Một tu sĩ Phật giáo Ấn Độ đến Thupten Gatsal Ling Gunpa, một chi nhánh của Tu viện Tawang, ở thành phố Itanagar, thủ phủ của tiểu bang Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ, vào ngày 11/10/2009. (Ảnh: Diptendu Dutta/AFP qua Getty Images)
NEW DELHI – Vài ngày sau khi Trung Quốc nhắc lại yêu sách của mình đối với vùng lãnh thổ Arunachal Pradesh ở khu vực phía đông dãy Himalaya của Ấn Độ, thì Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố này. Cuộc đấu khẩu này diễn ra khi Bắc Kinh một lần nữa sửa đổi bản đồ khu vực, đặt tên mới bằng tiếng Hoa cho hàng chục địa điểm ở tiểu bang Ấn Độ này.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết khi trả lời một câu hỏi trong cuộc họp báo thường nhật hôm 20/03, “Hoa Kỳ công nhận Arunachal Pradesh là lãnh thổ của Ấn Độ và chúng tôi phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ bằng cách xâm nhập hoặc xâm lấn, bằng quân sự hoặc dân sự, qua Đường Kiểm soát Thực tế.”
Arunachal Pradesh là một lãnh thổ thuộc Ấn Độ trên dãy Himalaya, tiếp giáp với Bhutan và giáp biên giới với Miến Điện (còn gọi là Myanmar). Đây là một vùng đất quan trọng của Phật giáo Tây Tạng, nơi có nhiều tu viện quan trọng—trong đó có một số tu viện đã được thành lập cách đây hàng trăm năm. Lãnh thổ này có chung hơn 700 dặm (khoảng 1,126 km) biên giới tranh chấp với Tây Tạng, vùng đất bị Trung Quốc cai trị và gọi là Khu tự trị Tây Tạng.
Đây là lần thứ hai Hoa Kỳ phản đối yêu sách của Trung Quốc về cái mà Bắc Kinh gọi là “Tạng Nam” (Zangnan). Một dự luật nhằm tái khẳng định Arunachal Pradesh là một phần không thể thiếu của Ấn Độ đã được giới thiệu tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Ông Frank Lehberger, một nhà Hán học ở châu Âu với 25 năm kinh nghiệm làm việc ở Trung Quốc và Tây Tạng, nói với The Epoch Times rằng tuyên bố của Hoa Kỳ là một tín hiệu rõ ràng với Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ Ấn Độ về mặt ngoại giao, pháp lý, và quân sự.
Ông Lehberger cho biết: “Tuyên bố gần đây bổ sung cho những gì đã tuyên bố năm ngoái, đồng thời báo hiệu quan điểm của Hoa Thịnh Đốn rằng Arunachal Pradesh không phải là cái gọi là ‘vùng lãnh thổ tranh chấp,’ mà xác nhận rằng đây rõ ràng là một phần không thể tách rời của Ấn Độ.”
Ông nói thêm rằng tuyên bố của Hoa Kỳ cũng gửi một tín hiệu tới dư luận ở Ấn Độ rằng Hoa Kỳ có thể cung cấp sự giúp đỡ đáng tin cậy hơn nhiều để chống lại Trung Quốc so với nước Nga của ông Putin.
Tuyên bố của Hoa Kỳ được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhắc lại yêu sách của mình đối với Arunachal Pradesh hôm 15/03, với việc phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đại tá Trương Hiểu Cương (Zhang Xiaogang), gọi việc Ấn Độ quản lý khu vực này là bất hợp pháp.
Ông Claude Arpi là một nhà nghiên cứu, nhà sử học và tác giả Tây Tạng gốc Pháp hiện đang sống ở Ấn Độ. Ông Arpi nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ có lý do riêng để ủng hộ tuyên bố của Ấn Độ.
“Hoa Kỳ có lý do riêng để đứng về phía Ấn Độ trong trường hợp này; có lẽ cuộc đối đầu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn là nguyên nhân đầu tiên. Vì đây là một trường hợp chính đáng, EU (đặc biệt là Pháp và Đức) cũng nên đứng về phía Ấn Độ,” ông Arpi viết.
Bản đồ bảy con sông hùng vĩ ở châu Á (mỗi con sông được biểu thị bằng một chấm màu xanh) bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Chấm màu cam xác định khu vực sông Yarlung Tsangpo (thượng nguồn của sông Brahmaputra) chảy vào Ấn Độ ở Arunachal Pradesh. Bản đồ này không có tỷ lệ. (Ảnh: Chỉnh sửa bởi Venus Upadhayaya/The Epoch Times)
Cuộc chiến giành nguồn nước
Tiểu bang Arunachal Pradesh cũng vô cùng quan trọng vì vị trí của vùng đất này trong lưu vực sông xuyên biên giới của Yarlung Zangpo. Con sông được gọi là Siang/Dihang ở Arunachal, Brahmaputra ở miền đông Ấn Độ và Jamuna ở Bangladesh. Như vậy, theo ông Narayanan, thung lũng Brahmaputra là vấn đề ba bên.
Arunachal trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh tranh chấp sông xuyên biên giới này vì nhiều nhánh quan trọng nhập vào Brahmaputra bên trong Arunachal trên biên giới Tây Tạng. Ông Narayanan lưu ý rằng Trung Quốc đang xây dựng một con đập mới trên sông Yarlung Zangpo ở Tây Tạng. Con đập sẽ lớn gấp ba lần đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới.
Con đập này “sẽ khiến toàn bộ khu vực trở nên bất ổn khi xét đến vị trí địa lý mong manh [của khu vực]. Sức nặng của nước từ hồ chứa sẽ ảnh hưởng đến các trận động đất ở khu vực xuyên biên giới rộng lớn hơn,” ông Narayanan nói, và nói thêm rằng Arunachal Pradesh cuối cùng có thể trở thành một sân khấu địa chiến lược xảy ra các cuộc chiến về nguồn nước trong khu vực — một lý do đằng sau hành động của Trung Quốc.
(Epoch Times Việt ngữ; Thanh Nguyên lược dịch)
(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)