Một nhà nghiên cứu nói, tình hình là bản đồ thời đó rõ ràng Trung Quốc không có Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Vấn đề là, cũng bản đồ đó, lãnh thổ Việt Nam… thuộc về Trung Quốc. Cái tên “Việt Nam” hay “An Nam” thậm chí cũng không thấy ghi trên bản đồ.
Thiệt tình, đọc trên BBC thấy có bài tuyên dương “Người sưu tập bản đồ cổ Trung Quốc để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đọc rồi “té ghế” mà không biết phải nói gì. Nói sự thật e rằng người ta nói “thằng này là Tàu”. Không nói lại e rằng Việt Nam lên võ đài đấu dao găm với Trung Quốc mà Việt Nam “tay cầm đàng lưỡi”.
Rốt cục cũng phải nói, vì thấy vụ “bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa” loan truyền trên Facebook nhiều quá.
Không biết “nhà sưu tập bản đồ Trung Quốc cổ” có sưu tập được bản đồ Trung Quốc đời Hán hay chưa? Tôi coi rồi, coi mấy cái luôn.
Tình hình là bản đồ thời đó rõ ràng Trung Quốc không có Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Vấn đề là, cũng bản đồ đó, lãnh thổ Việt Nam… thuộc về Trung Quốc. Cái tên “Việt Nam” hay “An Nam” thậm chí cũng không thấy ghi trên bản đồ.
Đây là thời kỳ lịch sử “ngàn năm đô hộ giặc Tàu” nha bà con.
Đô hộ tới một ngàn năm thì bà con nghĩ còn cái gì là “Việt” ? Huống chi Hoàng Sa, Trường Sa. Lúc đó lãnh thổ Việt Nam chỉ tới Quảng Bình mà thôi.
Còn nếu bà con có tham khảo Hiệp ước Thiên Tân, tức Hiệp ước “Hòa bình, hữu nghị và thương mại” giữa Pháp và nhà Thanh ký năm 1885. Rõ ràng nội dung là nói về “vấn đề Việt Nam”. Điều 2 Công ước nhà Thanh nhìn nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam đồng thời từ bỏ quyền thượng quốc của Thanh triều đối với Việt Nam.
Tức là Pháp nhìn nhận trước đó Việt Nam “thuộc” Trung Quốc.
Nếu bà con có tham khảo lịch sử thời phân định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh. Có lần Trung Quốc đòi biên giới là đường giới hạn thuộc tỉnh Quảng bình. Tức là Trung Quốc đòi lại lãnh thổ từ thời nhà Hán.
Lợi bất cập hại, nếu Việt Nam lên võ đài đấu với Trung Quốc về “lịch sử” phải không bà con?
Vì vậy BBC quảng bá công trình sưu tập bản đồ cổ của nhà sưu tập Việt Nam là “nguy hiểm”. Chuyện bà con đưa qua, đưa lại vụ “bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa trên mạng lại càng “nguy hiểm” hơn.
Hành vi báo chí cũng như số đông người Việt Nam tuyên dương hay “đưa qua đưa lại” những “tấm bản đồ cổ” có thể xem là sự “đồng thuận của quần chúng Việt Nam” về hiệu lực của “bản đồ cổ” trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Việt Nam.
Điều này sẽ vô hiệu hóa tập quán quốc tế về sự phủ nhận “hiệu lực pháp lý của các bản đồ”.
Ta có rất nhiều án lệ của Tòa Công lý quốc tế phán rằng “bản đồ không có hiệu lực pháp lý về phân chia lãnh thổ. Ngoại trừ các bản đồ có đính kèm một hiệp ước”.
(Theo datviet.com; Trương Nhân Tuấn)