Nhiều người đang đứng xếp hàng để được tiêm chủng vắc-xin đậu mùa khỉ ở bệnh viện San Francisco General Hospital. Nguồn: AAP

 

THẾ GIỚI - Các bác sĩ và nhà khoa học trên thế giới đã hoan nghênh việc WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ vào cuối tuần qua. Đây là lần thứ 3 WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp, sau lần tuyên bố đối với bệnh bại liệt và đại dịch coronavirus.

 

Vào cuối tuần qua, ngày 23 tháng 7, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, khởi động sự phối hợp quốc tế nhằm đối phó với căn bệnh này.

"Tôi đưa ra quyết định rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu là tình trạng y tế khẩn cấp và phải được quốc tế quan tâm."

 

Tuyên bố này cũng có thể dẫn đến các tài trợ và hợp tác trong việc chia sẻ vắc xin và phương pháp điều trị.

 

Tiến sĩ James Lawler, là đồng giám đốc của Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Nebraska, nói: "Tôi nghĩ tuyên bố này là sự thừa nhận về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều quốc gia và lục địa khác nhau. Tôi nghĩ việc này sẽ giúp nâng cao nhận thức và vận động sự đối phó, điều mà tôi nghĩ là thực sự cần thiết. Rõ ràng là chúng ta đang bị chậm trễ trong việc ứng phó với sự bùng phát, và chúng ta cần nỗ lực hơn để kiểm soát dịch bệnh.”

 

Tuy hoan nghênh tuyên bố của WHO, nhưng tiến sĩ Lawler vẫn mong muốn quyết định này được đưa ra sớm hơn.

"Đây sẽ là một cuộc đấu tranh để kiềm chế sự lây lan đang diễn ra nhanh chóng. Tôi nghĩ sẽ mất nhiều tháng để chúng ta có thể kiểm soát được đợt bùng phát này. Tôi thực sự mong muốn rằng WHO và các tổ chức khác trong Cộng đồng quốc tế đã sớm mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra báo động. Nhưng dù sao muộn còn hơn không, và hy vọng điều này sẽ tạo thêm động lực cho chúng tôi trong việc cố gắng tăng cường sự đối phó.”

 

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc gần với người bệnh. Bệnh này gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm và làm da bị nổi mủ.

 

Bệnh do vi rút gây ra, đợt bùng phát gần đây xảy ra ở châu Phi chủ yếu ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

 

Cho đến nay, đã có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 75 quốc gia, và 5 trường hợp tử vong ở châu Phi.

 

Một bệnh nhân tên là Harun Tulunay đã được điều trị bệnh ở Luân Đôn. Anh cho biết đó là một trải nghiệm đáng sợ, anh đã được một y tá giúp đỡ đưa anh đi nhập viện.

"Tôi nhớ tôi đã khóc trên điện thoại với một y tá, tôi đã nói rằng tôi nghĩ tôi sẽ chết vì tôi không thể ăn, không thể uống. Tôi thậm chí không thể nuốt nước bọt. Tôi rất mệt và chỉ có thể nằm mà không làm được gì. Nhờ cô y tá đã báo cho Bệnh viện ở Luân Đôn, và cô ấy đã thuyết phục họ cho tôi nhập viện.”

 

WHO và chính phủ các quốc gia đã phải đối mặt với áp lực lớn từ các nhà khoa học và các chuyên gia y tế công cộng để có nhiều hành động hơn đối với bệnh đậu mùa khỉ.

 

Tiến sĩ Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg, nói rằng, tuyên bố của WHO sẽ đẩy nhanh phản ứng đối với dịch bệnh đang bùng phát.

"Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu tuyên bố này có thể hữu ích hay không. Nhưng tôi nghĩ tại thời điểm này chúng ta nên nhìn về phía trước, tuyên bố này có thể đem lại điều gì, làm thế nào để thu hút sự ủng hộ của quốc tế và đẩy nhanh phản ứng với đại dịch đang bùng phát trên toàn thế giới.”

"Tôi nghĩ rằng các tuyên bố của WHO thực sự có ích về mặt này. Khi họ ban bố tình trạng khẩn cấp, tất cả những gì chúng ta có thể làm là cố gắng ngăn chặn bệnh dịch để nó không trở thành bệnh đặc hữu. Vì vậy, điều quan trọng là giữ vững mục tiêu đó và tranh thủ bất cứ sự giúp đỡ nào có thể từ các nhà tài trợ và từ các quốc gia đang đặt hàng vắc-xin và liệu pháp chữa bệnh, cũng như hợp tác chặt chẽ nhất với các nhà phát triển vắc xin.”

 

Tiến sĩ Inglesby thừa nhận việc kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ sẽ là một thách thức – vì dịch bệnh này xảy ra ngay sau một trận đại dịch khác đó là COVID-19.

"Người dân trên thế giới đều kiệt sức vì COVID, và bây giờ lại thêm một đợt bùng phát mới được công bố là tình trạng y tế khẩn cấp. Tôi nghĩ điều này nhắc nhở rằng chúng ta cần các hệ thống toàn cầu tốt hơn để giám sát dịch bệnh và sản xuất vắc xin nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.”

"Đó là bài học mà chúng ta đã học từ COVID mà chúng ta vẫn tiếp tục học khi có dịch bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng bên cạnh đó chúng ta có các công cụ. Chúng ta có vắc-xin hiệu quả và có liệu pháp có thể điều trị bệnh này. Ngoài ra, chúng ta có các xét nghiệm và hạ tầng cơ sở có thể sử dụng để xét nghiệm bệnh này. Vì vậy, chúng ta không phải là không có các công cụ hoặc chiến lược, nhưng cần nhiều nỗ lực hơn trên toàn thế giới để đối phó nhanh chóng khi những đợt bùng phát mới này xuất hiện.”

 

Các ca bệnh đậu mùa khỉ đã tăng cao kể từ khi ủy ban WHO họp lần đầu tiên vào cuối tháng 6, khi đó chỉ có khoảng 3.000 trường hợp.