Một trong những con đường cổ xưa nhất thế giới đang được xem xét đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Nguồn: AFP / Getty Images
Con đường Appian huyền thoại của Rome, được xây dựng vào năm 312 trước Tây Lịch, hiện là một công viên khảo cổ được bảo vệ. Với chiều dài 500 cây số, đây là một trong những con đường cổ xưa nhất thế giới và hiện UNESCO đang xem xét đưa vào Danh sách Di sản Thế giới. Appian Way cung cấp thêm một minh chứng sống nữa cho sức mạnh của Đế chế La Mã.
Đây là đường cao tốc đầu tiên của La Mã cổ đại, và các phần của nó vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay và nó được khách du lịch thăm viếng bằng cách đi bộ và đạp xe trên con đường cổ xưa nay.
Được xây dựng cách đây 2.300 năm, Đường Appian kết nối Rome với Brindisi ở phía đông nam nước Ý.
Với chiều dài hơn 500 km, nó được sử dụng để vận chuyển vật tư quân sự cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương với Hy Lạp, Ai Cập và Bắc Phi.
Người La Mã gọi con đường là Regina Viarum hay Nữ Hoàng của Những Con Đường.
Nó là một phần của mạng lưới đường nối Rome với một số khu định cư xa nhất. Có hơn 113 tỉnh được kết nối với nhau với 372 đường rẽ.]]
Vào thời điểm được xây dựng, năm 312 trước Tây Lịch, đây là con đường rộng nhất và dài nhất vào thời đó. Nó được làm bằng những tảng đá lớn, phẳng đã đứng vững trước thử thách của thời gian.
Sau đó thì nó không còn được sử dụng nữa, nhiều phần của tuyến đường bị chôn vùi dưới các trang trại, đường cao tốc và các công trình xây dựng hiện đại.
Cho mãi đến năm 2015, khi một nhà báo của tờ báo La Repubblica, Paolo Rumiz, quyết định đi bộ trên con đường này - cùng với phượt thủ đi bộ đường dài là Riccardo Carnovalini để lập bản đồ đường đi của con đường Appian cổ đại.
Cùng năm đó, chính phủ Ý công bố kế hoạch khôi phục tuyến đường và khuyến khích du lịch.
Simone Quilici là giám đốc của Công viên khảo cổ Appia cổ đại cho biết.
"Ngày nay, Appian Way cổ đại không chỉ là một bảo tàng lớn ngoài trời được thành lập vào những năm 1800, mà còn là một khu vực xanh rộng lớn, nơi mà người La Mã đến để giải trí: tất nhiên là đi xe đạp, đi bộ đường dài và tham quan các di tích. Và vì vậy, nó là một trong những công viên nội ô lớn nhất ở Âu Châu, nó vừa là một tượng đài vừa là một công viên công cộng rộng lớn."
Giờ đây, cơ quan văn hóa Liên Hợp Quốc, UNESCO đã tiếp nhận một đề xuất từ nhóm cố vấn của họ để xem xét đưa Appian Way vào Danh sách Di sản Thế giới.
Ông Quilici cho rằng đây là một ứng cử viên xứng đáng.
"Con đường Appian cổ đại là 'nữ hoàng của những con đường'. Đó là một công trình kỹ thuật lớn, vì vậy, tôi có thể nói, nó xứng đáng được đưa vào danh sách Di sản Thế giới. Đây sẽ là con đường La Mã cổ đại đầu tiên có tên trong danh sách. Tôi có thể nói rằng mọi thứ đều ổn đối với đề cử này. Tất nhiên, đó là một thách thức lớn, vì chúng tôi cần phải chứng minh rằng chúng tôi có thể bảo vệ và củng cố di sản to lớn này. Với chiều dài hơn 500km từ Rome đến Brindisi, nó chắc chắn sẽ là một trong những địa điểm được UNESCO công nhận lớn nhất ở Ý."
Giáo sư Giorgio Piras tại Đại học Rome La Sapienza nghiên cứu về La Mã cổ đại nói rằng Appian Way là một kỳ quan của kỹ thuật xây dựng - và cũng là một ví dụ về sự khéo léo của người La Mã.
["Nó đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Rome, ở bán đảo Ý và việc chinh phục bán đảo Ý. Vì vậy, chắc chắn đây là con phố cổ quan trọng nhất được người La Mã xây dựng."
Ông nói rằng việc đưa địa điểm này vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO có một ý nghĩa đặc biệt.
"Bạn biết rằng Ý rõ ràng đã có một số lượng rất lớn các địa điểm được UNESCO công nhận, nhưng đây là trường hợp đầu tiên một con đường thuộc khu phố cổ được công nhận là di sản của toàn thế giới. Và điều đó có nghĩa là, trong theo một cách nào đó, để công nhận phong cảnh nước Ý là di sản của toàn thế giới."
Ông Quilici cho biết việc đi bộ trên tuyến đường này mang lại cảm giác vô cùng thỏa mãn - và cũng mang tính giáo dục.
"Dọc theo đường Appian Way có nhiều các lăng mộ của các gia đình quan trọng. Một trong những lăng mộ quan trọng nhất có thể là lăng mộ của Cecilia Metella. Nhưng chúng tôi cũng có các địa điểm khảo cổ lớn, chẳng hạn như Villa dei Quintili - là một cảnh quan có diện tích hơn 30 ha, được bảo vệ tốt, nơi bạn có thể thăm viếng tàn tích của một biệt thự hoàng gia khổng lồ thuộc sở hữu đầu tiên của anh em nhà Quintili người sau đó trở thành Hoàng đế Commodus."
Một du khách Úc, Caroline chia sẻ cảm nghĩ về Appian Way
"Theo tôi, mọi phần của nó đều thú vị. Bạn có thể nhìn thấy những tảng đá cổ hoặc nhìn thấy những tòa nhà cổ xưa hiện diện ở đây, hoặc những công trình kiến trúc điêu tàn và tự hỏi trong quá khứ chúng ra sao, và hình dung người xưa đã sử dụng con đường này như thế nào. Tất cả những điều đó đều rất hấp dẫn. Tôi thích những con dê trên dường. Và tôi nghĩ là nó cho bạn cảm giác như là đang tham gia bộ phim The Dolce Vita với những chú dê. Do đó mà theo tôi không hẳn là một điểm yêu thích gói gọn mà chính là trải nghiệm đi dọc con đường và tận hưởng nó, hình dung về những gì đã diễn ra trên con đường trong quá khứ, theo thời gian với những thứ dọc theo con đường tất cả điều đó đều thú vị."
Cô ấy nói rằng đi bộ trên Appian Way là một trong những điều nằm trong danh sách kế hoạch thực hiện trong đời của cô.
"Đúng ra, Ba mẹ tôi từ Úc đến Rome lần đầu tiên vào cuối những năm 1960 và nằm trong số ít người Úc mà họ biết đã du lịch đến Châu Âu. Và họ nói về con đường này. Ba tôi có những bức ảnh về nó từ những năm 1960. Thật thú vị khi đến lượt mình, tôi lại có dịp đến đây và nhìn ngắm nó, cùng một góc nhìn mà ba mẹ tôi đã thấy, nhưng tôi khung cảnh có khác một chút bởi vì, thời gian cách nhau cũng đã 50 năm. Tôi nhận thấy một điều rất quan trọng là những thứ này cần được bảo tồn. Và đối với tôi, thật thú vị khi biết rằng con đường mà chúng ta đang đi xe đạp đã được xây dựng cách đây hơn 2000 năm và nó vẫn còn hiện diện ở đây. Nếu nói rằng là ngồi trên một cỗ xe ngựa để đi đến Brindisi thì chắc có lẽ là tôi sẽ không thích lắm đâu vì nó khá gập ghềnh, nhưng tôi nghĩ nếu bạn không bảo tồn những thứ này thì mọi người sẽ quên sự hiện diện của chúng và những thứ khác sẽ lấn áp và chiếm lấy chúng. Thật đáng kinh ngạc khi có rất nhiều phần của tòa nhà cũ vẫn còn đứng vững và được bảo tồn."
Nếu được UNESCO phê duyệt, Appian Way sẽ trở thành địa điểm dài thứ hai lọt vào danh sách Di sản Thế giới sau Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.