Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị (ảnh: Shutterstock).

 

 

 

Trong một bài báo gần đây đăng trên tờ Nikkei, nhà báo Katsuji Nakazawa đã so sánh ngoại giao chiến lang của Trung Quốc với chiến thuật của Đế quốc Nhật Bản.

 

 

Là biên tập viên cấp cao tại Nikkei, đã từng sống và làm việc 7 năm ở Trung Quốc với tư cách là phóng viên và sau đó là trưởng văn phòng Trung Quốc, ông Nakazawa nhận thấy chính sách “ngoại giao chiến lang” gần đây của Trung Quốc gợi nhớ đến chiến thuật nguy hiểm của Nhật Bản trước Thế chiến II.

 

 

Ông Nakazawa cho hay đó cũng là quan điểm của 2 học giả Trung Quốc, được thể hiện trong các ấn phẩm gần đây của mình, gây ra một cuộc tranh luận lớn ở Trung Quốc, trong đó họ cảnh báo Bắc Kinh nên rút ra bài học từ những sai lầm của Nhật Bản trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941.

 

 

Thực vậy, theo ông Nakazawa, khó có thể bác bỏ sự đấu tranh hiện nay của Trung Quốc trên nhiều mặt trận. Cụ thể như:

 

  • Trung Quốc đang bị khóa chặt trong một cuộc đối đầu gay gắt với chính quyền Trump về Biển Đông, Hồng Kông, Đài Loan và nhiều vấn đề khác…
  • Mối quan hệ với Úc đã xấu đi;
  • Cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ đã chứng kiến ​​những chết chóc đầu tiên sau 45 năm;
  • Mối quan hệ với Canada đang căng thẳng do các vấn đề liên quan đến công ty Huawei;
  • Hiện Bắc Kinh có thái độ xấu đối với Cộng hòa Séc, do một chính trị gia của nước này tỏ thái độ thân tình với Đài Loan.
  • Ngay cả Đức, vốn từ lâu đã có quan hệ tốt với Trung Quốc, dường như cũng đang thay đổi lập trường một cách khôn khéo, thể hiện qua việc lần đầu tiên áp dụng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình.

 

 

Học giả Viên Nam Sinh: Đối đầu với nhiều quốc gia là một thảm họa

Là một cựu quan chức ngoại giao của Trung Quốc, ông Viên Nam Sinh nhận định trong một báo cáo vào tháng 9/2020 rằng: “Đối đầu với nhiều quốc gia cùng lúc còn hơn cả một thảm họa ngoại giao; Không đối đầu với nhiều nước cùng một lúc là quy tắc cơ bản của ngoại giao Trung Quốc trong một thiên niên kỷ. Lý do rất đơn giản: Gây thù chuốc oán ở mọi phía, là chiến lược ngoại giao tồi tệ nhất”.

 

 

Dẫn chứng về lịch sử, ông Viên viết: “Thông qua cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng, Nhật Bản đã phải đối đầu với Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Trung Quốc và thậm chí cả Liên Xô cùng một lúc”.

 

 

 

Ông Viên Nam Sinh, cựu Tổng lãnh sự San Francisco và bí thư chi bộ Đảng cộng sản Trung Quốc tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh: Chụp màn hình Nikkei).

 

 

 

 

 

Trích dẫn một cuốn sách của học giả người Mỹ Jared Diamond, với ngụ ý ám chỉ về giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay, ông Viên viết: “Những kẻ cai trị của Đế quốc Nhật đã đánh giá quá cao khả năng của họ, và mang lại hậu quả tàn khốc cho đất nước”.

 

 

Theo ông Viên, một ví dụ kinh điển khác về việc gây thù chuốc oán trên mọi mặt trận, là trường hợp của Từ Hi Thái hậu ở triều đại nhà Thanh. Bị dư luận thúc đẩy, Từ Hi Thái hậu đã hợp tác với các Võ sĩ (Boxers) chống chủ nghĩa đế quốc vào năm 1900, phát động một cuộc tấn công chống lại những người nước ngoài ở trong nước. Do đó, các lực lượng từ Liên minh 8 quốc gia, bao gồm Nga, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ý, đã tiến vào Bắc Kinh, dẫn đến việc Nhà Thanh cuối cùng đã phải ký kết ‘Nghị định thư Boxer’ nhục nhã với 11 quốc gia, qua đó Trung Quốc buộc phải bồi thường thiệt hại cho các quốc gia trong liên minh, gây tổn thất rất nhiều về tài chính.

 

 

“Lập luận của ông Viên là rất thuyết phục do ông xuất thân từ một cựu tổng lãnh sự San Francisco và cũng là bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nơi đào tạo các nhà ngoại giao”, nhà báo Nakazawa nhận xét.

 

 

 

Chiến hạm California của Mỹ bốc cháy khi chìm ở Trân Châu Cảng vào ngày 8/12/1941. (Ảnh: Đài tưởng niệm USS Arizona / Kyodo).

 

 

 

 

Tuy nhiên nhà báo Nakazawa cho hay trong khi giới trí thức Trung Quốc đã ca ngợi bài viết của ông Viên vì tính hợp lý của nó, thì những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc trên mạng xã hội, đã chỉ trích nhà cựu ngoại giao là “kẻ phản bội đất nước của chúng ta”.

 

 

So sánh Trung Quốc và các mối quan hệ của nước này với một đứa trẻ bị bắt nạt, một bài đăng viết: “Nếu 5 kẻ hung ác đe dọa và tống tiền bạn trên đường đi học về, chẳng phải 5 kẻ này là kẻ thù của bạn sao?”.

 

 

Theo nhà báo Nakazawa, ngôn từ “5 kẻ năm hung ác “dường như ám chỉ Mỹ, Úc, Ấn Độ, Canada và Cộng hòa Séc”.

 

 

Nhà báo Nakazawa giải thích “Dưới hệ thống đương đại của Trung Quốc, mọi người không thể chỉ trích thẳng thừng các chính sách của đảng và chính phủ. Vì vậy, từ lâu người ta đã dùng đến phép ‘uyển ngữ’, thường dựa vào những dữ kiện lịch sử trong quá khứ để nêu luận điểm”.

 

 

Điều thú vị là bài báo của ông Viên ban đầu không bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc xóa, mặc dù nó đã gây tranh cãi và bị coi là chỉ trích về các chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

 

 

“Điều đó có nghĩa là một số người nhất định trong ban lãnh đạo, đã tán thành”, một nguồn tin nhận xét. Nhưng gần một tuần sau khi phát hành, bài báo của ông Viên đã không thể truy cập được nữa, sau khi các nhà chức trách kết luận rằng cuộc tranh luận đã vượt quá tầm kiểm soát.

 

 

Học giả Tiêu Công Tần: Trung Quốc đang có bước tiến giống Nhật trước khi bị Mỹ trừng phạt

Bài viết thứ hai là của [nhà sử học] Tiêu Công Tần, một học giả hàng đầu về chủ nghĩa tân độc tài ở Trung Quốc, trong đó ông Tiêu đưa ra một số so sánh thú vị về những gì đã xảy ra gần 80 năm trước giữa Nhật Bản và Mỹ, với những gì hiện đang xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ.

 

 

Quay trở lại mùa hè năm 1940, ông Tiêu viết: “Mặc dù phản đối sự xâm lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc, Mỹ vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Tokyo, cung cấp sắt vụn và dầu với số lượng lớn”.

 

 

Sau đó, khi chiến tranh cận kề hơn, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận toàn bộ đối với xuất khẩu sắt vụn và dầu sang Nhật Bản, được gọi là bao vây ABCD, bao gồm các nước: Mỹ – American (A), Anh – Britain (B), Trung Quốc – China (C) và Hà Lan – Dutch (D). Hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hà Lan đã giáng một đòn mạnh vào Nhật Bản.

 

 

 

Các lệnh cấm vận được đưa ra, do quân đội Nhật tiến công vào miền nam Đông Dương, thuộc địa của Pháp, bao gồm cả Vịnh Cam Ranh của Việt Nam, vào giữa năm 1941.

 

 

Động thái của Nhật Bản được coi là vi phạm lợi ích cốt lõi của Mỹ. Mỹ trực tiếp coi Nhật Bản là kẻ thù, cuối cùng dẫn đến chiến tranh bùng nổ và Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng.

 

 

Ở Trung Quốc, người ta không biết nhiều về cuộc tiến quân của quân đội Nhật vào miền nam Đông Dương, là điểm khởi đầu của cuộc chiến tranh giữa Nhật và Mỹ.

 

 

Nhà báo Nakazawa nhận xét “Mặc dù ông Tiêu không đưa ra so sánh trực tiếp, nhưng bước tiến của quân đội Nhật trùng lặp với hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông”.

 

 

Theo ông Nakazawa, “sắt vụn và dầu từng được Mỹ cung cấp cho Nhật Bản, cũng có thể được ví như chất bán dẫn và các công nghệ liên quan mà Trung Quốc ngày nay phụ thuộc vào chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn đầu”.

 

 

Dưới thời chính quyền Trump, ban đầu Mỹ duy trì trao đổi với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng các hạn chế mới đối với xuất khẩu cho gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei, đã có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.

 

 

Quan hệ Trung- Nhật dưới thời tân Thủ tướng Saga Yoshihide

Theo nhà báo Nakazawa, việc so sánh chính sách hiện tại của Trung Quốc với chính sách của Đế quốc Nhật Bản, kẻ thù không đội trời chung của Trung Quốc, mang rủi ro chính trị đáng kể, khiến cuộc tranh luận hiện tại, trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.

 

 

Vấn đề đang diễn ra, khi Nhật Bản có nhà lãnh đạo mới đầu tiên trong vòng gần 8 năm, đưa quan hệ Trung-Nhật trở thành tâm điểm của tranh luận.

 

 

Thủ tướng vừa mãn nhiệm Abe Shinzo trở thành thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai vào tháng 12/2012, vài tuần sau khi ông Tập nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với tư cách là tổng bí thư.

 

 

Tại cuộc tranh luận bầu cử tổng thống của Đảng Dân chủ Tự do gần đây, ông Suga Yoshihide, người thay thế Thủ tướng Abe hôm thứ 16/9, đã bác bỏ ý tưởng của ứng cử viên đối thủ Ishiba Shigeru, đề xuất tạo ra “một phiên bản châu Á của liên minh quân sự NATO”.

 

 

Tân Thủ tướng Suga cho rằng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, một phiên bản châu Á của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, chắc chắn sẽ trở thành một liên minh quốc tế chống lại Trung Quốc.

 

 

Trong khi đặt liên minh Nhật-Mỹ là trụ cột trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, ông Suga dường như đang có lập trường thận trọng về việc thành lập một liên minh chống Trung Quốc, sẽ gợi nhớ đến một liên minh chống Nhật trước khi nổ ra chiến tranh giữa Nhật Bản và Mỹ.

 

 

Tuy nhiên, ông Suga đã không cho Bắc Kinh thấy dấu hiệu rõ ràng về chính sách Trung Quốc của mình.

Ông Suga cho biết còn quá sớm để nghĩ về một ngày cụ thể để ông Tập đến thăm Nhật Bản với tư cách là khách mời nhà nước, như đã được lên kế hoạch vào tháng 4/2020 trước khi chuyến thăm dự kiến của ông Tập bị hoãn lại do virus Vũ Hán.

 

 

“Liệu Trung Quốc có bám sát sách giáo khoa hàng thiên niên kỷ của mình và tránh tạo ra kẻ thù ở tất cả các phía? Nếu các nhà ngoại giao chiến lang [của Trung Quốc] bỏ qua những bài học của lịch sử, thảm họa có thể đang chờ đợi”, nhà báo Nakazawa đặt câu hỏi và kết luận.

Theo Nikkei Asian Review
Duy Nghĩa biên dịch

(dkn.tv)