Suranjana Tewari

Vai trò,Phóng viên Kinh doanh – BBC

 

 

 

Ông Trump cho hay ông đã nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình thông qua các trợ lý kể từ khi đắc cử. Ảnh: GETTY IMAGES

 

 

 

Kinh tế Trung Quốc đã phục hồi trong ba tháng cuối năm ngoái, giúp chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng 5 phần trăm vào năm 2024, theo tuyên bố của Bắc Kinh vào hôm nay 17/1.

 

Nhưng tốc độ tăng trưởng đó là một trong những mức chậm nhất trong nhiều thập kỷ qua khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chật vật thoát khỏi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, nợ chính quyền địa phương nhiều và tỉ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ.

 

Người đứng đầu Cục Thống kê Trung Quốc cho biết thành tích kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 là "vất vả mới đạt được" sau khi chính phủ khai triển một loạt biện pháp kích thích vào cuối năm ngoái.

 

Trong quá khứ, Bắc Kinh hiếm khi không đạt được mục tiêu tăng trưởng.

 

Các chuyên gia nhìn chung đã dự báo được mức tăng trưởng này. Ngân hàng Thế giới nhận định chi phí đi vay thấp hơn và xuất cảng tăng đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể đạt được mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4,9 phần trăm.

 

Tuy nhiên, nỗi lo của các nhà đầu tư về đe dọa tăng thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump áp lên hàng hóa trị giá 500 tỷ đô-la của Trung Quốc đang dần hiện hữu.

 

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những gì có thể gây trở ngại cho Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng vào năm tới.

 

Niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đang ở mức thấp và đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu khi Bắc Kinh cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

 

Dưới đây là ba lý do tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với những thách thức lớn hơn cả thuế quan của ông Trump.

 

Thuế quan vốn đang gây hại cho xuất cảng của Trung Quốc rồi

Ngày càng có nhiều cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2025. Một động lực chính của tăng trưởng năm ngoái hiện gặp rủi ro: xuất cảng.

 

Trung Quốc đã dựa vào sản xuất để giúp thoát khỏi tình trạng bị suy giảm - do đó, họ đã xuất cảng một lượng kỷ lục về xe điện, máy in 3D và robot công nghiệp.

 

Mỹ, Canada và Liên minh Âu châu đã cáo buộc Trung Quốc sản xuất quá nhiều hàng hóa và đã tăng thuế đối hàng nhập cảng từ Trung Quốc để bảo vệ việc làm và doanh nghiệp trong nước.

 

Các chuyên gia cho rằng các công ty xuất cảng Trung Quốc hiện có thể tập trung vào các khu vực khác trên thế giới. Nhưng những quốc gia đó chắc hẵn là các thị trường mới nổi, không có cùng mức độ nhu cầu như Bắc Mỹ và Âu Châu.

 

Điều đó có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Trung Quốc đang hy vọng mở rộng, từ đó tác động đến các công ty cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô.

 

Chủ tịch Tập Cận Bình muốn biến, Trung Quốc từ là công xưởng hàng giá rẻ của thế giới, đến trở thành một cường quốc công nghệ cao vào năm 2035. Nhưng làm thế nào để ngành sản xuất vẫn tiếp tục là một động lực tăng trưởng lớn như vậy trong bối cảnh mức thuế ngày càng tăng thì vẫn chưa rõ.

 

 

 

Người dân không chi tiêu đủ

 

Các chuyên gia đánh giá cần giải quyết các vấn đề sâu sắc trong nền kinh tế Trung Quốc để thúc đẩy chi tiêu. Ảnh: GETTY IMAGES

 

 

Ở Trung Quốc, tài sản của hộ gia đình chủ yếu được đầu tư vào thị trường bất động sản. Trước khi lâm vào khủng hoảng, ngành địa ốc chiếm gần một phần ba nền kinh tế Trung Quốc khi liên đới tới hàng triệu người lao động, từ công nhân xây dựng, công ty phát triển bất động sản cho đến công ty sản xuất xi măng và thiết kế nội thất.

 

Bắc Kinh đã thực hiện một loạt chính sách để ổn định thị trường bất động sản. Cơ quan giám sát thị trường tài chính - Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) - cho biết họ sẽ tích cực hỗ trợ cải cách.

 

Nhưng vẫn còn quá nhiều nhà ở và bất động sản thương mại không có người ở, và nguồn cung dư thừa đó tiếp tục khiến giá giảm.

 

Thị trường bất động sản dự kiến ​​​​sẽ chạm đáy trong năm nay, nhưng ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định suy trầm sẽ là "gánh nặng kéo dài nhiều năm" đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

 

Tình trạng suy trầm đã ảnh hưởng mạnh đến chi tiêu - trong ba tháng cuối năm 2024, tiêu dùng của hộ gia đình chỉ đóng góp 29 phần trăm vào hoạt động kinh tế của Trung Quốc, giảm từ 59 phần trăm thời điểm trước đại dịch.

 

Đó là một trong những lý do khiến Bắc Kinh tăng cường xuất cảng. Họ muốn giúp bù đắp cho tiêu dùng nội địa trì trệ đối với xe hơi mới, hàng xa xỉ và hầu hết mặt hàng khác.

 

Chính phủ thậm chí đã tung ra các chương trình như trao đổi hàng tiêu dùng, nơi người dân có thể trao đổi máy giặt, lò vi sóng và nồi cơm điện.

 

Nhưng các chuyên gia thắc mắc các biện pháp này liệu đã đủ hay chưa nếu không giải quyết được những vấn đề sâu xa hơn trong nền kinh tế.

 

Họ nói rằng người dân sẽ cần kiếm được nhiều tiền hơn để mức chi tiêu trước Covid trở lại.

 

"Trung Quốc cần khôi phục lại tinh thần lạc quan của người dân và chúng ta vẫn đang ở rất xa điều đó," ông Đinh Sảng, Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc Đại lục và Bắc Á tại Ngân hành Standard Chartered, bình luận.

 

"Nếu khu vực tư nhân đầu tư và đổi mới thì có thể làm tăng thu nhập và triển vọng việc làm, giúp người dân sẽ tự tin tiêu dùng hơn."

 

Nợ công và thất nghiệp cao cũng ảnh hưởng đến tiết kiệm và chi tiêu.

 

Các số liệu chính thức cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao so với trước đại dịch và tốc độ tăng lương đã chững lại.

 

 

 

Doanh nghiệp không còn đổ xô đến Trung Quốc như trước

 

Xuất cảng xe điện là động lực tăng trưởng lớn cho Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES

 

 

 

Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến mà chính phủ gọi là "lực lượng sản xuất mới".

 

Cho đến nay, điều đó đã giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc về các sản phẩm năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời và pin lithium-ion cho xe điện.

 

Năm ngoái, Trung Quốc cũng vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất cảng xe hơi lớn nhất thế giới.

 

Nhưng bức tranh kinh tế ảm đạm, sự không chắc chắn về thuế quan và các bất ổn địa chính trị khác khiến sự thèm muốn của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đầu tư vào Trung Quốc giảm sút.

 

Không phải về đầu tư nước ngoài hay nội địa - mà là các doanh nghiệp không nhìn thấy một tương lai tươi sáng, bà Stephanie Leung từ công ty quản lý tài sản StashAway nhận xét.

 

"Họ muốn thấy một nhóm nhà đầu tư đa dạng hơn tham gia."

 

Với tất cả những lý do này, các chuyên gia tin rằng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế chỉ sẽ phần nào giảm bớt tác động từ các mức thuế mới tiềm tàng từ phía Mỹ.

 

Bắc Kinh phải thực hiện các biện pháp lớn, táo bạo hoặc chấp nhận rằng nền kinh tế sẽ không tăng trưởng nhanh như vậy, Hui Shan, Kinh tế trưởng về Trung Quốc của Goldman Sachs, đã viết trong một báo cáo gần đây, đồng thời nói thêm:

 

"Chúng tôi dự báo họ sẽ chọn phương cách đầu tiên."

 

"Trung Quốc cần ổn định thị trường bất động sản và tạo ra đủ việc làm để bảo đảm ổn định xã hội," ông Đinh Sảng từ Ngân hàng Standard Chartered bình luận.

 

Theo công ty nghiên cứu China Dissent Monitor, đã xảy ra hơn 900 cuộc biểu tình ở Trung Quốc từ tháng 6 đến tháng 9/2024 do công nhân và chủ sở hữu bất động dẫn đầu - tăng 27 phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

 

Những căng thẳng xã hội như vậy do bất bình kinh tế và sự suy giảm của cải sẽ là mối bận tâm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Rốt cuộc thì chính sự phát triển kinh tế bùng nổ đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc. Lời hứa về cuộc sống sung túc hơn đã giúp chính phủ nước này kiềm chế chặt chẽ sự bất đồng chính kiến.

 

 

(Nguồn BBC)