Lính cứu hỏa dập tắt một trận hỏa hoạn ở một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk sau khi khu này bị hỏa tiễn bắn vào. Nguồn: AAP

 

ÂU CHÂU - Việc Nga gia tăng các vụ tấn công đẫm máu tại Ukraine khiến các nhà lãnh đạo NATO tại cuộc họp thượng đỉnh 3 ngày ở Madrid, quyết tâm mở rộng liên minh quân sự. Sau các cuộc hội đàm với Phần Lan và Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không ngăn cản 2 quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.

 

Đã 5 tháng sau cuộc chiến Ukraine bùng nổ, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ chấm dứt.

 

Số tử vong của thường dân tiếp tục gia tăng, với ít nhất 20 người hiện được xác nhận đã chết và con số tiếp tục tăng, sau khi 2 hỏa tiễn Nga bắn vào một trung tâm thương mại đông đảo tại Kremenchuk, ở trung tâm Ukraine.

 

Có đến 1 ngàn người ở trong tòa nhà, khi hỏa tiễn nổ vào lúc 4 giờ chiều giờ địa phương hôm thứ hai, gây ra một đám cháy lớn lao khiến 300 nhân viên khẩn cấp phải mất 4 tiếng đồng hồ để dập tắt.

 

Các toán cấp cứu hiện vẫn tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát.

 

Hoàn hồn sau vụ nổ khiến tay chân và đầu bị thương, ông Ihor Ishchenko cho biết ông tự xem là may mắn khi còn sống sót.

Ông kể lại “Tôi vào một cửa hàng để sửa điện thoại, cũng uống cà phê".

"Tôi đi được 5 đến 7 mét thì có một tia chớp sáng mà đỏ và cam, rồi một hỏa tiễn đúng thật".

"Sau đó còn một tiếng nổ khác nữa, tôi không thể nhớ được nó xảy ra bên phải hay bên trái".

"Có nhiều bụi than và khói mù, tôi phải bò ra cửa thoát hiểm”.

 

Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tìm cách tách rời Nga, khỏi việc bị đổ lỗi về những cách chết ở Kremenchuk.

 

Không đưa được bằng chứng nào để hỗ trợ cho tuyên bố của ông, ông Lavrov cho rằng hỏa tiễn Nga bắn trúng trung tâm thương mại là do tai nạn, sau khi quân đội Nga tấn công một kho đạn gần đó chứa vũ khí của Mỹ và Âu Châu.

Ông nói “Do kết quả của vụ nổ đạn dược, khiến cho một trung tâm thương mại trống rỗng gần đó bị bắt lửa".

"Càng có thêm vũ khí được cung cấp nhắm vào việc kéo dài cuộc xung đột, kéo dài sự khổ đau của thường dân vốn luôn sống dưới sự pháo kích của chế độ tân Phát Xít Ukraine, thì chúng tôi sẽ phải hành động thêm nữa và chiến dịch nầy sẽ được kết thúc”.

 

Vụ tấn công của Nga đã bị các nhà lãnh đạo thế giới lên án, khi họ tham dự cuộc họp thượng đỉnh NATO trong 3 ngày tại Madrid.

 

Tổng Thư Ký Nato Jens Stoltenberg nói rằng, sự xâm lược của Nga tại Ukraine bao gồm vụ tấn công vừa qua, nhắc nhở một sự chuyển đổi căn bản trong đường lối phòng thủ của NATO.

Jens Stoltenberg nói “Khái niệm chiến lược Madrid sẽ là căn bản cho NATO, trong một thế giới nguy hiểm hơn và khó đoán trước được".

"Chúng tôi sẽ đồng ý về một sự chuyển đổi toàn diện về răn đe và phòng thủ với thêm nhiều lực lượng sẵn sàng, phòng không tân tiến hơn và các trang thiết bị thêm nữa".

"Chúng tôi sẽ đồng ý một kế hoạch hỗ trợ toàn diện cho Ukraine, để giúp họ duy trì quyền tự vệ".

"Điều quan trọng là chúng tôi phải sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ, vì Ukraine hiện phải đối mặt với sự tàn bạo mà chúng tôi chưa từng thấy ở Châu Âu, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”.

 

Nhận xét nói trên diễn ra một ngày, sau khi ông loan báo việc gia tăng quân số gấp 7 lần, với 300 ngàn binh sĩ được đặt trong tình trạng báo động cao độ.

 

Trong một dấu hiệu khác của việc bành trướng NATO, Phần Lan và Thụy Điển hiện tiến gần đến việc gia nhập liên minh quân sự, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ rút lại lời đe dọa ngăn cản việc gia nhập của 2 quốc gia nói trên.

 

Sau 4 giờ hội đàm giữa các nhà lãnh đạo của 3 quốc gia tại cuộc họp thượng đỉnh NATO, dẫn đến kết quả là việc thông qua bế tắc và ký kết một thỏa ước chung, trong đó ông Stoltenberg là nhà điều giải.

 

Ông cho biết, diễn biến nói trên làm cho NATO càng mạnh thêm hơn.

Ông nói “Nay Tổng Thống Putin có thêm lực lượng NATO ở biên giới của ông".

"Những gì ông ta nhận được là trái ngược với điều mà ông thực sự đòi hỏi, như là NATO ở sát cửa ngỏ của Nga và không chấp nhận Ukraine làm hội viên của NATO".

"Chúng ta hiện cho thấy cánh cửa của NATO rộng mở”.

 

Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông rất vui với thỏa thuận chung mới.

 

Để đổi lấy việc hỗ trợ gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia Bắc Âu sẽ đáp ứng lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kỳ, về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với việc giao vũ khí cho Thổ, sau khi nước này xâm lược Syria vào năm 2019.

 

Ông Stoltenberg nói rằng, đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng về yêu cầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ, về việc dẫn độ những cá nhân bị truy nã, bị cáo buộc là chiến binh người Kurd, đứng sau một cuộc nổi dậy chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nói “Dĩ nhiên Phần Lan và Thụy Điển sẵn sàng hoạt động với Thổ Nhĩ Kỳ, về các vụ trục xuất đang chờ đợi, hay các yêu cầu dẫn độ các cá nhân nghi ngờ khủng bố".

"Đồng thời tiến trình dẫn độ sẽ diễn ra phù hợp với Hiệp ước Dẫn độ của Âu Châu, tôi muốn nói là dĩ nhiên phải tuân thủ luật lệ và hệ thống luật pháp của các quốc gia nầy”.

 

Trong một dấu hiệu của những nỗ lực nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của Liên minh sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Úc, Nam Hàn, Nhật Bản và New Zealand tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách quan sát viên.

 

Thủ tướng Úc, Anthony Albanese cho biết ông đứng cùng với các nhà lãnh đạo NATO và đồng minh khác, những người có ý định buộc Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, cô lập chính trị và hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Ông Anthony Albanese nói “Cuộc chiến xâm lược nầy hiện chứng kiến ngày càng có nhiều thường dân bị ảnh hưởng và ông Vladimir Putin làm cho thế giới đoàn kết chống lại ông ta, vì hành động tàn ác nầy”.

 

Ông Albanese cho biết đang xem xét việc tái lập tòa đại sứ Úc ở Kyiv, sau khi các nhân viên đã được di tản hồi tháng Hai, trước cuộc xâm lược của ông Putin.

 

Ông Albanese đã gặp người chủ trì hội nghị, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.

 

Ông Sanchez nói rằng, NATO được thành lập sau Thế chiến thứ hai, để chống lại mối đe dọa do Liên Xô gây ra và ngày nay, tổ chức này đang ở một bước ngoặt.

Ông nói “Tôi nghĩ rằng ngay từ giây phút đầu tiên, các quốc gia thành viên NATO cùng các đồng minh, chúng tôi đã rất cân nhắc trong các hoạt động can thiệp của mình, đặc biệt là không để cuộc xung đột này leo thang".

"Điều rõ ràng là, chúng tôi phải truyền tải một thông điệp không khuyến khích, đến Liên bang Nga và với ông Vladimir Putin rằng, rõ ràng Điều 5 của Hiệp ước NATO về phòng thủ lẫn nhau có thể được kích hoạt, vào thời điểm mà bất kỳ quốc gia đồng minh nào phải hứng chịu".

"Mối đe dọa này rất trực tiếp và truyền đi một thông điệp rằng, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ từng centimet lãnh thổ của đồng minh”.

 

Trong khi đó Liên Hiệp Quốc cho biết trong 5 tháng qua, có 5,26 triệu người đã rời khỏi Ukraine và 6,2 triệu người khác đang phải di dời trong nước.

 

Ngay cả trong bối cảnh về các cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài trong nhiều năm, cuộc thảo luận cũng đang chuyển sang một kế hoạch lâu dài để tái thiết Ukraine.

 

Các nhà phân tích, nhà ngoại giao và lãnh đạo thế giới, như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang kêu gọi một kế hoạch được mô phỏng theo sáng kiến ​​của Hoa Kỳ để giúp Tây Âu tái thiết, sau Thế chiến thứ hai, được gọi là Kế hoạch Marshall.

 

Phó thủ tướng Ukraine, bà Olga Stefanishyna nói rằng, đất nước của bà sẽ hoan nghênh một sáng kiến ​​như vậy.

 

Phát biểu tại Diễn đàn Brussels thường niên của Quỹ Marshall của Đức, bà nói rằng kế hoạch này nên bao gồm một số yếu tố.

Bà Olga Stefanishyna nói “Đó là sự hỗ trợ tài chính và kinh tế cho Ukraine trong suốt thời kỳ chiến tranh để bảo đảm rằng, nền kinh tế của chúng tôi hoạt động tốt, các lãnh vực tài chính ngân hàng được bền vững và chúng tôi có khả năng bảo đảm các nhu cầu xã hội của người dân Ukraine".

"Đây là điều cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến, giữ gìn sự thống nhất và khả năng phục hồi của người dân chúng tôi".

"Tất nhiên yếu tố thứ hai, bản thân Kế hoạch Marshall, là công cuộc tái thiết sau chiến tranh, hiện nay rõ ràng dựa trên cách thức của Ukraine đối với Liên minh châu Âu”.

 

Được biết vào ngày 23 tháng 6 vừa qua, Ukraine trở thành ứng viên chính thức vào Liên Âu, thế nhưng vẫn còn các bước khác cần thực hiện, trước khi đơn gia nhập được thành công.

 

Các bước nầy bao gồm việc hoàn thành một số các cải tổ về kinh tế và chính trị, vốn là những vấn đề khó khăn tại một quốc gia đang trong thời chiến.