Những người biểu tình ra sức phá vòng bảo vệ của cảnh sát dựng lên đằng trước tư gia của Thủ tướng Sri Lanka, Ranil Wickremesinghe. Nguồn: Getty

 

SRI LANKA - Sau nhiều tháng khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và điện, Thủ tướng Sri Lanka nói rằng nền kinh tế của đất nước ông đã hoàn toàn sụp đổ. Chính phủ Sri Lanka đang tìm sự giúp đỡ từ các tổ chức cho vay quốc tế, trong khi các chính trị gia ở Úc lại bất đồng về cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng.

 

Các khu chợ ở Colombo đầy người xếp hàng mua xăng dầu, thực phẩm. Mỗi bao lương thực giờ đây vô cùng quý.

 

Một người biểu tình ở địa phương lo sợ cho tương lai của gia đình cô.

"Con tôi không có sữa bột để uống. Chồng tôi không có nhiên liệu để làm việc. Chúng tôi không có gas để nấu ăn. Làm sao chúng tôi sống được đây?"

 

Người dân Sri Lanka đã khốn đốn vì thiếu những đồ dùng thiết yếu nhất trong nhiều tháng nay. Nhưng lời kêu gọi của họ không được hổi đáp.

 

Giờ đây, Thủ tướng của đất nước nói rằng nền kinh tế đang sụp đổ.

"Hiện chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng hơn cả việc thiếu hụt nhiên liệu, khí đốt, điện và thực phẩm. Nền kinh tế của chúng ta đang đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn."

 

Đã mắc nợ nước ngoài hơn 50 tỷ đô la, lựa chọn duy nhất của Sri Lanka là các biện pháp thắt lưng buộc bụng cứng rắn và gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

 

IMF đã đến Sri Lanka trong tuần này để đàm phán về một gói cứu trợ.

 

Nhưng Lakshini Fernando, chuyên gia kinh tế vĩ mô của công ty đầu tư Asia Securities, nói rằng tất cả đã quá trễ.

"Tôi nghĩ rằng các cuộc thảo luận với IMF đã diễn ra quá trễ, tôi nghĩ nếu chúng tôi tìm đến IMF vào năm ngoái, điều mà chúng tôi đã nói với các nhà hoạch định chính sách, tôi nghĩ nếu điều đó diễn ra, chúng ta sẽ không đối mặt với tình hình như bây giờ."

 

Nhưng đó là thực tế mà Sri Lanka phải đối mặt. Và Úc không mất nhiều thời gian để tham gia.

 

Tân Tổng trưởng Nội vụ đã có chuyến công du đến Colombo trong tuần này, cam kết viện trợ 50 triệu đô la.

 

Và mục tiêu là nhằm củng cố chính sách đường biên giới cứng rắn của Úc.

 

Sự việc diễn ra sau báo cáo về hàng trăm người Sri Lanka đối mặt với vực thẳm kinh tế đã bắt đầu cố gắng thực hiện hành trình nguy hiểm bằng đường biển.

 

Phe đối lập đã nhanh chóng đổ lỗi cho Lao động. Peter Dutton đang cáo buộc tân chính phủ có lập trường không rõ ràng về 'Chiến dịch Biên giới Chủ quyền' - chính sách lâu đời của Úc buộc tàu chở người tầm trú phải quay đầu.

"Lập trường của họ luôn thay đổi khi nói đến vấn đề bảo vệ biên giới và điều đó tạo ra một hoàn cảnh mà mọi người sẵn sàng trả tiền để lên tàu vượt biên."

 

Đảng Xanh cũng đang thúc đẩy chính phủ phải làm nhiều hơn nữa.

 

Lãnh đạo Adam Bandt lập luận rằng Úc nên dỡ bỏ lượng nhập cư nhân đạo và mở một cánh cửa hợp pháp cho người xin tị nạn.

"Nhiều người đang lên tàu và thực hiện những chuyến đi đầy rủi ro bởi vì Úc không cung cấp một con đường an toàn và trật tự để thay thế."

 

Sri Lanka là quốc gia đầu tiên gục ngã trước áp lực kinh tế ngày càng tăng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

 

Nhưng hàng chục quốc gia khác có thể rơi vào tình huống tương tự.

 

Các nhóm viện trợ đang cảnh báo chính phủ Úc cần chuẩn bị cho thực tế đó.

 

Natasha Chabbra từ Hội đồng Phát triển Quốc tế Úc nói rằng chính phủ sẽ cần phải hiểu các khả năng xảy ra.

"Úc cần phát triển một chiến lược quốc tế về an ninh lương thực để chúng ta có thể giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai, vì khủnghoảng sẽ tiếp tục xảy ra."

 

SBS đã nêu những lo ngại này lên văn phòng Tổng trưởng Nội vụ nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.