Kể từ tháng 11/2024, hãng hàng không Việt Nam Vietjet đã quảng bá chương trình "Green Friday" khuyến khích hành khách Singapore bay sang Việt Nam
Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air của Việt Nam đã bị cơ quan giám sát của Singapore gỡ các quảng cáo tuyên bố bảo vệ môi trường vào đầu tháng 1/2024.
Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Singapore (ASAS) kết luận chiến dịch quảng cáo của Vietjet đã vi phạm bộ quy tắc thực hành quảng cáo của Singapore khi gây hiểu lầm cho khách hàng và là một ví dụ của "greenwashing" (lợi dụng bảo vệ môi trường để quảng bá sản phẩm).
Kể từ tháng 11/2024, hãng hàng không Việt Nam Vietjet đã quảng bá chương trình "Green Friday", tung ra một triệu vé máy bay "xanh" có giá chỉ từ 86 SGD (gần 1,6 triệu đồng) nhằm khuyến khích hành khách từ Singapore bay đến Việt Nam trong năm 2025.
Trong thông cáo báo chí, Vietjet Air cho hay chương trình khuyến mãi là cơ hội để hành khách Singapore "đóng góp vào một tương lai xanh hơn" bằng cách lựa chọn hãng, nhấn mạnh Vietjet sử dụng các dịch vụ kĩ thuật số khi làm thủ tục trực tuyến và xuất vé điện tử, giúp giảm sử dụng giấy và mực in.
Hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng cho biết họ chủ yếu sử dụng dòng máy bay Airbus A320, được quảng cáo là "hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường".
Những chiếc máy bay thân hẹp này có cánh cong lên ở phía hai đầu, hay còn gọi là "sharklets" (cánh đuôi cá mập), mà hãng hàng không cho biết có thể giảm lực cản và tiết kiệm nhiên liệu.
Khiếu nại từ người dân Singapore
ASAS đã nhận được khiếu nại từ công chúng liên quan đến chiến dịch Green Friday của Vietjet, theo tờ báo Singapore như Eco-Business và tạp chí Sustainability.
Trong khiếu nại, cư dân Singapore Tan Hang Chong bày tỏ về tuyên bố của Vietjet có "đội bay hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu' so với các hãng hàng không khác là đáng ngờ và che giấu tác động đối với khí hậu của du lịch hàng không giá rẻ ở Đông Nam Á.
"Việc áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số như xuất vé điện tử và làm thủ tục trực tuyến hiện đang trở nên phổ biến hơn. Do đó, tuyên bố các dịch vụ của Vietjet thân thiện với môi trường hơn các hãng hàng không khác cũng cần được xem xét kỹ lưỡng hơn", ông Tan viết.
ASAS cho biết họ đã điều tra và nhận thấy những lợi ích về môi trường mà hãng Vietjet tuyên bố chỉ áp dụng cho một số máy bay và loại động cơ cụ thể, vốn chỉ là một phần của hãng và không thể bảo đảm mọi chuyến bay đều đạt mức giảm khí thải như tuyên bố.
Theo cơ quan này, các tuyên bố của Vietjet cho rằng hãng đã cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải lần lượt lên tới 20% và 50% đã vi phạm nguyên tắc đầu tiên của Bộ luật Thực hành Quảng cáo của Singapore - tính thực tế.
Chủ tịch ASAS Bryan Tan cho biết, "Người tiêu dùng không thể chắc chắn về mức giảm tiêu thụ nhiên liệu và khí thải được tuyên bố".
Cơ quan giám sát cũng chỉ trích việc Vietjet sử dụng các thuật ngữ mơ hồ như "thân thiện với môi trường" mà không có đủ căn cứ.
Một chiếc máy bay có đầu cánh cong của Vietjet. Ảnh: GETTY IMAGES/BBC
Phản hồi của Vietjet
Trả lời báo Eco-Business có trụ sở ở Singapore, Vietjet cho biết họ bảo vệ chiến dịch của mình, lập luận rằng chương trình khuyến mãi phản ánh việc hãng sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), loại nhiên liệu theo hãng, có thể giảm tới 80% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu máy bay truyền thống.
SAF là loại nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo và có nguồn gốc bền vững, chẳng hạn như dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật thải, đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế nghiêm ngặt và có thể sử dụng an toàn trên các chuyến bay thương mại.
Theo đó, SAF có thể giúp giảm tới 80% lượng khí thải nhà kính trong suốt vòng đời của nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu các khí thải độc hại khác như NOx, SO2 và bụi mịn, từ đó góp phần giảm hiệu ứng nhà kính.
Vietjet tuyên bố đã hãng đã thực hiện hai chuyến bay sử dụng nhiên liệu SAF hồi tháng 10/2024, một chuyến đến Melbourne, Úc và một chuyến đến Seoul, Hàn Quốc.
Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam cũng cho biết họ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 (net zero), trong đó có cả việc sử dụng SAF.
Ngoài ra, Vietjet lập luận thêm rằng họ đề xuất việc sử dụng "vật liệu thân thiện với môi trường", chẳng hạn như đồ dùng bằng tre trên các chuyến bay hạng thương gia của mình.
Tuy vậy, công ty của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo không tiết lộ bao nhiêu 'vé xanh' đã được bán trong chiến dịch quảng cáo.
Hãng cũng không phản hồi câu hỏi của Eco-Business về các hành động tiếp theo để giải quyết các mối quan tâm của công chúng sau phán quyết của ASAS.
Năm 2020, Vietjet từng bị chỉ trích ở Singapore vì quảng cáo các chuyến bay giảm giá một nửa với khẩu hiệu "tận hưởng chuyến bay xanh cùng Vietjet".
Tháng 10/2024, Vietjet nhận thêm tàu bay mới từ Airbus trước sự chứng kiến của các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Pháp trong chuyến thăm Paris của ông Tô Lâm. Ảnh: VIETJET.
Hàng không và nỗ lực 'làm sạch bầu trời'
Ngành hàng không được coi là một trong những ngành khó giảm phát thải carbon nhất và các cáo buộc lợi dụng bảo vệ môi trường để quảng bá rất phổ biến.
Các hãng hàng không lớn, bao gồm Delta Air Lines, KLM, Air France, Etihad Airways, Lufthansa và Qantas, đều phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ vì những tuyên bố gây hiểu lầm về môi trường.
Vào tháng 12/2024, Ủy ban Âu châu đã công bố quy định về "Nhãn hiệu Phát thải chuyến bay".
Theo đó, kể từ năm 2025, tất cả các chuyến bay trong nội địa Âu châu hoặc khởi hành từ EU bắt buộc phải thông báo cho hành khách lượng phát thải của chuyến bay mà họ sắp mua vé, theo một tiêu chuẩn chung nhất quán.
Uỷ ban Âu châu muốn dùng quy định này để hỗ trợ ngành hàng không tạo cạnh tranh công bằng giữa các hãng bay, thúc đẩy sử dụng nhiên liệu bền vững và mua máy bay mới có mức phát thải thấp hơn.
Tại Singapore và nhiều nơi trên thế giới, nhóm môi trường và cơ quan quản lý ngày càng kêu gọi trách nhiệm giải trình trong ngành hàng không, lĩnh vực chịu trách nhiệm cho 2,5% lượng khí thải carbon hàng năm trên toàn cầu.
Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng lên, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo thị trường vận tải hàng không Việt Nam sẽ đạt 150 triệu lượt hành khách mỗi năm vào năm 2035, trở thành thị trường hàng không tăng trưởng nhanh thứ năm trên toàn cầu.
(Nguồn BBC)