Trên một đường phố Hà Nội, Việt Nam, người đi đường hầu hết đều mang khẩu trang để tránh bụi. Ảnh chụp tháng 11/2024. AP - Hau Dinh
Theo một báo cáo của Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế (UNICEF), công bố hôm qua, 06/02/2025, mỗi ngày, 100 trẻ em tử vong vì ô nhiễm không khí tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó, có Việt Nam, Thái Lan. Hơn 500 triệu trẻ em phải hít thở không khí với mức độ ô nhiễm đáng báo động.
Tại Hà Nội, chỉ số ô nhiễm không khí của thủ đô Việt Nam với hơn 9 triệu cư dân, thường xuyên lên tới hơn 200 microgam trên mét khối (theo đo lường của IQAir), gấp 15 lần mức phơi nhiễm trung bình hàng ngày tối đa do WHO khuyến nghị.
Bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh, giám đốc trung tâm hô hấp của bệnh viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội, trả lời UNICEF trong một video đăng trên mạng xã hội X, cho biết : « Số lượng bệnh nhân đến khám vì bệnh lý hô hấp, cũng như là bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất so với bệnh lý khác của trẻ thường gặp. Nếu trẻ sinh non, ít cân, môi trường lại có khói bụi, cũng có thể là những yếu tố, nguy cơ gây ra những bệnh lý về đường hô hấp. »
Còn tại nước láng giềng Thái Lan, hồi tháng Một, hơn 352 trong số 437 trường học ở thủ đô Bangkok đã phải đóng cửa, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 của nước này thường ở mức báo động đỏ.
Thông tín viên Valentin Cebron từ Bangkok cho biết thêm thông tin :
« Từ nhiều tuần qua, Bangkok ngay từ sáng sớm đã bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc độc hại. Trên các đường phố sôi động của thủ đô Thái Lan, gần như tất cả mọi người đều đeo khẩu trang để tự bảo vệ khỏi không khí độc hại, nhất là trẻ em, đối tượng đặc biệt dễ gặp rủi ro.
Trong một hội thảo được tổ chức ở Bangkok, Nicholas Rees, chuyên gia về vấn đề môi trường ở UNICEF tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng mỗi ngày trong khu vực này, ô nhiễm không khí lấy đi sinh mạng của hơn 100 trẻ em dưới năm tuổi :
« Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại. Hàng triệu trẻ em trong khu vực bị nhiễm không khí độc hại, gây ra cái chết của 38 000 người mỗi năm. Thông thường, đây là những đứa trẻ sơ sinh không sống nổi đến sinh nhật đầu tiên của mình, hoặc những em bé vốn đã mắc các chứng bệnh đường hô hấp ».
Lãnh đạo bộ phận bảo vệ quyền trẻ em của UNICEF tại khu vực, Eliane Luthi, giải thích rằng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trước hết : « Những đứa trẻ có gia đình sống trong cảnh nghèo đói, không đủ tiền mua loại bếp sạch, khẩu trang hay máy lọc không khí, và họ phải trả giá bằng sức khỏe, nền giáo dục và tương lai của mình.»
Tổng cộng, gần 25 % trẻ em tử vong trong khu vực này có liên quan đến ô nhiễm không khí. Đây là yếu tố rủi ro gây tử vong đứng thứ hai, ở trẻ sơ sinh dưới năm tuổi, chỉ sau suy dinh dưỡng. »
Báo cáo của UNICEF cũng chỉ ra rằng 373 triệu trẻ em sống ở những khu vực có nồng độ nitơ dioxide ở mức nguy hiểm. Loại khí thải này đến từ phương tiện giao thông và các công trình công nghiệp.
Gần một nửa lượng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực là đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, sinh khối và chất thải nông nghiệp. Đây cũng là những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
UNICEF cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cực đoan ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, và ô nhiễm không khí dự kiến sẽ trở thành mối đe dọa lớn hơn nữa.
(Theo RFI)