Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra tuyên bố sau cuộc họp nội các về chiến sự Nga - Ukraine, tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 28/02/2022. (Ảnh: Văn phòng báo chí của Tổng thống / Getty Images)

 

ÂU CHÂU - Các quốc gia phương Tây đã gia tăng sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải kết nạp Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau đề xuất của nước này vào năm 2022. Tuy nhiên, Ankara muốn đạt được nhượng bộ trước khi xem xét kết nạp quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia này.

 

Các ứng cử viên tiềm năng cho tư cách thành viên NATO phải được tất cả các thành viên hiện tại tán thành.

 

 

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ sẽ phản đối việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương cho đến khi Thụy Điển trấn áp được các thành viên của các nhóm chiến binh người Kurd cư trú tại nước này.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Thụy Điển không hoàn tất một phần của thỏa thuận năm ngoái nhằm xoa dịu những lo ngại về an ninh của Ankara.

 

Việc Thụy Điển quyết định gia nhập NATO để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một bước đi lịch sử sau hơn hai thế kỷ tuyên bố trung lập trước xung đột vũ trang.

 

 

Ankara kêu gọi Thụy Điển đàn áp những người bất đồng chính kiến người Kurd

Ông Erdogan đã chỉ trích gay gắt các vụ việc khác ở Stockholm, chẳng hạn như vụ đốt kinh Koran trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, giương cờ của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở trung tâm thành phố và trình chiếu các biểu tượng ủng hộ PKK trên các tòa nhà quan trọng.

 

Ankara đã yêu cầu hành động trong tuần này sau khi nhóm bất đồng chính kiến ủng hộ người Kurd - Ủy ban Đoàn kết Thụy Điển cho Rojava - đã đăng một bức ảnh trên Twitter về biểu ngữ PKK được chiếu trên tòa nhà Quốc hội Thụy Điển.

 

Một dòng tweet khác từ cùng một tài khoản cũng dán dòng chữ "Tự do cho ông Ocalan", lên tòa nhà Quốc hội. Ông Abdullah Ocalan là thủ lĩnh đang bị cầm tù của PKK.

 

Hôm thứ Ba (30/5), Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Thụy Điển truy tố những người chịu trách nhiệm đăng tải những hình ảnh đó, cùng ngày ông Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa.

 

Ông Fahrettin Altun, Giám đốc truyền thông của ông Erdogan, tuyên bố trên Twitter rằng "Chúng tôi mong muốn các nhà chức trách Thụy Điển điều tra vụ việc này, quy trách nhiệm cho những người đó và ngăn chặn các thành viên tự xưng là thành viên của PKK - lực lượng bị Liên minh châu Âu (EU) công nhận là tổ chức khủng bố - hoạt động trên lãnh thổ Thụy Điển".

 

Bên cạnh đó, phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng phía Thụy Điển sẽ thực thi hiệu quả luật chống khủng bố mới có hiệu lực từ ngày 1/6 để ngăn các thành viên PKK tham gia một cuộc biểu tình vào ngày 4/6 phản đối việc Stockholm gia nhập NATO.

 

Đảng Công nhân người Kurd, hay PKK, bị Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

 

Trao đổi với hãng tin Financial Times, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho rằng luật chống khủng bố mới sẽ thực thi “phần cuối cùng” của thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để giành được sự ủng hộ của nước này đối với việc gia nhập NATO.

 

Ông Kristersson nói “Đã đến lúc xem xét nghiêm túc đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Chỉ có [Tổng thống Nga] Vladimir Putin là người hưởng lợi từ việc Thụy Điển tiếp tục ở bên ngoài NATO".

 

 

Thổ Nhĩ Kỳ và NATO rơi vào bế tắc

Tổng thống Erdogan đã nhất trí để Phần Lan gia nhập NATO vào tháng Ba nhưng vẫn tiếp tục ngăn cản tư cách thành viên của Thụy Điển vì vấn đề PKK, một tổ chức được cơ sở chính trị của ông ủng hộ mạnh mẽ.

 

Sự bế tắc trên đã gây ra “xích mích” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại của liên minh NATO trong bối cảnh liên minh xuyên Đại Tây Dương đang cố gắng duy trì sự thống nhất nhưng vẫn tăng cường can dự vào cuộc chiến Nga - Ukraine.

 

Trong nhiều năm liền, mối quan hệ giữa Ankara, Washington và Brussels đã trở nên căng thẳng do Thổ Nhĩ Kỳ duy trì mối bang giao với một số nước láng giềng, trong đó nhiều nước có quan hệ thù địch với phương Tây.

 

 

Các thành viên của liên minh NATO đã thể hiện sự khoan dung đối với những nỗ lực của ông Erdogan nhằm xoa dịu cử tri trong nước trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, họ hiện đang gia tăng áp lực lên ông Erdogan khi cuộc bầu cử đã kết thúc.

 

 

Ngày 30/5, trước thềm cuộc họp kéo dài 2 ngày của các Ngoại trưởng NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, việc cho phép Thụy Điển tham gia vào liên minh trước thềm hội nghị thượng đỉnh ngày 11/7 tại Vilnius, Litva là điều "hoàn toàn có thể".

 

Stoltenberg viết trên Twitter rằng ông đã có một "cuộc điện đàm tốt đẹp" với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "việc hoàn tất tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển".

 

Ông Stoltenberg viết trên Twitter rằng “Thông điệp của tôi là việc này nằm trong tầm tay. Hiện đang có một cơ hội. Chúng tôi đang nỗ lực để [hiện thực hóa] điều này càng sớm càng tốt".

 

Thủ tướng Thụy Điển và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu ở Moldova vào ngày 1/6, một diễn đàn mới do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì.

 

Các thành viên Bắc Âu khác nói với tờ Financial Times rằng họ rất thất vọng vì Washington đã không gây áp lực đủ mạnh lên ông Erdogan trong quá khứ, nhưng họ cũng lạc quan rằng điều này sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Họ lập luận rằng việc Thụy Điển gia nhập NATO là tối quan trọng đối với an ninh của các khu vực Bắc Âu và vùng Baltic sau khi Nga xâm lược Ukraine.

 

 

Mỹ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với ông Erdogan vào ngày 29/5 để chúc mừng ông tái đắc cử.

 

Ông Biden nói: "Ông ấy vẫn quan tâm đến máy bay chiến đấu F-16. Tôi đã nói với ông ấy rằng chúng tôi muốn đạt được thỏa thuận với Thụy Điển, vì vậy hãy hoàn tất việc đó trước đã”.

 

Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một thỏa thuận mua máy bay chiến đấu F-16 trị giá hàng tỷ USD, nhưng thỏa thuận này đã bị đình trệ tại Quốc hội.

 

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho phép Phần Lan gia nhập NATO, Nhà Trắng đã phê duyệt gói nâng cấp trị giá 259 triệu USD cho những chiếc F-16 hiện có của họ vào tháng 4/2023.

 

Vào ngày 30/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Thụy Điển trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Tại đây, ông đã thúc giục ông Erdogan hành động.

 

Ông Blinken nói "Bây giờ là lúc để tiến về phía trước. Chúng tôi muốn thấy điều đó xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh Vilnius”.

 

Tuy nhiên, ông Ahmet Berat Conkar, trưởng phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Nghị viện NATO, nói với tờ Reuters rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chờ xem Thụy Điển thực thi luật chống khủng bố mới như thế nào.

Ông nói "Những yếu tố này rất quan trọng đối với quyết định của Nghị viện về tư cách thành viên của Thụy Điển. Tuy nhiên, giống như Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mở rộng NATO và chúng tôi sẽ áp dụng tiêu chuẩn tương tự đối với Thụy Điển".

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdnv.net; Lam Giang biên dịch)