Bà Xue Hanqin (ảnh chụp màn hình CGTN/Youtube).
AP đưa tin, ứng cử viên Xue Hanqin của Trung Quốc ngày 12/11 đã trúng cử ghế thẩm phán tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
Ngoài bà Xue còn có 4 ứng viên khác của Uganda, Nhật Bản, Slovakia và Đức cũng trúng cử đợt này.
Tổng cộng, lần này có 8 ứng viên tranh cử vào 5 vị trí của ICJ – chức danh có nhiệm kỳ 9 năm bắt đầu từ ngày 5/2/2021. Trừ thẩm phán người Đức, 4 người trúng ghế còn lại đều là thẩm phán tái tranh cử nhiệm kỳ mới.
Bà Xue lần đầu trúng ghế vào tòa này vào năm 2010. Bà trở thành Phó chủ tịch ICJ từ năm 2018 và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này.
Với lịch sử đàn áp nhân quyền dày đặc và một xã hội không kiên toàn luật pháp như tại đại lục, việc Trung Quốc trúng cử các vị trí thẩm phán trong các tổ chức quốc tế luôn làm dấy lên lo ngại của dư luận.
Lấy ví dụ, hồi tháng 8 Đại sứ Trung Quốc tại Hungary, ông Đoàn Khiết Long, đã được bầu làm một trong 7 thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2020 – 2029.
Trước thời điểm bỏ phiếu bầu ra các thẩm phán nhiệm kỳ mới khi đó, trong một hội nghị trực tuyến về Biển Đông hồi giữa tháng 7, trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell đã kêu gọi tất cả 167 nước thành viên UNCLOS “đánh giá cẩn thận” ứng viên Trung Quốc đang tranh cử, theo Manila Bulletin.
Ông David Stilwell nói “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan đến cuộc bầu cử Tòa án Quốc tế sắp tới đánh giá cẩn thận các tiêu chuẩn của ứng viên từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cân nhắc xem liệu một thẩm phán Trung Quốc tại Tòa án sẽ giúp đỡ hay cản trở luật hàng hải quốc tế. Với hồ sơ trước đây của Bắc Kinh, câu trả lời đã trở nên khá rõ ràng”.
Ông Stilwell nói “Bầu một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này chẳng khác nào thuê một kẻ phóng hỏa để giúp điều hành Sở Cứu hỏa”.
Ông Stilwell cũng đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài vô hiệu hóa yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông hồi năm 2016 sau khi Philippines đệ đơn kiện.
Ông cho biết Trung Quốc đã cố gắng phớt lờ phán quyết, tiếp tục các yêu sách bất chấp nghĩa vụ tuân thủ với tư cách thành viên UNCLOS. Cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên ký kết UNCLOS.
Ông nói thêm: “Bắc Kinh thích tô vẽ bản thân là một nhà đấu tranh cho chủ nghĩa đa phương và các thể chế quốc tế, nhưng họ đã bác bỏ phán quyết và coi nó như một tờ giấy đơn thuần”.
Báo Tuổi Trẻ (của Nhà nước VN) cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ ông Đoàn Khiết Long, nói rằng ứng viên này “rất thông thạo luật quốc tế, có kiến thức phong phú lẫn kinh nghiệm thực tế trong luật biển quốc tế”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, lập luận trong cuộc họp báo hồi tháng 7, rằng “Nếu được bầu, chắc chắn ông Đoàn Khiết Long sẽ cống hiến hết mình cho các công việc của tòa án và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình”.
(Theo dkn.tv)