Bệnh nhân COVID-19 bị mất khứu giác, thậm chí cả vị giác, điều này liệu có nghiêm trọng hay không?... (Pixabay)

 

 

 

Từ tháng 3/2020, các từ khóa như “không thể nếm được thức ăn” hoặc “tại sao tôi không thể ngửi được” bỗng tăng đột biến trên Google, đặc biệt là ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

 

 

Gần đây, CDC Hoa kỳ đã chính thức đưa bệnh nhân có triệu chứng mất vị giác và khứu giác vào đối tượng cần được xét nghiệm tầm soát COVID-19. 

 

 

Khi bị cảm lạnh hoặc bị cúm, cảm nhận hương vị thức ăn của nhiều người tạm thời bị thay đổi. Nhưng đối với bệnh nhân COVID-19, tình trạng này dường như nghiêm trọng hơn. Bằng cách nào đó, SARS-CoV-2 có thể gây ảnh hưởng đặc biệt đến khứu giác và vị giác. Các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu để có thể lý giải các triệu chứng này.

 

 

Hương vị thức ăn không chỉ ảnh hưởng vị giác

Khi mọi người nếm thức ăn, họ đồng thời trải nghiệm những cảm giác khác nhau từ ba hệ thống, vị giác, khứu giác và các dây thần kinh cảm ứng và nhiệt độ. Những cảm giác này đan vào nhau để tạo thành một cảm giác duy nhất và thống nhất.

 

 

Vị giác là để cảm nhận ngũ vị. Khứu giác thì cảm nhận những hóa chất dễ bay hơi trong khi chúng ta nhai. Cơ quan cảm thụ mùi được tìm thấy ở trên cùng của khoang mũi, tương đương với điểm đỡ kính ở trên mũi (nếu bạn đeo kính). Các dây thần kinh cảm ứng thì cảm thụ các phản ứng hóa học và nhiệt độ của thức ăn. 

 

 

Khi chúng ta ăn, không chỉ vị giác giúp chúng ta cảm thụ món ăn. Chúng ta trải nghiệm thực phẩm nhờ cả 3 hệ thống này: vị giác và cả khứu giác lẫn các dây thần kinh cảm ứng.

 

 

Miệng bị tấn công nhiều hơn mũi

Mất khứu giác thường xảy ra với nhiều loại virus, bao gồm cả Rhinovirus, cúm, và virus Corona. Nguyên nhân thường được cho là do viêm mũi làm hạn chế luồng không khí.

 

 

Thông thường, vị giác và các dây thần kinh cảm ứng không bị ảnh hưởng nhiều. Ví dụ: khi bị cảm, chúng ta vẫn cảm nhận được hương vị - ít nhất là vị ngọt, và nhiệt độ của thực phẩm - thậm chí là vị cay nóng. Nhưng nếu mũi bị nghẹt thì không có gì ngạc nhiên khi chúng ta không thể ngửi nhiều. 

 

 

Theo thời gian, khứu giác của hầu hết bệnh nhân được khôi phục, nhưng không phải toàn bộ. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vĩnh viễn suy giảm hoặc mất cảm nhận khứu giác. Ở một số người, nguyên nhân có thể là do virus gây ra tình trạng viêm và làm tổn thương vĩnh viễn các thụ thể cảm nhận mùi.

 

 

SARS-CoV-2 không giống những loại virus khác

Kể từ đầu mùa xuân năm 2020, các báo cáo trực tiếp đã chỉ ra: SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến miệng và mũi nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường hoặc cảm cúm. Các báo cáo về mất khứu giác và vị giác ở bệnh nhân COVID-19 không chỉ thường xuyên hơn mà còn khác với những gì thường thấy.

 

 

Một bác sĩ phẫu thuật người Anh nhiễm COVID-19 đã đăng video lên Twitter, theo đó anh ta cho biết mình đã mất đi khả năng cảm nhận vị cay của ớt. Một số bệnh nhân khác, trong đó có Caela Camazine của trường Đại học Penn State, cho biết họ đã mất khứu giác và vị giác hoàn toàn dù không bị nghẹt mũi.

 

 

Hơn 600 nhà nghiên cứu, bác sĩ lâm sàng và những người ủng hộ từ 60 quốc gia đã thành lập Hiệp hội nghiên cứu Chemosensory (thụ thể) toàn cầu. Mục đích của nghiên cứu này là nhằm tìm ra nguyên nhân tại sao bệnh nhân COVID-19 bị mất đi cả khứu giác và vị giác. 

 

 

Hiệp hội đã phát động một cuộc khảo sát trên toàn thế giới bằng 32 ngôn ngữ khác nhau để hiểu rõ hơn những gì bệnh nhân COVID-19 đang gặp phải. Theo kết quả ban đầu từ khảo sát, SARS-CoV-2 không chỉ gây tổn thương giới hạn tại khứu giác, mà còn gây mất vị giác và làm gián đoạn cảm thụ hóa học.

 

 

Nghiên cứu ban đầu cho thấy, rối loạn khứu giác ở bệnh nhân COVID-19 là do các tế bào hỗ trợ cho các tế bào thần kinh khứu giác bị phá vỡ. Trong mũi, chúng ta có các tế bào thần kinh cảm giác của khứu giác. Chúng được bao phủ bởi các thụ thể mùi và được chi phối bởi một số hóa chất dễ bay hơi. Khi một chất hóa học liên kết với một thụ thể mùi, tế bào thần kinh cảm giác khứu giác sẽ phát ra một tín hiệu đến não giúp chúng ta cảm nhận được mùi. 

 

 

 

Đáng chú ý là virus Vũ Hán dường như không nhắm mục tiêu trực tiếp vào các tế bào thần kinh khứu giác. Thay vào đó, chúng hướng đến các tế bào hỗ trợ chuyên biệt có chức năng nuôi dưỡng các tế bào thần kinh khứu giác. Các tế bào hỗ trợ này được bao phủ bởi một thụ thể khác, thụ thể ACE2, hoạt động như một điểm xâm nhập của virus. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phán đoán của Hiệp hội.

 

 

Khám sàng lọc COVID-19 thông qua kiểm tra khứu giác?

Các nhà khoa học Anh quốc mới đây đã tiến hành nghiên cứu đánh giá chức năng khứu giác và vị giác của bệnh nhân COVID-19 - so với nhóm chứng bao gồm bệnh nhân cảm lạnh và những người khỏe mạnh.

 

 

Trong nghiên cứu này, họ đã phát hiện bệnh nhân COVID-19 giảm đánh kể chức năng khứu giác và vị giác so với nhóm chứng. Đồng thời, những bệnh nhân này cũng suy giảm khả năng phát hiện vị ngọt, đắng và việc mất vị giác là nguyên nhân trực tiếp. Một giả thuyết được nhóm nghiên cứu đưa ra là: SARS-CoV-2 đã tấn công thụ thể ghép đôi G-Proteins (GPCRs) - thụ thể cảm nhận vị ngọt và vị đắng. 

 

 

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các bài kiểm tra về khứu giác và vị giác để giúp phân biệt COVID-19 và cảm lạnh thông thường. Các bài kiểm tra có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, do đó có thể sử dụng để sàng lọc và xác định những bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19. Mặc dù không thể thay thế các công cụ chẩn đoán chính thức, nhưng chúng có thể là một giải pháp thay thế trong các phòng bệnh hay nơi không có các xét nghiệm chuyên biệt. 

 

 

Giác quan của bệnh nhân COVID-19 liệu có thể hồi phục?

Trong nghiên cứu trên, chỉ có 30% bệnh nhân COVID-19 cho biết đã hồi phục hoàn toàn. Còn theo Hiệp hội nghiên cứu Chemosensory toàn cầu, họ vẫn chưa biết liệu bệnh nhân COVID-19 có phục hồi khứu giác, vị giác và khả năng cảm thụ hóa học hay không. Nhiều bệnh nhân cho biết đã hồi phục hoàn toàn trong vòng 2-3 tuần, trong khi những bệnh nhân khác cho biết họ bị mất cảm giác kéo dài trong nhiều tuần. 

(Theo ntdvn.com)