Tom McArthur

Vai trò,BBC News

 

 

 

 

Tương lai của Ukraine là trọng tâm của Hội nghị An ninh Munich (MSC), chỉ vài ngày sau một cuộc điện đàm gây sốc giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó họ đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh Ukraine.

 

Mô tả cuộc gọi điện này là "tuyệt vời", Trump cho biết có "khả năng tốt để kết thúc cuộc chiến tồi tệ, rất đẫm máu này".

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảnh báo rằng không được bỏ qua đất nước của ông trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Các đồng minh châu Âu có vẻ ngạc nhiên trước tính chất của cuộc gọi, với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào liên quan đến việc đầu hàng Nga sẽ "kết thúc xấu cho tất cả mọi người".

 

Hiện tại vẫn chưa rõ khi nào các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu, nhưng khi diễn ra, các vấn đề về lãnh thổ, an ninh và tương lai của Ukraine trong NATO sẽ là những chủ đề chính cần thảo luận.

 

 

 

 

Ukraine đã mất những vùng lãnh thổ nào và liệu có được trả lại không?

 

 

Năm vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm

 

 

 

Moscow hiện kiểm soát khoảng một phần năm lãnh thổ Ukraine, chủ yếu ở phía nam và phía đông.

 

Sau khi Tổng thống thân Nga của Ukraine bị lật đổ vào năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea ở Biển Đen và hỗ trợ các lực lượng ly khai thân Nga trong cuộc chiến đẫm máu ở các khu vực Donetsk và Luhansk.

 

Xung đột sau đó bùng phát trở thành cuộc chiến tranh toàn diện kéo dài gần ba năm sau khi Nga xua quân xâm lược trên quy mô lớn.

 

Những cố gắng của Moscow trong việc tiến chiếm thủ đô Kyiv đã bị cản trở, nhưng quân đội Nga đã dần dần mở rộng kiểm soát lãnh thổ, chủ yếu ở khu vực phía đông.

 

Lực lượng Ukraine, được hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị từ Mỹ cùng đồng minh châu Âu, đã tìm mọi cách gây khó khăn cho những bước tiến đó, và đôi khi họ đã giành lại được một số phần lãnh thổ, cũng như thực hiện các cuộc phản công vào khu vực phía tây Nga.

 

Ukraine luôn khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào phải bao gồm việc rút toàn bộ quân Nga ra khỏi Ukraine về biên giới trước năm 2014, bao gồm Crimea, Donetsk và Luhansk.

 

"Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là của Nga," ông Zelenskyy nói trong một cuộc họp báo trong MSC.

 

Nga, mặt khác, đã chính thức sáp nhập bốn khu vực ở đông và nam Ukraine và muốn các vùng này được công nhận là của Nga dù họ không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ các khu vực này.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với Guardian, ông Zelenskyy gợi ý rằng lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Ukraine có thể được dung để trao đổi với phần lãnh thổ mà Ukraine chiếm được ở khu vực Kursk phía tây của Nga như một phần của thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhanh chóng bác bỏ điều này.

 

Cho đến gần đây, các đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn ủng hộ lập trường của ông Zelenskyy về việc toàn bộ Ukraine, bao gồm cả Crimea, nên được trả lại.

 

Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Pete Hegseth đã dội gáo nước lạnh vào hy vọng đó, khi phát biểu trong một hội nghị vào tháng 2 này rằng việc đạt được các biên giới trước năm 2014 là một "mục tiêu không thực tế."

Ông nói, "Theo đuổi mục tiêu ảo tưởng này sẽ chỉ kéo dài chiến tranh và gây thêm đau khổ mà thôi.”

 

 

 

Ukraine có thể gia nhập NATO không?

 

Ukraine muốn gia nhập NATO, lập luận rằng liên minh quân sự phương Tây - nơi các thành viên cam kết bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công - là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh của mình.

 

 

Đối với Kyiv, cuộc xâm lược quy mô lớn của Nga là bằng chứng cho thấy chỉ có tư cách thành viên NATO mới có thể bảo đảm an ninh của Ukraine.

 

Tuy nhiên, Nga luôn phản đối việc Ukraine trở thành thành viên, lo ngại rằng điều này sẽ đưa các lực lượng NATO đến gần biên giới của mình.

 

Khi đến MSC, ông Zelenskyy cho biết Ukraine tin tưởng vào các bảo đảm an ninh của NATO, và sau đó nói rằng ông cho rằng tư cách thành viên sẽ là "lựa chọn rẻ nhất cho tất cả các bên".

 

Châu Âu cần đoàn kết xung quanh Ukraine để tự bảo vệ, ông nói thêm.

 

Các thành viên NATO đã nhất quán trong lập luận Ukraine cần gia nhập NATO trong tương lai, khi Thủ tướng Vương quốc Anh Sir Keir Starmer nói với ông Zelenskyy rằng quốc gia này đang trên "con đường không thể đảo ngược" để gia nhập tổ chức này.

 

Nhưng những bảo đảm đó giờ đây có vẻ không còn chắc chắn như trước, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hạ thấp khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

 

Ông Hegseth nói, "Mỹ không tin việc kết nạp thành viên NATO cho Ukraine là kết quả thực tế của một thỏa thuận hòa bình.”

 

 

 

 

Các bảo đảm an ninh nào có thể được đặt ra?

Ảnh: GETTY IMAGES (BBC)

 

 

 

Ông Zelenskyy cho biết các cuộc thảo luận trước đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump "hoàn toàn không đủ để tạo thành một kế hoạch" hòa bình.

 

Phát biểu khi đến MSC, ông nói rằng tín hiệu từ Mỹ là "mạnh mẽ" nhưng "đa dạng."

 

Ông Hegseth tuyên bố ông Trump là "người duy nhất trên thế giới" có thể mang lại sự đồng thuận giữa hai bên và khẳng định các nỗ lực của Mỹ trong đàm phán hòa bình "chắc chắn không phải là sự phản bội" đối với các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu chống lại lực lượng xâm lược của Nga.

 

Trong khi đó, phó tổng thống Mỹ cho biết việc đưa quân đến Ukraine "vẫn trên bàn" nếu Nga không đàm phán thỏa thuận hòa bình một cách thiện chí.

 

"Tổng thống không vào cuộc với cái nhìn phiến diện," ông JD Vance nói với Wall Street Journal.

 

Vào tháng 10 năm ngoái, ông Zelenskyy đã trình bày kế hoạch chiến thắng của mình trước quốc hội Ukraine, bao gồm các điểm chính như tư cách thành viên NATO, tham gia cùng Mỹ và EU bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quan trọng, và kiềm chế Nga thông qua một gói kiềm chế chiến lược phi nguyên tử khai triển trên đất Ukraine.

 

Tổng thống Mỹ lúc đó, ông Joe Biden, cũng như các ứng cử viên tổng thống khi đó là bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đã nhận được một bản tóm lược về kế hoạch này.

 

Hiện chưa rõ liệu có phần nào trong kế hoạch của ông Zelenskyy sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán hòa bình, tuy nhiên ông Hegseth đã cảnh báo sẽ không đưa quân đội Mỹ đến lãnh thổ Ukraine vào trong bất kỳ thỏa thuận an ninh tương lai nào.

 

Ông Zelenskyy nói với Guardian rằng ông không tin về các bảo đảm an ninh mà không có sự tham gia của Mỹ sẽ có hiệu quả.

 

Các nguồn quốc phòng Anh trích dẫn trong tờ Times cho biết Mỹ có thể cung cấp một số hình thức phòng không - có thể là hỏa tiễn Patriot - cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine để đổi lấy quyền tiếp cận khoáng sản.

 

 

 

(Nguồn BBC)