Các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 7 (ảnh: AP/Youtube).

 

 

 

 

Trung Quốc chỉ cấp thị thực hai tháng thay vì một năm cho nhà báo của các hãng tin Mỹ thường trú tại nước này, trong bối cảnh cuộc chiến truyền thông giữa hai bên ngày càng leo thang.

 

 

CNN cho biết, tuần trước, khi làm thủ tục xin gia hạn thẻ nhà báo, vốn có thời hạn một năm, một số phóng viên nước ngoài nhận được thư thông báo rằng đơn đăng ký của họ đang được xử lý, thay vì được cấp thẻ mới. Giới chức Trung Quốc cũng yêu cầu họ mang thư trên cùng với thẻ nhà báo đã hết hạn trong khi tác nghiệp để chứng minh mình là phóng viên.

 

 

Vì thị thực Trung Quốc gắn liền với thẻ nhà báo, nên các phóng viên nước ngoài này được cấp một thị thực mới, nhưng chỉ có giá trị lưu trú trong thời gian hai tháng, thay vì một năm như trước đây.

 

 

Không chỉ vậy, giới chức Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng thẻ tác nghiệp tạm thời cũng như thị thực có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, khiến nhiều nhà báo rơi vào tình cảnh không biết chắc rằng họ có thể ở lại Trung Quốc bao lâu.

 

 

Ông David Culver, phóng viên người Mỹ của hãng tin CNN thường trú tại Trung Quốc, là một trong những người bị ảnh hưởng bởi động thái mới nhất của Bắc Kinh. CNN cho biết những phóng viên bị nhắm mục tiêu bao gồm cả công dân Mỹ và công dân nước ngoài khác đang làm việc cho các hãng truyền thông lớn của Mỹ, trong đó có Wall Street Journal.

 

 

Các quan chức Trung Quốc nói với ông Culver rằng hạn chế mới này không liên quan gì tới hoạt động đưa tin của nhà báo, mà là “biện pháp trả đũa” cách chính quyền Trump đối xử với các nhà báo Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ.

 

 

Người phát ngôn của CNN hôm 6/9 cũng lên tiếng xác nhận thị thực của phóng viên Culver bị rút ngắn.

 

 

“Một trong những nhà báo thường trú tại Bắc Kinh của chúng tôi gần đây đã được cấp thị thực có thời hạn hai tháng, thay vì mười hai tháng như trước đây”, người phát ngôn của CNN nói. “Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng tôi tại Trung Quốc vẫn không thay đổi và chúng tôi đang làm việc với giới chức địa phương để đảm bảo tiếp tục tác nghiệp ở đó”.

 

 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhân viên của họ tại Bắc Kinh đã nhận được thông báo về các biện pháp trả đũa nhắm vào truyền thông nước này.

 

 

Gần đây, Washington và Bắc Kinh liên tục có động thái nhắm vào các hãng truyền thông của nhau. Hồi tháng 5, Washington rút ngắn thời hạn lưu trú của hầu hết các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ xuống còn 90 ngày. Bắc Kinh cho biết không nhà báo nào của họ nhận được thông báo từ giới chức Mỹ về tình trạng đơn xin gia hạn thị thực mới nhất, khiến công việc và cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

 

Nếu các đơn xin gia hạn thị thực của các nhà báo Trung Quốc thường trú tại Mỹ không được phê duyệt, thì họ sẽ phải rời khỏi Mỹ vào đầu tháng 11, trùng với thời điểm thị thực Trung Quốc của phóng viên CNN David Culver hết hạn.

 

 

Đầu năm nay, Bắc Kinh đã trục xuất hơn 10 phóng viên thường trú làm việc cho New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, sau khi chính quyền Trump giảm số phóng viên Trung Quốc tại Mỹ làm việc cho 4 cơ quan truyền thông của Bắc Kinh.

 

 

Sau đó, Washington thắt chặt kiểm soát đối với các cơ quan truyền thông Trung Quốc, coi đây là các “phái bộ nước ngoài”, yêu cầu họ phải báo cáo chi tiết về tài chính cũng như nhân sự với chính phủ Mỹ. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các động thái tương tự.

 

 

Căng thẳng Mỹ – Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm do một loạt vấn đề, trong đó có Covid-19, Đài Loan, Hồng Kông và Biển Đông. Chính quyền Trump cũng liên tục khẳng định sẽ hành động cứng rắn với Bắc Kinh. Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump hôm 23/8 đã công bố chương trình hành động cho nhiệm kỳ hai, trong đó Trung Quốc vẫn tiếp tục là ưu tiên của ông Trump.

(Theo dkn.tv)