Viện Y tế Cộng đồng Ý Đại Lợi ngày 17/4 xác nhận gần 17,000 nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nước này đã bị nhiễm coronavirus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong số này, hơn 2/3 ca nhiễm là phụ nữ.

 

Nhân viên y tế Ý Đại Lợi mệt mỏi sau nhiều ngày làm việc liên tục trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. (Nguồn: NBC)

 

Con số trên chiếm khoảng 10% trong tổng số ca mắc Covid-19 được xác nhận chính thức tại Italy tính đến thời điểm hiện tại. Phần lớn nhân viên y tế bị nhiễm bệnh là những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch tại khu vực phía Bắc Ý Đại Lợi.

 

Viện Y tế Cộng đồng Ý Đại Lợi hiện chưa công bố số nhân viên y tế tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu do Hiệp hội Bác sĩ Italy công bố ngày 16/4 cho biết, ít nhất 125 bác sĩ đã thiệt mạng vì Covid-19.

 

Trong khi đó, truyền thông ngày 17/4 đưa tin, Covid-19 cũng cướp đi sinh mạng của ít nhất 34 y tá.

 

Các bác sĩ cho biết, số người chết trên thực tế có thể cao gấp đôi so với con số chính thức được công bố tại một số tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 ở Ý Đại Lợi

 

Một số bác sĩ Italy lo lắng rằng, các nhân viên y tế bị mắc Covid-19 có thể đã vô tình lây nhiễm virus cho các bệnh nhân của họ trong những tuần đầu khi dịch mới bùng phát tại nước này.

 

Kể từ khi bùng phát hồi cuối tháng 2, dịch Covid-19 đã gây sức ép lớn lên hệ thống y tế của Italy. Các bệnh viện đều rơi vào tình trạng thiếu nghiêm trọng trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ, khiến đội ngũ y tế đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm cao.

 

* Truyền thông Tây Ban Nha đưa tin, Bộ Y tế nước này đã thu hồi hàng trăm nghìn khẩu trang y tế FFP2 được nhập khẩu từ Trung Quốc và phân phối trên cả nước.

Theo Sputnik, lô khẩu trang do công ty Garry Galaxy sản xuất.

 

Báo El Mundo đưa tin, số khẩu trang bị thu hồi lên tới 350,000 chiếc. Những khẩu trang bị lỗi đã được phân phối tại 8 khu vực ở Tây Ban Nha, bao gồm Catalonia và Valencia.

 

Để một khẩu trang FFP2 đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu, ít hơn 6% các hạt nhỏ được phép đi qua. Nhưng theo đánh giá của Bộ Y tế Tây Ban Nha, có tới 18-29% hạt nhỏ có thể đi qua lô khẩu trang của Garry Galaxy.

 

Tại cuộc họp báo hôm 17/4, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa xác nhận số khẩu trang lỗi đã bị thu hồi và không được sử dụng. Bộ trưởng Illa cho biết Chính phủ Tây Ban Nha vẫn đang chờ lô khẩu trang Garry Galaxy mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu.

 

Tuy nhiên, các quan chức khu vực phàn nàn rằng số khẩu trang bị lỗi đã được các nhân viên y tế của Tây Ban Nha sử dụng. Công đoàn CSIF của Tây Ban Nha cũng cho biết các nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão đã sử dụng số khẩu trang bị lỗi trên.

 

Hồi cuối tháng 3, Chính phủ Tây Ban Nha đã trả lại hơn 50,000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 bị lỗi được sản xuất tại Trung Quốc. Độ chính xác của các bộ xét nghiệm này được đánh giá chỉ đạt 30%, trong khi yêu cầu tối thiểu là 80%.

 

Tây Ban Nha hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Số ca tử vong tại nước này đã lên vượt mức hơn 20,000 người, trong khi số ca nhiễm cũng tăng lên tới hơn 194,000 người.

 

* Số liệu cập nhật đến sáng 19/4 của Bộ Y tế Liên bang Ấn Độ cho thấy, tổng số bệnh nhân tử vong do coronavirus SARS-CoV-2 ở quốc gia Nam Á này hiện là 507 trường hợp - tăng 19 ca so với 1 ngày trước đó, trong khi đó số ca mắc mới được phát hiện là 920 trường hợp, lên tổng cộng 15,712 người.

 

Cũng theo Bộ trên, Ấn Độ đã ghi nhận 2,231 bệnh nhân Covid-19 được phép về nhà sau khi hồi phục sức khỏe. Như vậy, trên thực tế, quốc gia đông dân thứ hai thế giới hiện có 12,974 ca dương tính với coronavirus SARS-CoV-2.

 

Trong một động thái liên quan, Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại New Delhi hôm 18/4 cho hay, Ấn Độ đã đồng ý xuất khẩu thuốc hydroxychloroquine, được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, sang quốc gia Vùng Vịnh này.

 

Thông báo trên mạng xã hội Twitter của cơ quan trên viết: “Lô hàng dược phẩm đầu tiên, đang trên đường tới UAE, bao gồm 5,5 triệu viên thuốc dùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19”.

New Delhi hồi tháng trước đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu bởi nhu cầu đối với hydroxychloroquine vượt quá khả năng đảm bảo các nguồn cung an toàn dành cho chính Ấn Độ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố loại thuốc này có hiệu quả tiềm năng trong điều trị Covid-19.

 

* Bộ Thương mại Thái Lan vừa ra mắt hệ thống các cửa hàng bán lẻ trái cây lưu động tại thủ đô Bangkok với giá thấp nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ trái cây thừa trong mùa thu hoạch, đồng thời đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân về thực phẩm tươi khi có nhiều người ở nhà phòng tránh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

 

Các cửa hàng lưu động này là những chiếc xe bán tải chở theo trái cây cùng với rau xanh và hàng tiêu dùng đi bán rong tại các ngõ và cộng đồng trong vùng đô thị Bangkok.

 

Cùng với đó, hiện mỗi ngày có khoảng 500 xe bán rong tới mua thực phẩm tươi, trái cây và đồ tạp hóa tại chợ Talaad Thai và tỏa đi bán cho người dân ở những khu vực ngoại ô Bangkok như Pathum Thani, Samut Prakan và Nonthaburi.

 

Trước đó, Bộ Thương mại Thái Lan cũng đã cho ra mắt 200 xe bán đồ tạp hóa lưu động thuộc hệ thống bình ổn giá Cờ xanh nhằm bổ sung cho những nỗ lực của Chính phủ hạ thấp chi phí sinh hoạt của người dân và kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Những cửa hàng lưu động này bán hàng tiêu dùng như gạo, trứng, dầu ăn, đường, mì ăn liền, cá đóng hộp và nước rửa tay… tại vùng đô thị Bangkok. Bộ Thương mại còn có kế hoạch mở thêm 400-500 cửa hàng lưu động như vậy ở các khu vực khác.

 

Cùng ngày, Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) thông báo sẽ cắt giảm 33% ngân sách năm tài chính 2020, tương đương 4.100 tỷ Baht (126 triệu USD), để giúp Chính phủ đối phó với đại dịch Covid-19.

Truyền thông sở tại dẫn lời người phát ngôn Hải quân Prachachat Sirisawat cho biết, Chính phủ Thái Lan đã đề nghị tất cả các bộ cắt giảm ngân sách và đóng góp phần dôi dư cho ngân sách trung ương để bồi thường cho những người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hoặc dùng trong những tình huống khẩn cấp. Do đó, Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Luechai Rutdit đã ra lệnh cho RTN cắt giảm 33% ngân sách năm 2020, cao hơn mức 10% mà chính phủ yêu cầu.

Theo người phát ngôn trên, RTN cũng sẽ hoãn thương vụ mua 2 tàu ngầm thứ hai và thứ ba sang năm 2021, mặc dù thương vụ này này được thực hiện trong phạm vi ngân sách của riêng RTN, mà không phải là của Bộ Quốc phòng Thái Lan. Quyết định đó cũng có nghĩa là các dự án liên quan đến tàu ngầm cũng sẽ bị đình chỉ, như xây dựng cầu tàu và các cơ cở bảo dưỡng.

Những dự án khác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định cắt giảm ngân sách của RTN bao gồm đại tu máy bay lên thẳng chống ngầm, nâng cấp hệ thống dữ liệu mạng trung tâm, mua sắm các thiết bị huấn luyện và xây nhà cho đội ngũ nhân viên.

Ngày 19/4, Người phát ngôn Cơ quan quản lý tình hình dịch Covid-19 của Chính phủ Thái Lan, ông Taweesin Wisanuyothin cho biết, Thái Lan đã ghi nhận thêm 32 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 2.765 người.

Theo ông Taweesin, trong số 32 ca bệnh mới được phát hiện, có 28 người ở thủ đô Bangkok.

Tuy nhiên, Thái Lan cùng ngày không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào do virus SARS-CoV-2. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng ở quốc gia Đông Nam Á là 47 người.

* Ngày 19/4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này ghi nhận thêm 16 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 18/4.

Theo NHC, trong số các ca nhiễm mới có 9 ca là từ nước ngoài và 7 ca lây nhiễm trong nước gồm 6 ca ở tỉnh Hắc Long Giang và 1 ca ở tỉnh Quảng Đông. Cũng trong ngày 18/4, 33 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 77.062 người. Tính đến hết ngày 18/4, Trung Quốc đại lục có 82.735 ca nhiễm và 4.632 ca tử vong.

* Tại Nam Hàn, ngày 19/4 lần đầu tiên kể từ tháng 2 ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức dưới 10 trong khi tỷ lệ khỏi bệnh ở nước này đạt trên 75%.

Thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) cho thấy tính tới 10h (giờ địa phương) ngày 19/4, với 8 ca mới được phát hiện, tổng số ca nhiễm ở nước này là 10.661 người. Số ca tử vong là 234 (tăng thêm 2 ca), trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn đến nay là 8.042 người, chiếm 75,4%. Hiện vẫn còn khoảng 10 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch. Hàn Quốc hiện có khoảng trên 1.000 ca lây nhiễm từ nước ngoài.

Tuy Nam Hàn có tổng số ca nhiễm mới giảm, song ngày càng có nhiều bệnh nhân không xác định được "con đường lây nhiễm", nghi ngờ lây từ những người nhiễm bệnh không xuất hiện triệu chứng trong cộng đồng, hoặc những người trở về từ nước ngoài.

 

KCDC cho biết đang thảo luận các biện pháp tiếp theo sau khi thời hạn giãn cách xã hội kết thúc vào ngày 19/4. KCDC cũng kêu gọi người dân tuân thủ triệt để đến hết thời hạn quy định, đề phòng dịch bùng phát trở lại.

 

* Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, ngày 18/4 tuyên bố nước này sẽ tăng gấp đôi hoạt động sản xuất để khôi phục dần nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Theo đó, tỷ lệ công nhân viên chức được phép đi làm trở lại sẽ tăng từ 15% đến 30%. Ngoài ra, hoạt động giao thông công cộng sẽ được tăng cường, chủ yếu để phục vụ người đi làm.

 

Thủ tướng Netanyahu cũng cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại ở một số danh mục nhất định như điện tử, nội thất, sách báo, giặt ủi và một số mặt hàng khác. Các cửa hàng quần áo và đồ chơi vẫn bị đóng cửa trong thời gian này do nguy cơ lây nhiễm cao. Các trung tâm mua sắm và các khu chợ vẫn bị yêu cầu đóng cửa. Chỉ có các trường học phục vụ các chương trình giáo dục đặc biệt mới được phép mở lại, nhưng phải hoạt động cầm chừng trong thời gian này.

 

Bộ Y tế Israel ngày 18/4 xác nhận số ca tử vong do Covid-19 đã tăng lên 164 người sau khi có thêm 13 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất. Israel ghi nhận thêm 283 ca nhiễm, nâng tổng số ca lên 13.265 người.

 

* Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập thông báo nước này đã phát hiện thêm 188 ca nhiễm. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này giữa tháng 2 vừa qua. Hiện Ai Cập có tổng cộng 3.032 ca nhiễm và 224 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 19 ca tử vong trong ngày 18/4.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, Ai Cập đã tiến hành xét nghiệm cho khoảng 55.000 người tại 25 cơ sở xét nghiệm trên cả nước. Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết nước này hiện có 14 bệnh viện điều trị cách ly các bệnh nhân mắc Covid-19 trong tổng số 30 bệnh viện đã sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hiện nay.

 

Trong 24 giờ qua, một số nước khác ở khu vực Trung Đông và châu Phi tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm  và tử vong mới do Covid-19. Oman ghi nhận thêm 111 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 1.180 người trong khi tổng số ca tử vong là 6; Saudi Arabia xác nhận thêm 1.132 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong, nâng tổng số ca lên 8.274 ca và 92 ca tử vong; Iraq có thêm 31 ca nhiễm mới nâng tổng số lên 1.513 ca và 82 ca tử vong.

 

Thêm 596 ca nhiễm mới, Singapore đứng đầu Đông Nam Á

Tổng số ca nhiễm tại Singapore đã tăng lên 6,588 người vào ngày 19-4 sau khi có thêm 596 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua tại nước này. Phần lớn số ca nhiễm mới là các lao động nhập cư, công dân Singapore và thường trú nhân chỉ chiếm 25 trường hợp.

Như vậy Singapore đang tạm thời là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất Đông Nam Á mặc dù vậy chỉ có 11 ca tử vong được ghi nhận. Indonesia xếp thứ hai với 6,575 ca nhiễm công bố ngày 19-4 với 582 ca tử vong.

 

Số ca nhiễm mới tại Nga cao kỷ lục 

Trung tâm phản ứng khẩn cấp dịch COVID-19 của Nga ngày 19-4 thông báo trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 6,060 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 42,853 ca. Đây là mức tăng cao nhất kể từ trước đến nay kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở Nga. 

 

Số ca nhiễm tại Nga bắt đầu tăng mạnh trong hai tuần trở lại đây khiến Trung Quốc phải đề phòng, siết chặt biên giới với nước này. Theo hãng thông tấn Tass, tính tới ngày 19-4 có tới 60% ca nhiễm tại thủ đô Moscow không có biểu hiện triệu chứng gì, tăng so với tỉ lệ 40% của tuần trước.

 

Châu Âu chiếm 2/3 số ca tử vong toàn cầu

Theo thống kê của Hãng thông tấn AFP ngày 19-4, tổng số ca tử vong tại châu Âu đã lên đến 100,510 người vào ngày 18-4, chiếm tới 2/3 trong tổng số 157,539 ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới.

Nếu xét theo từng quốc gia, Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới với 734,000 người nhiễm, trong đó có 38.664 người đã tử vong tính đến hết ngày 18-4 theo số liệu của Đại học John Hopkins (Mỹ). Các vị trí tiếp theo thuộc về các nước châu Âu là Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh.

Dù số ca tử vong vượt mốc đáng buồn, một số nước châu Âu đã qua đỉnh dịch và bắt đầu bước vào giai đoạn giảm số ca nhiễm mới.