Vật dụng cá nhân của người dân Afghan bị rơi vãi trong lúc chờ đợi được di tản ra khỏi Afghanistan từ phi trường Kabul. Nguồn: Getty Images

 

 

 

 

Nhóm IS-K cho biết họ đứng sau hai vụ tấn công liều chết cùng một lúc tại phi trường Kabul. IS-K còn được biết đến dưới cái tên ISIS – K hay Nhà nước Hồi giáo Khorasan. Nhóm này là ai và hình thành như thế nào?

 

 

I-S-K, hay ISIS-K, là một nhánh của nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS, hoạt động tại Afghanistan và Pakistan.

 

 

Nhóm này đã lên tiếng nhận trách nhiệm về hai vụ tấn công tự sát vào đám đông vừa qua tại phi trường Kabul, các vụ tấn công là tiêu đề thời sự trên khắp thế giới.

 

 

 

Vậy nhóm này là gì?.

 

Vài tháng sau khi IS tuyên bố thành lập đế chế tự xưng Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria vào năm 2014, những chiến binh ly khai khỏi liên minh quân sự Taliban và Pakistan tại Afghanistan đã thành lập một chi nhánh của IS, thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

 

 

Một năm sau đó, nhóm này được những lãnh đạo đầu não của IS công nhận chính thức, khi nó bắt đầu cắm rễ tại khu vực đông bắc Afghanistan, chủ yếu ở các tỉnh Kunar, Nangarhar và Nuristan.

 

 

Các cơ quan giám sát của Liên Hiệp Quốc nói IS-K cũng đã cố gắng thành lập mạng lưới chiến binh hoạt động bí mật tại nhiều vùng thuộc Pakistan và Afghanistan, trong đó có Kabul.

 

 

Phúc trình của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng trước ước tính sức mạnh của lực lượng này có thể giao động từ 500 đến vài ngàn chiến binh đang hoạt động.

 

 

Chữ K trong tên nhóm IS K viết tắt của Khorasan, một cái tên cũ trong lịch sử của một vùng đất mà ngày nay bao gồm nhiều phần thuộc Pakistan, Iran, Afghanistan và Trung Á.

 

 

Nhánh Afghanistan-Pakistan của IS từng nhận trách nhiệm của những cuộc tấn công đẫm máu nhất trong những năm gần đây.

 

 

Ngoài các vụ đánh bom và thảm sát, IS -K chưa từng chiếm giữ được bất kỳ vùng đất nào trong khu vực, và tổ chức này chịu tổn thất lớn từ các chiến dịch của Taliban cũng như các chiến dịch sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu.

 

 

Đối với IS-K, phiên bản của Luật Sharia dưới thời Taliban được nhóm này cho là quá tự do.

 

 

Giáo sư Amin Saikal, thuộc trường Đại học Tây Úc, nói IS-K tàn bạo hơn Taliban.

 

‘Hệ tư tưởng của chúng không khác nhiều so với Taliban, nhưng trong cách thức hành động thì nhóm này tàn ác hơn và bạo lực hơn rất nhiều so với một vài phần tử Taliban’.

 

 

I-S-K từng thảm sát thường dân tại cả hai quốc gia Afghanistan và Pakistan, tại các đền thờ, thánh đường, trung tâm thương mại lớn và thậm chí tấn công vào cả nhà thương.

 

 

Nhóm này đặc biệt nhắm đến người Hồi giáo từ những giáo phái mà chúng cho là dị giáo, trong đó có người Shiite.

 

 

Năm ngoái, nhóm này bị cáo buộc đã tấn công một vụ gây kinh hoàng trên thế giới, một tay súng đã gây thảm sát đẫm máu tại một nhà hộ sinh trong vùng dân cư đông người Shiite tại Kabul, giết chết 16 người mẹ và phụ nữ đang mang thai.

 

 

I-S-K chính thức thành lập năm 2015 và nay vẫn đang tuyển mộ chiến binh từ các phần tử cực đoan người Afghanistan và Pakistan.

 

 

Mục tiêu đặt ra của nhóm này là lập nên một cái gọi là đế chế nhà nước Hồi giáo, khởi đầu từ Trung Á và Nam Á. Giáo sư Amin Saikal nói:

 

‘Mục tiêu của nhóm này là kích động những cuộc xung đột về giáo phái, nhờ đó chúng có thể tận dụng nhằm thúc đẩy tham vọng của bản thân, vì vậy chúng luôn nhắm đến những cuộc xung đột giáo phái và xem đó là phương tiện cho những gì chúng thật sự muốn đạt được’.

 

 

Mặc dù Taliban và IS-K đều là những nhóm chiến binh Hồi giáo Sunni rất cứng rắn, nhưng hai nhóm này không ưa gì nhau.

 

 

Cả hai khác biệt nhau trong một vài quan điểm thuộc tôn giáo lẫn chiến lược hành động, tuy nhiên cả hai đều tự xưng họ là lãnh tụ thật sự của những chiến binh thánh chiến.

 

 

Sự khác biệt đó đã dẫn tới nhiều vụ tấn công đẫm máu giữa hai phe này, cho tới sau năm 2019, Taliban đã nổi dậy giành được phần lớn chiến thắng còn IS-K bị thất bại không thể bảo đảm giữ được lãnh thổ như nhóm cấp trên của chúng đã làm được tại Trung Đông.

 

 

Một dấu hiệu cho thấy sự thù địch giữa hai nhóm này, là trong một tuyên bố, IS từng gọi Taliban là những người bội giáo.

 

 

Bà Rasha al Aqeedi là một nhà phân tích tại Học viện Newline.

 

 

Bà nói cuộc tấn công vừa xảy ra có thể cho thấy IS-K đã xâm nhập vào hàng ngũ Taliban.

 

‘Cách duy nhất khiến IS-K thành công trong vụ tấn công vừa rồi đó là nhóm này đã cài người vào trong tổ chức của Taliban. Có thể còn nhiều người và nhiều chiến binh làm việc cho IS-K. Vấn đề này vẫn còn rất phức tạp. Tôi không tin Taliban có quan hệ với IS-K. Mà tôi tin rằng họ là kẻ thù của nhau’.

 

 

Những người khác thì cho rằng hai nhóm này giống như cạnh tranh nhau chứ không hẳn là kẻ thù, và chỉ với 2,000 chiến binh, thì IS-K không thể đe doạ nổi nhà nước Taliban.

 

 

Giáo sư William Maley thuộc trường đại học Quốc Gia Úc giải thích.

 

‘Họ có thể là mối đe doạ cho bất kỳ hình ảnh nào mà Taliban đang muốn dựng nên, trong kế hoạch kiểm soát an ninh tại Afghanistan, bởi vì nếu người ta cứ tiếp tục nhìn thấy những kiểu tấn công mà ISIS từng chịu trách nhiệm trong quá khứ, chẳng hạn vụ tấn công tại một trường nữ trung học ở Dasht-i Barchi hồi tháng Năm năm nay, thì bất kỳ tuyên bố nào nói rằng Taliban có đủ khả năng giữ vững an ninh cho Afghanistan, đều trở nên vô hiệu.’

 

 

Giáo sư Maley lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều vụ tấn công nữa của IS tại đất nước này, ông nói chẳng bao lâu nữa Taliban sẽ không thể đạt được lợi ích từ các đầu mối thông tin của phương Tây.

 

 

Úc đã chính thức liệt IS – K là một tổ chức khủng bố kể từ năm 2017.