Một tấm áp phích của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, vào ngày 8/11/2018. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

 

TRUNG QUỐC - Nhân khẩu học chỉ là một trong những thách thức kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó là một vấn đề nghiêm trọng và thực sự cơ bản theo mọi nghĩa của từ này. Hơn nữa, đó không phải là vấn đề mà Trung Quốc có thể hy vọng giải quyết nhanh chóng.

 

Kể từ thời điểm vài tháng trước khi Bắc Kinh công bố rằng dân số Trung Quốc đang suy giảm, các bài bình luận đã suy đoán về việc xu hướng này sẽ kéo lùi triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Những lo ngại là có cơ sở. Nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ là vấn đề cản trở nền kinh tế từng bùng nổ một thời.

 

Tuy nhiên, điều còn thiếu trong phần lớn các suy đoán này là lời giải thích cụ thể về việc xu hướng nhân khẩu học sẽ gây ra thiệt hại kinh tế như thế nào. Sau đây là một sự diễn giải rút gọn của vấn đề.

 

Bắt đầu bằng chính sách một con

Rắc rối về nhân khẩu học của Trung Quốc bắt nguồn từ một quyết định được đưa ra vào cuối những năm 1970 của nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình. Ngay khi nền kinh tế đang được mở cửa với thế giới, ông quyết định giải phóng càng nhiều người dân càng tốt để làm việc bằng cách ban hành chính sách chỉ cho phép mỗi gia đình có một con.

 

“Chính sách một con” này đã phát huy tác dụng ở một mức độ nào đó. Vào những năm 1980, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm từ con số trung bình ở mức cao là 6 đến 7 ca sinh trong đời mỗi phụ nữ xuống còn dưới 3. Đến những năm 1990, mức trung bình đó đã giảm xuống dưới 2, con số cần thiết để giữ cho dân số không bị suy giảm. Nó đã ở mức thấp như vậy kể từ đó.

 

Ban đầu, xu hướng này đã giải phóng nhiều người hơn để làm việc. Những người này lấp đầy các nhà máy của Trung Quốc và tạo ra thặng dư kinh tế đủ để khiến xuất khẩu tăng vọt và hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng hoành tráng nổi tiếng của Trung Quốc. Nền kinh tế bùng nổ, tăng trưởng hơn 10% một năm trong nhiều thập kỷ.

 

Tới rắc rối trong hiện tại

Tuy nhiên, mặc dù “chính sách một con” đã có hiệu quả vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhưng chính sách này lại để lại rắc rối ở Trung Quốc tại thời điểm hiện nay. Tỷ lệ sinh thấp trong khoảng 35 năm qua đã làm chậm lại hoàn toàn dòng lao động trẻ để thay thế thế hệ công nhân hiện đang nghỉ hưu. Tình trạng thiếu lao động sẵn có đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung và tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài. Bắc Kinh tính toán rằng hiện tại, Trung Quốc chỉ có một nửa số công nhân nhà máy cần thiết.

 

Điều thậm chí còn quan trọng hơn từ quan điểm kinh tế là lực lượng lao động hạn chế sẽ ngày càng phải hỗ trợ số lượng người về hưu ngày càng tăng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Trung Quốc có 6,5 người trong độ tuổi lao động trên mỗi người trong độ tuổi nghỉ hưu vào năm 2000. Đến năm 2010, con số đó giảm xuống còn 5,4 và đến năm 2020 còn 3,6. Đến năm 2040, tỷ lệ này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 1,7.

 

Số lượng công nhân hạn chế này sẽ phải tự nuôi sống bản thân, chu cấp cho những người phụ thuộc trực tiếp của họ đồng thời hỗ trợ nhiều thứ mà những người về hưu cần. Những người về hưu có thể sống dựa vào nguồn lương hưu hoặc phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ xã hội, vấn đề là đều như nhau. Người lao động, ngoài các nhu cầu khác, sẽ phải đáp ứng nhu cầu về lương thực, quần áo, chỗ ở, dịch vụ y tế, v.v. của người về hưu. Dưới áp lực như vậy, khó có thể thấy Trung Quốc vẫn có thể sản xuất ra thặng dư kinh tế để hỗ trợ cỗ máy xuất khẩu khổng lồ của mình hoặc các dự án đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

 

 

Công nhân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy may ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 4/5/2005. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

 

 

Tất nhiên là có những yếu tố làm giảm bớt vấn đề. Năng suất tăng lên - có lẽ nhờ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo - sẽ thay thế các công việc hiện do con người thực hiện. Nó cũng sẽ cho phép công nhân của tương lai sản xuất nhiều hơn công nhân trong quá khứ. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ có thể mang lại sự trợ giúp đến mức đó. Trong khi đó, vấn đề thất nghiệp trầm trọng ở giới trẻ Trung Quốc ngày nay cũng không phải là một yếu tố tích cực.

 

Hầu hết những người thất nghiệp ngày nay đều có trình độ đại học và ít có khuynh hướng thích lao động, vốn là chỗ có nhu cầu. Thay vì là một yếu tố trợ giúp, những người này đại diện cho một nỗ lực lãng phí thực sự làm suy giảm lực lượng lao động hiện có. Nhập cư có thể hữu ích, ít nhất là về mặt lý thuyết, nhưng rất ít người tỏ ra muốn nhập cư tới Trung Quốc. Quả thực, đất nước này có lượng di cư ròng.

 

Bắc Kinh đã thừa nhận lỗi lầm trong quá khứ và hiện đang khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Ngay cả khi người dân Trung Quốc tận dụng được “sự tự do mới này" thì cũng phải mất 15–20 năm để những ca sinh này ảnh hưởng đến lực lượng lao động của nền kinh tế. Tại thời điểm hiện nay, tỷ lệ sinh dường như đã giảm kể từ khi “chính sách hai con” được ban hành.

 

Nhân khẩu học chỉ là một trong những thách thức kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó là một vấn đề nghiêm trọng và thực sự cơ bản theo mọi nghĩa của từ này. Hơn nữa, đó không phải là vấn đề mà Trung Quốc có thể hy vọng giải quyết nhanh chóng – chắc chắn là không đủ nhanh để Bắc Kinh đạt được các mục tiêu tăng trưởng dài hạn, chứ chưa nói đến tham vọng bá chủ kinh tế và ngoại giao của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

 

(ntdvn.net, Theo The Epoch Times - Bảo Nguyên biên dịch)

 

Milton Ezrati

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).