hiện Ấn Độ là nơi đặt nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của công ty Samsung và ít nhất 7% số iPhone của công ty Apple cũng được sản xuất tại nước này. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Fathom Financial Consulting Ltd. ở London, trong tháng 11/2023, xuất cảng sản phẩm điện tử của Ấn Độ sang Mỹ bằng 7,7% lượng xuất cảng của Trung Quốc sang Mỹ; con số này tuy không lớn nhưng đã gấp 3 lần so với 2 năm trước đó.
Nhu cầu về bất động sản ở Ấn Độ cũng trở nên đặc biệt mạnh mẽ trong bối cảnh lĩnh vực tài chính và công nghệ đang bùng nổ. Ông Kim Vĩ (Jin Wei), người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của CBRE tại Á Châu - Thái Bình Dương, cho biết ngày càng nhiều công ty nước ngoài bắt đầu thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Ấn Độ.
Ông Kim nói: “Hiện nay, hầu hết nhu cầu mở rộng của các công ty đa quốc gia đều là ở Ấn Độ”.
Theo báo cáo của CBRE, giá thuê năm 2023 ở Mumbai đã tăng 5,6% và ở Delhi tăng 3,6%.
Ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ ICICI Bank đã mua lại 188.000 foot vuông (hơn 17.400 mét vuông) tại khu phát triển công nghệ Mindspace Juinagar ở Mumbai. Còn công ty chip hàng đầu của Mỹ Nvidia đã có hợp đồng thuê mới với 73.000 foot vuông (hơn 6.700 mét vuông) trong một tòa nhà 16 tầng gần Delhi.
CBRE cho biết, các doanh nghiệp đang rời khỏi các trung tâm tài chính và thương mại lớn của Ấn Độ và chuyển sang các trung tâm công nghệ như thành phố Chennai và Pune - những nơi có nguồn nhân lực tiềm năng lớn.
Năm 2023, công ty bán dẫn Qualcomm của Mỹ đã thuê 500.000 foot vuông (hơn 46.400 mét vuông) ở Chennai và 600.000 foot vuông (hơn 55.700 mét vuông) ở thành phố Bengaluru.
Nhờ nhu cầu di dời khỏi Trung Quốc, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới
Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia thay thế chính cho ngành sản xuất của Trung Quốc. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 1/3 trong năm 2023, phần lớn là vào lĩnh vực sản xuất. Các nhà cung cấp Apple, Intel và Samsung hiện đều đang đặt nhà máy tại Việt Nam, còn tập đoàn Meta Platforms của Mỹ (tên cũ là Facebook) cho biết đang xem xét mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Bà Christine Li, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Á Châu - Thái Bình Dương của công ty bất động sản Knight Frank LLP, cho biết tốc độ tăng trưởng giá thuê ở Việt Nam đã tăng rất nhanh so với các nước khác.
Bà Li nói: “Nhu cầu đang thực sự chuyển từ Trung Quốc sang các khu vực khác ở Đông Nam Á và Ấn Độ”.
Bà Li cho biết, ngược lại, việc xây dựng các tòa nhà văn phòng ở Trung Quốc đã bị trì hoãn trong thời kỳ đại dịch Covid-19, mặc dù hiện nay lượng cung ứng này đã tăng lên nhưng nhu cầu cũng đang giảm mạnh.
Knight Frank LLP dự đoán rằng ngoài Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc, nơi 1/4 tòa nhà văn phòng chất lượng cao sẽ bị bỏ trống, thì với việc một lượng lớn tòa nhà văn phòng mới được đưa vào thị trường, diện tích trống trong các tòa nhà thương mại mới xây ở Trung Quốc sẽ tăng thêm 23% trong năm 2024.
Báo cáo mới nhất của cơ quan xếp hạng quốc tế S&P Global cho biết, doanh số bán bất động sản của Trung Quốc tiếp tục giảm, các nhân tố mang tính cơ cấu đang siết chặt các nhà phát triển được xếp hạng ở nước này và thị trường bất động sản ở Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy.
S&P Global dự đoán, doanh số bán bất động sản năm 2024 của Trung Quốc sẽ giảm từ 10% đến 15% so với năm ngoái. Nếu doanh số bán hàng giảm đáng kể, các nhà phát triển sẽ phải cân nhắc các cách khác để huy động vốn, chẳng hạn như bán tài sản phi cốt lõi (Non-Core Assets) hoặc huy động vốn từ cổ đông.
Trái ngược với tình cảnh khó khăn chờ đầu tư của bất động sản Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ những quốc gia đã tiếp nhận chuỗi sản xuất di dời từ Trung Quốc.
Công ty cổ phần tư nhân bất động sản Gaw Capital Partners đang quản lý số tài sản trị giá hơn 30 tỷ USD. Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này, ông Goodwin Gaw, đặc biệt lạc quan về Việt Nam, nơi công ty của ông đang sở hữu những dự án phát triển như Lim Tower - tòa nhà 34 tầng ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
“Chừng nào còn có vấn đề địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, chiến lược ‘Trung Quốc cộng một’ sẽ vẫn tiếp tục được áp dụng”, ông Goodwin Gaw nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television hồi tháng Ba.
(Theo The Epoch Times tiếng Trung)
(ntdvn.net; Đông Phương biên dịch)