Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) phát biểu tại Heritage Foundation ở Hoa Kỳ, hôm 29/03/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

 

 

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đã kêu gọi Bộ Thương mại (DOC) đưa một công ty thiết kế chip Trung Quốc vào danh sách đen, đồng thời áp đặt các hạn chế bổ sung đối với những công ty công nghệ Trung Quốc cố tình lách các biện pháp kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ để hỗ trợ những thực thể Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt.

 

Trong một bức thư đề ngày 20/12 gửi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, ông Rubio đã bày tỏ mối lo ngại rằng công ty Brite (Brite Semiconductor) của Trung Quốc đã sử dụng công nghệ và kinh phí của Mỹ để cung cấp dịch vụ thiết kế chip cho các công ty quân sự Trung Quốc.

 

Ông Rubio nhấn mạnh: “Việc Brite và các công ty công nghệ Trung Quốc khác có quyền truy cập tương đối tự do vào công nghệ Mỹ một lần nữa cho thấy rằng kế hoạch kiểm soát xuất cảng của quý vị đang cho phép Trung Quốc trỗi dậy như một cường quốc công nghệ”.

“Việc ngăn cản Trung Quốc đạt được năng lực lý thuyết trong tương lai là chưa đủ nếu điều đó có nghĩa là bỏ qua việc chuyển giao công nghệ sinh lợi và có ý nghĩa quân sự đang diễn ra giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc ngày nay”.

 

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đưa ra yêu cầu trên sau một báo cáo điều tra của Reuters. Tài liệu cho thấy, bất chấp những mối liên hệ với các công ty quân sự Trung Quốc, Brite vẫn nhận được tài trợ từ Wells Fargo và công ty đầu tư mạo hiểm Norwest Venture Partners của Mỹ, đồng thời nhận tài trợ từ hai công ty phần mềm có trụ sở tại California là Synopsys và Cadence và thu được công nghệ cao cấp của Mỹ.

 

Tài liệu cho thấy Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC) nắm giữ 19% cổ phần của Brite. SMIC đã bị Washington theo dõi chặt chẽ và nằm trong “Danh sách Thực thể” của Mỹ. Danh sách này nhắm vào các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

 

Công ty Brite cung cấp ít nhất 6 dịch vụ thiết kế chip cho quân đội Trung Quốc, trong đó có ComNav Technology, công ty sản xuất hệ thống định vị vệ tinh cho Hải quân PLA và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA.

 

Ông Rubio nói: “Ví dụ của Brite cho thấy cần phải hành động nhanh chóng ngay từ bây giờ để ngăn chặn cơ sở công nghiệp chip của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn”.

 

Thượng nghị sĩ tiểu bang Florida đã kêu gọi Bộ Thương mại áp đặt các yêu cầu cấp phép đối với Brite tương tự như những yêu cầu áp đặt đối với SMIC. Ông cũng kêu gọi bà Raimondo áp đặt nhiều hạn chế hơn, như từ chối hoặc thu hồi giấy phép xuất cảng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách đen để ngăn các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp cận với những công cụ quan trọng này.

 

Các chuyên gia nói với Reuters rằng Brite minh họa năng lực của Bắc Kinh trong việc sử dụng các công ty cấp thấp để lách lệnh cấm xuất cảng của Mỹ đối với các công ty tên tuổi lớn của Trung Quốc.

 

Tổng giám đốc Martijn Rasser của công ty Datena (Hà Lan) nhận định: “Brite là một ví dụ điển hình về cách các liên doanh Trung - Mỹ cung cấp công nghệ bán dẫn có giá trị cho SMIC và quân đội của ĐCSTQ”.

 

The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Thương mại để yêu cầu bình luận.

 

 

Thượng nghị sĩ Rubio: Kết quả điều tra gây lo ngại

Theo The Epoch Times ấn bản tiếng Trung, dưới sự hỗ trợ của lưỡng đảng, chính quyền ông Biden đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn dòng công nghệ và đầu tư vào ngành công nghiệp chip Trung Quốc. Nỗ lực này nhằm làm suy yếu tham vọng sản xuất chip của Bắc Kinh, bởi tham vọng đó có thể đe dọa sự thống trị công nghệ của Mỹ.

 

Kể từ khi những hạn chế xuất cảng đầu tiên được ban hành vào tháng 10/2022, chính phủ Mỹ đã liên tục điều chỉnh và thắt chặt lệnh cấm xuất cảng chip và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.

 

Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington không bình luận về trường hợp công ty Brite, tuy nhiên họ cáo buộc Mỹ “cưỡng ép và bắt nạt kinh tế trắng trợn trong lĩnh vực công nghệ”.

 

Mặc dù Brite rõ ràng không vi phạm bất kỳ quy định nào của Mỹ, nhưng hoạt động của công ty này đã nêu bật những thách thức mà Washington phải đối mặt trong việc ngăn chặn công nghệ và nguồn vốn của Mỹ bị ĐCSTQ đánh cắp, cũng cho thấy Mỹ cần xử lý tình hình chặt chẽ hơn để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia.

 

Thượng nghị sĩ Rubio, một thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã gọi những phát hiện của Reuters về Brite là “đáng lo ngại”.

 

Ông Rubio cho biết: “Các công ty liên quan đến chuỗi cung ứng quân sự của ĐCSTQ không nên có được khả năng tiếp cận với công nghệ và đầu tư của Mỹ. Các lệnh kiểm soát xuất cảng và hạn chế đầu tư của chính quyền Tổng thống Biden rõ ràng là chưa hiệu quả”.

 

Vấn đề từ Brite cho thấy nhà cầm quyền ĐCSTQ đang sử dụng các công ty không mấy nổi bật để lách lệnh cấm xuất cảng của Mỹ đối với các công ty tên tuổi lớn của Trung Quốc.

 

 

Mỹ ngăn ngành bán dẫn Trung Quốc hưởng lợi từ trợ cấp

Vào tháng Bảy, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu các công ty Mỹ phải báo cáo cho Bộ Tài chính nếu họ đầu tư vào các công ty Trung Quốc có công nghệ nhạy cảm, như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và siêu âm, do lo ngại về an ninh quốc gia.

 

Tháng Tám năm nay, Washington đã ban bố lệnh cấm đầu tư vào Trung Quốc đối với một số công nghệ nhạy cảm. Hoa Kỳ cũng đã bổ sung hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể, nhiều công ty trong số đó có quan hệ với quân đội ĐCSTQ.

 

Vào tháng Mười, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt mới về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Dân biểu Mike Gallagher và Chủ tịch Michael McCaul của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã kêu gọi chính quyền ông Biden tăng cường thực thi các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với việc gửi chip điện toán tiên tiến và máy móc cần thiết cho quá trình sản xuất của chúng sang Trung Quốc.

 

Hai đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất cảng hiện tại của Mỹ và các chính sách liên quan đối với các công ty công nghệ Trung Quốc là không hiệu quả. Họ chỉ ra rằng các công ty này có thể khai thác lỗ hổng, dẫn đến những tiến bộ đáng kể trong công nghệ chip gây rủi ro cho an ninh quốc gia.

 

Vào tháng Mười, DOC thông báo rằng họ đã hoàn tất các quy định theo Đạo luật Khoa học và CHIPS để ngăn chặn Trung Quốc được hưởng lợi từ khoản quỹ 52 tỷ USD.

 

Đạo luật CHIPS do Tổng thống Biden ký một năm trước đưa ra mức hỗ trợ 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ. Đạo luật này nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và các công ty nước ngoài về chip bán dẫn tiên tiến.

 

(Theo ntdnv.net, Lam Giang tổng hợp)