Ảnh minh họa: Một xưởng may gần Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Việt Nam AFP - HUU KHA

 

 

TIN QUỐC TẾ - Từ ngày 19 đến 22/05/2025, Việt Nam và Mỹ tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ hai tại Washington về thuế đối xứng 46% sau khi tổng thống Donald Trump hoãn thời hạn áp dụng và đánh mức thuế chung 10%. 

 

Ngày 20/05, bộ Công Thương Việt Nam cho biết « hai nước đã thảo luận về cách thức chung để giải quyết các vấn đề cơ bản mà cả hai bên cùng quan tâm và thúc đẩy quá trình đàm phán ». Trong ngày đàm phán đầu tiên 19/05, hai nước « cũng thảo luận về các chánh sách hiện tại làm cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo ». Bộ trưởng Công Thương Việt Nam, Nguyễn Hồng Diên, dẫn đầu đoàn đàm phán Việt Nam, gồm đại diện nhiều ngành nghề như xây dựng, nông nghiệp và công nghệ, cũng như các quan chức từ ngân hàng trung ương và bộ Tài Chính Việt Nam.

 

Để thể hiện thiện chí giảm thặng dư thương mại với Washington lên đến 123 tỷ đô la trong năm 2024, Hà Nội thông báo mua nhiều máy bay Boeing. Một biên bản ghi nhớ về năng lượng nguyên tử dân sự với công ty điện Westinghouse Electric của Mỹ cũng đã được ký trong vòng đàm phán thứ hai, theo thông báo của Hà Nội ngày 20/05 trong bối cảnh Việt Nam khởi động lại các kế hoạch phát triển các nhà máy điện nguyên tử từ năm 2024.

 

Trong một tuyên bố riêng, bộ Tài Chính Việt Nam cho biết tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Việt Nam PetroVietnam có kế hoạch mua thêm dầu thô từ tập đoàn Mỹ Exxon Mobil. Trong khi đó, các tập đoàn cao su và hàng hải Việt Nam đều tìm cách thành lập các cơ sở tại Mỹ.

 

Việt Nam đang chịu mức thuế chung 10% cho đến tháng 7/2025. Nếu bị chánh phủ Mỹ áp dụng, mức thuế đối xứng 46% có thể sẽ làm gián đoạn tăng trưởng của Việt Nam do phụ thuộc rất nhiều vào xuất cảng sang thị trường lớn nhất là Mỹ.

 

 

Hai dự án của Trump Organization tại Việt Nam

 

Trong lúc Việt Nam đang đàm phán thương mại với Mỹ, để tránh bị tăng quan thuế, Trump Organization, công ty gia đình của tổng thống Mỹ, vừa đạt được thỏa thuận với nhà chức trách Việt Nam về hai dự án lớn, theo báo chí trong nước hôm nay, 20/05. Đối tác phía Việt Nam là công ty bất động sản KinhBac City (KBC).

 

Dự án thứ nhất là khu nhà chọc trời – Trump Tower tại khu đô thị Thủ Thiêm, Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), và dự án thứ hai là tổ hợp sân golf, khách sạn, biệt thự tại tỉnh Hưng Yên, đông nam thủ đô Hà Nội.

 

AFP dẫn lại thông tin của nhà cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, con trai của tổng thống Mỹ, Eric Trump, dẫn đầu đoàn Mỹ, đến thị sát hai địa điểm có thể xây dựng tháp Trump Tower trong tương lai ngày hôm qua, 19/05, cùng với các quan chức địa phương.

 

Ngày mai, 21/05, dự kiến, ông Eric Trump, đại diện của Trump Organization, tham dự lễ động thổ xây dựng tổ hợp khách sạn hạng sang tại Hưng Yên, tổng trị giá 1,5 tỉ đô la, trải rộng trên diện tích 900 hecta. Theo một phát ngôn viên của Trump Organization, được Reuters dẫn lại, đây là dự án lớn nhất ở Đông Á của công ty gia đình tổng thống Trump.

 

 

 

Tổng thống Pháp công du Việt Nam, đàm phán về vệ tinh, năng lượng nguyên tử

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến công du Việt Nam từ ngày 25-26/05/2025. Cơ sở hạ tầng và năng lượng nằm trong số những chủ đề được nguyên thủ Pháp dự kiến ​​thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Theo điện Elysée, hàng chục thỏa thuận có thể được hai nước ký nhân dịp này.

 

Một viên chức Pháp nắm rõ hồ sơ cho Reuters biết khoảng 30 thỏa thuận được dự kiến ký tại Hà Nội vào thứ Hai 26/05. Bộ Ngoại Giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của hãng tin Anh. Một trong số các thỏa thuận đang được đàm phán là thay thế một vệ tinh quan sát Trái Đất VNREDSat-1, do tập đoàn Airbus Defense chế tạo và phóng vào năm 2013. Ngoài ra, hợp đồng cung cấp vệ tinh viễn thông của tập đoàn Thales Alenia Space cũng có thể được ký nhân dịp này.

 

Paris cũng muốn thảo luận về hợp tác năng lượng tái tạo trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng - JETP - do Liên Hiệp Châu Âu hậu thuẫn. Năng lượng nguyên tử cũng sẽ được dự kiến thảo luận dù không có thỏa thuận nào được trông đợi, theo một nguồn tin khác của Reuters. Từ năm 2024, Việt Nam đã khởi động lại các dự án điện nguyên tử do nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại, Nga và Nhật Bản dường như đang dẫn đầu trong các cuộc đám phán nguyên tử. Pháp, Nam Hàn (Đại Hàn), Mỹ cũng đã thảo luận cơ hội hợp tác với Việt Nam

 

Một chủ đề khác được Pháp quan tâm là kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Hà Nội với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) với kinh phí ước tính lên tới 67 tỷ đô-la và được coi là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Việt Nam.

 

 

(Theo RFI)