Sau hai ngày đàm phán được mô tả là "sôi nổi", tình hình thương chiến Mỹ-Trung dường như đã thay đổi. Ảnh: Getty Images/BBC

 

 

Laura Bicker

Vai trò, Phóng viên chuyên về Trung Quốc

 

 

 

Việc Trung Quốc kiên quyết đối đầu với các mức thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của cuộc chiến thương mại này.

 

Nó đã truyền cảm hứng cho nhiều ảnh chế (meme) trên mạng về việc ông Trump chờ cuộc gọi từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.

 

"Chúng tôi sẽ không lùi bước" gần như trở thành thông điệp hàng ngày từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Khi các mức thuế và giọng điệu từ Washington gia tăng, Trung Quốc càng thêm cứng rắn.

 

Ngay cả khi các quan chức Trung Quốc lên đường tới Thụy Sĩ để đàm phán, một tài khoản mạng xã hội do nhà nước điều hành vẫn đăng hình biếm họa mô tả Bộ trưởng Tài chính Mỹ đang đẩy một chiếc xe đẩy hàng trống rỗng.

 

Thậm chí còn có thông tin mâu thuẫn về việc ai là bên khởi xướng cuộc đàm phán ở Geneva.

 

Nhưng sau hai ngày đàm phán được mô tả là "sôi nổi", tình hình dường như đã thay đổi.

 

Vậy đây có phải là bước ngoặt lớn giữa Washington và Bắc Kinh? Câu trả lời là: có và không.

 

'Chúng tôi muốn giao thương'

 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva rằng, "Cả hai phái đoàn đều đồng thuận rằng không bên nào muốn hoàn toàn chia cắt,"

 

"Và những gì đã xảy ra với các mức thuế rất cao đó… chẳng khác gì một cuộc cấm vận, và không bên nào muốn điều đó. Chúng tôi muốn giao thương."

 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: EPA

 

 

 

Các chuyên gia kinh tế thừa nhận rằng thỏa thuận lần này tốt hơn kỳ vọng.

 

"Tôi nghĩ mức thuế sẽ được cắt giảm còn khoảng 50%," ông Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management – một công ty quản lý quỹ đầu tư ở Hồng Kông, đã nói với hãng tin Reuters.

 

Nhưng trên thực tế, mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 30%, trong khi mức thuế Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ sẽ giảm xuống còn 10%.

 

Ông nói thêm, "Rõ ràng, đây là tin tích cực cho cả hai nền kinh tế và cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời giúp nhà đầu tư bớt lo ngại về tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngắn hạn.”

 

Ông Trump cũng ca ngợi bước tiến đạt được trong ngày 11/5 trên mạng xã hội Truth Social: "Nhiều vấn đề đã được thảo luận, nhiều điều đã đạt được đồng thuận. Một cuộc tái thiết hoàn toàn được đàm phán trong không khí thân thiện nhưng mang tính xây dựng."

 

Phía Bắc Kinh cũng đã dịu giọng đi đáng kể – và có lẽ là có lý do chính đáng.

 

Trung Quốc có thể chịu được hệ quả từ một cuộc chiến kinh tế với Mỹ – đến một mức nào đó. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 100 quốc gia khác.

 

Nhưng các quan chức ngày càng lo ngại về tác động của các mức thuế tới nền kinh tế vốn đang vật lộn với khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao dai dẳng và niềm tin tiêu dùng thấp.

 

Sản lượng sản xuất đã chậm lại và có báo cáo cho thấy một số công ty buộc phải sa thải công nhân khi các dây chuyền sản xuất hàng hóa xuất cảng sang Mỹ bị đình trệ, khiến thương mại rơi vào bế tắc.

 

Dữ liệu công bố vào hôm 10/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng Tư đã giảm 0,1%. Đây là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp khi người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế chi tiêu và doanh nghiệp phải hạ giá để giữ khách hàng.

 

 

Apple là một trong những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ​​đề xuất quan thuế vì họ phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất đặt tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

 

 

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 12/5 cho biết thỏa thuận đạt được với Mỹ là một bước quan trọng để "giải quyết bất đồng" và "đặt nền tảng cho việc thu hẹp khác biệt và gia tăng hợp tác".

 

Chỉ một tháng trước, một tuyên bố tích cực như vậy từ phía Bắc Kinh có lẽ là điều khó tưởng tượng.

 

Hai bên cũng đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại – hay là "cơ chế tham vấn kinh tế và thương mại" như cách Bắc Kinh gọi.

 

Tuy nhiên, việc ông Trump mô tả đây là một cuộc "tái thiết hoàn toàn" trong quan hệ song phương có thể là quá lạc quan, bởi trong tuyên bố của Bắc Kinh vẫn có một "cái gai" nhỏ.

 

Bộ Thương mại Trung Quốc kết thúc tuyên bố bằng lời nhắc về việc họ cho rằng bên nào đã sai.

 

"Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để cùng nhau nỗ lực, trên cơ sở cuộc gặp này, sửa chữa triệt để những hành vi sai lầm trong việc đơn phương tăng thuế," người phát ngôn bộ này cho hay.

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng gửi lời cảnh báo tới Washington.

 

Một bài bình luận của báo nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã khẳng định thiện chí và sự kiên nhẫn của Trung Quốc "có giới hạn, và sẽ không dành cho những kẻ đàn áp, liên tục tống tiền chúng tôi hoặc sẵn sàng nuốt lời mà không mảy may do dự".

 

Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ muốn thể hiện một hình ảnh cứng rắn đối với người dân trong nước lẫn cộng đồng quốc tế.

 

Họ muốn cho thấy mình không hề nhượng bộ. Thông điệp từ Trung Quốc là họ đang hành xử có trách nhiệm, có lý trí và đang làm những gì có thể để ngăn một cuộc suy thoái toàn cầu.

 

"Đây là một chiến thắng của lương tri và lý trí," ông Trương Vân từ Trường Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh nhận định.

 

"Cuộc đàm phán lần này cũng đặt ra khuôn khổ cần thiết cho những đối thoại và thương lượng trong tương lai."

 

Tuy nhiên, "thắng lợi" này chỉ kéo dài trong 90 ngày. Các mức thuế mới chỉ được tạm hoãn để nhường chỗ cho các cuộc đàm phán.

 

Điều đó sẽ giúp một phần thương mại được nối lại, và làm dịu bớt tâm lý lo ngại trên thị trường.

 

Nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn còn đó. Trung Quốc vẫn xuất cảng sang Mỹ nhiều hơn đáng kể so với lượng hàng hóa nhập cảng. Và còn những khác biệt gai góc khác cần tháo gỡ – từ trợ cấp chính phủ Trung Quốc, đến các ngành công nghiệp then chốt, hay căng thẳng địa chính trị ở eo biển Đài Loan và những nơi khác.

 

Cuộc thương chiến nhằm thiết lập một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn vẫn chưa kết thúc mà chỉ mới chuyển hướng.

 

Tiền tuyến giờ đây không còn ở các nhà máy Trung Quốc hay siêu thị Mỹ, mà là ở các bàn đàm phán tại Bắc Kinh và Washington.

 

 

(Theo BBC)