Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Bộ tứ họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

 

 

 

Toàn cảnh phiên khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 với sự tham gia của hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao trên toàn thế giới.

 

 

 

 

Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76.

 

Kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) khóa 76 đã chính thức khai mạc vào hôm thứ Ba ngày 22/6 tại New York, Mỹ. Sự kiện có sự tham dự của hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao đến từ 132 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và sẽ kết thúc vào ngày 27/6.

 

 

Phiên thảo luận chung diễn ra từ ngày 21/9 đã được khởi động bằng các bài phát biểu đến từ các nhà lãnh đạo gồm Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

 

 

Một số chủ đề trọng tâm trong phần phát biểu của các nhà lãnh đạo bao gồm đại dịch Covid-19, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như các thách thức an ninh toàn cầu, đặc biệt trong vấn đề Afghanistan và chương trình hạt nhân của Iran.

 

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng thông báo Ankara sẽ phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong tháng tới. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ tăng gấp đôi ngân sách cho các khoản viện trợ về biến đổi khí hậu lên 11,4 tỷ/năm.

 

 

Về vấn đề Covid-19, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani cho rằng đại dịch đã “bộc lộ những yếu kém của hệ thống an ninh tập thể”, cũng như nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc cân bằng giữa các biện pháp y tế và kinh tế.

 

 

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lại lên tiếng phản đối các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với dịch bệnh và không ủng hộ các quy định về hộ chiếu vaccine, dù cho rằng việc tiêm chủng là vẫn cần thiết.

 

 

Đối với vấn đề Afghanistan, trong một cuộc gặp mặt bên lề Hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí hợp tác song phương để giải quyết tình hình tại nước này. Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn khẳng định các biện pháp đã triển khai “vẫn chưa có hiệu quả”.

 

 

Chương trình hạt nhân của Iran cũng là một chủ đề nhận được nhiều quan tâm. Quốc vương Qatar cho rằng, chỉ có các biện pháp “đối thoại hợp lý” mới có thể giải quyết được bất đồng giữa các bên. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Raisi khẳng định chương trình hạt nhân của Tehran hoàn toàn vì mục đích “hòa bình” và không nằm trong chính sách quốc phòng của nước này.

 

 

 

 

Lãnh đạo các nước thuộc nhóm Bộ tứ. (Nguồn: AP)

 

 

 

Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nhóm Bộ tứ tại New York.

 

Vào ngày 24/9, các nhà lãnh đạo các nước thành viên nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng.

 

 

Sau cuộc họp kéo dài 2 giờ, một tuyên bố chung đã được đưa ra, thể hiện sự nhất quán trong quan điểm của nhóm Bộ tứ: “Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do đi lại trên biển và trên không, giải quyết các hoà bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia".

 

 

Dù trong những phát biểu công khai và tuyên bố chung không nhắc tới Trung Quốc, Bắc Kinh rõ ràng đang là ưu tiên hàng đầu của liên minh này. Ngoài ra, văn bản cũng đề cập tới cam kết thúc đẩy trật tự dựa trên quy tắc “tự do và rộng mở”, lấy luật quốc tế làm gốc và tăng cường an ninh, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

 

 

 

Quad cũng sẽ triển khai mạng 5G, các kế hoạch giám sát biến đổi khí hậu và công bố các bước tiếp theo trong việc cung cấp 1 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 trên khắp châu Á vào cuối năm 2022.

 

 

Bên cạnh đó, sau hội nghị này, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết nhóm Bộ tứ đã nhất trí sẽ tổ chức họp thượng đỉnh hàng năm.

 

 

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Getty)

 

 

 

 

Pháp hòa giải với Mỹ hậu AUKUS.

 

Ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi tranh cãi nổ ra liên quan thương vụ tàu ngầm của Australia sau khi Mỹ, Australia và Anh công bố quan hệ an ninh 3 bên mới AUKUS.

 

 

Theo thông báo của Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp, Tổng thống Joe Biden đã nhất trí rằng, việc tham khảo ý kiến của Paris trước khi công bố AUKUS đã có thể ngăn chặn được một cuộc tranh cãi ngoại giao. Cũng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khởi động các cuộc tham vấn sâu để gây dựng lại lòng tin và cho biết sẽ gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10 tới.

 

 

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của Pháp và châu Âu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, Washington cũng nhận thấy tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ và có năng lực hơn để đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu cũng như củng cố cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

 

Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Pháp Macron thông báo sẽ cử đại sứ nước này trở lại Mỹ.

 

 

Bên cạnh đó, ông Macron cũng đã có cuộc điện đàm vào ngày 24/9 với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Trong cuộc điện đàm, người đứng đầu Chính phủ Anh khẳng định nước này mong muốn khôi phục hợp tác với Pháp.

 

 

 

Maroc và Algeria đã có quan hệ căng thẳng trong nhiều thập kỷ, chủ yếu là về vấn đề Tây Sahara (Nguồn: AFP)

 

 

 

 

Căng thẳng ngoại giao Algeria - Morocco leo thang.

 

Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Cấp cao Algeria ngày 22/09, Tổng thống Abdelmadjid Tebboune cho biết nước này đã đóng cửa không phận đối với tất cả máy bay dân sự, quân sự cũng như các máy bay đã đăng ký ở Morocco.

 

 

Theo Tổng thống Tebboune, cuộc họp cũng xem xét tình hình ở biên giới của hai nước và thảo luận về "các hành động khiêu khích cũng như hành vi thù địch vẫn tiếp diễn của Morocco”.

 

 

Về phía Morocco, nước này hiện vẫn chưa phản ứng trước các động thái của Algiers.

 

 

Theo một nguồn tin từ hãng hàng không Royal Air Maroc (RAM), quyết định này sẽ chỉ ảnh hưởng tới các chặng bay có lịch trình qua không phận của Algeria, bao gồm 15 chuyến bay hàng tuần từ Morocco tới Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

 

 

Trước đó, ngày 24/8, Algeria đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước láng giềng sau nhiều tháng leo thang căng thẳng và cáo buộc nước này “có các hành động thù địch” với Algiers.

 

 

 

 

 

Khủng hoảng nối khủng hoảng, hàng trăm nghìn người dân Haiti rơi vào 'thảm cảnh' mất an ninh lương thực. (Nguồn: WFP)

 

 

Chính quyền Biden đối mặt với chỉ trích trong vấn đề người di cư từ Haiti

 

Ngày 23/9, trong bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đặc phái viên của Mỹ tại Haiti Daniel Foote tuyên bố từ chức để phản đối việc chính quyền Tổng thống Joe Biden trục xuất hàng nghìn người Haiti tại biên giới Mỹ - Mexico.

 

 

Quyết định được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu đưa người di cư Haiti lên các chuyến bay trục xuất. Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết Mỹ đã hồi hương hơn 1.400 người di cư và di chuyển hơn 3.200 người khỏi trại tị nạn. Nhiều người khác ở lại chờ ra tòa về việc nhập cư trái phép.

 

 

Trong bức thư, ông Foote cho rằng cách tiếp cận chính sách của nước Mỹ đối với người di cư Haiti là sai lầm và khẳng định “sẽ không liên quan đến quyết định vô nhân đạo, phản tác dụng của nước Mỹ khi trục xuất hàng nghìn người tị nạn Haiti và những người nhập cư bất hợp pháp về Haiti”.

 

 

Ông Daniel Foote mới được bổ nhiệm vào vị trí đặc phái viên của Mỹ tại Haiti vào tháng 7. Ông mô tả Haiti là nơi các nhà ngoại giao Mỹ “bị giới hạn trong các cơ sở an ninh vì mối nguy từ những băng nhóm vũ trang kiểm soát cuộc sống bên ngoài”. Ông Foote nói thêm những người trở về sẽ gặp tình trạng thiếu thực phẩm, nơi ở và tiền bạc.

 

 

Trong những tuần gần đây, hơn 15.000 người di cư, phần lớn là người Haiti, đã đổ về thành phố biên giới Del Rio, bang Texas, Mỹ. Sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát, bạo lực và một trận động đất lớn đã khiến quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Hình ảnh những người di cư, gồm 60% là các gia đình, chen chúc dưới các cây cầu vượt khiến nước Mỹ sửng sốt và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng mới đối với chính sách di cư của quốc gia này.

 

 

 

 

 

 

Đài Loan chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP. (Nguồn: CGTN)

 

 

 

Đài Loan nộp đơn xin gia nhập CPTPP

Ngày 22/9, Đài Loan bất ngờ nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chỉ một tuần sau khi Trung Quốc đại lục có động thái tương tự.

 

 

Theo Nikkei, Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP cho New Zealand - quốc gia đóng vai trò là cơ quan lưu chiểu cho hiệp định thương mại vành đai Thái Bình Dương và tìm kiếm sự ủng hộ của tất cả các thành viên hiện nay.

 

 

Trong cuộc họp báo cùng ngày 23/9 để giải thích thêm về quyết định của mình, Trưởng đoàn đàm phán Đài Loan John Deng gián tiếp thừa nhận Đài Loan lo ngại sẽ gặp nhiều “rủi ro” nếu Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của CPTPP trước Đài Loan.

 

 

Người phát ngôn của cơ quan hành pháp Đài Loan cũng kêu gọi các nước đã tham gia vào CPTPP cân nhắc việc kết nạp thêm Đài Bắc, với tư cách là một nền kinh tế không thể bị bỏ qua của thế giới.