Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach được chào đón tại Đài Loan (ảnh trái), và chính trị gia đối lập Nga Navalny (Nguồn ảnh: Reuters)

 

 

 

 

 

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã tới Đài Loan

 Taiwan News đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Tăng trưởng kinh tế, Năng Lượng và Môi Sinh Hoa Kỳ, ông Keith Krach, đã tới Đài Loan vào chiều hôm qua (17/9). Đây là quan chức cấp cao thứ hai của Hoa Kỳ tới thăm Đài Loan trong năm 2020.

 

 

Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (Đại sứ Đài Loan trên thực tiễn) William Brent Christensen và các quan chức Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) đã chào đón ông Krach tại tại Căn cứ Không quân Shung Shan ở Đài Bắc.

 

Trong chuyến thăm kéo dài ba ngày từ 17-19/9, ông Krach sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào hôm nay (18/9) cùng với các quan chức chính phủ khác của Đài Loan.

 

 

Vào ngày mai (19/9), ông Krach sẽ tham dự lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy cùng với ông Robert Destro, trợ lý thư ký Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

 

 

 

 

Ông Navalny có thể bị đầu độc trong phòng khách sạn

Theo bản tin hôm thứ Năm (17/9) của Fox News,  các cộng sự của ông Navalny cho biết chất độc thần kinh Novichok được tìm thấy trên một chai nước trong phòng khách sạn nơi ông Navalny lưu trú khi đến thành phố Tomsk, Siberia.

 

 

Trước đó có thông tin cho rằng nhà phê bình Điện Kremlin đã bị đầu độc sau khi uống trà bị bỏ độc tại sân bay trước khi đáp chuyến bay từ Tomsk trở về Moscow.

 

 

“Một phòng thí nghiệm của Đức đã tìm thấy dấu vết của Novichok trên một chai nước lấy từ phòng khách sạn Tomsk”, những cộng sự của ông Navalny cho biết. “Và sau đó ba phòng thí nghiệm khác lấy mẫu của Alexei đã chứng minh rằng anh ấy bị đầu độc bởi Novichok. Giờ thì chúng tôi hiểu rằng: Việc đó đã được thực hiện trước khi anh ấy rời phòng của mình để đến sân bay ”.

 

 

 

 

 

Mỹ có thêm đạo luật chống Bắc Kinh

Theo SCMP,  hôm thứ Năm (17/9), các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã công bố một đạo luật huy động 350 tỷ USD cho một kế hoạch đối đầu với chính quyền Trung Quốc.

 

 

Dự luật có tên gọi Đạo luật LÃNH ĐẠO được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, cùng với việc các nghị sĩ lưỡng đảng có sự đồng thuận rằng Trung Quốc dưới thời lãnh đạo Tập Cận Bình đã trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu và lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.

 

 

Trong một bản tóm tắt về đạo luật được công bố hôm thứ Năm, Đảng Dân chủ cho biết dự luật của họ dự định tăng cường chuỗi cung ứng y tế của Hoa Kỳ, hỗ trợ các công nghệ mới như 5G và trí tuệ nhân tạo, đồng thời chống lại “hành vi kinh tế cướp bóc” của Trung Quốc bao gồm hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, bán phá giá và thao túng tiền tệ.

 

 

Vào tháng Bảy, các thành viên Đảng Cộng hòa ở Thượng viện cũng đã giới thiệu một đạo luật khác của riêng họ để đối đầu với Trung Quốc.

 

 

 

 

 

Trung Quốc ra Sách Trắng ‘khoe’ thành tích ở Tân Cương

SCMP đưa tin, chính quyền Trung Quốc hôm thứ Năm (17/9) đã công bố một sách trắng khẳng định rằng, kể từ năm 2015 tới 2019, tính trung bình mỗi năm họ “đào tạo nghề” thành công cho 1,3 triệu người.

 

 

Với tiêu đề “Việc làm và Quyền lao động ở Tân Cương”, Sách Trắng cho biết chính quyền khu vực đã tổ chức “đào tạo định hướng việc làm về tiếng Trung với kỹ năng nói và viết chuẩn, [cung cấp] kiến thức pháp luật, bí quyết chung cho cuộc sống đô thị và kỹ năng lao động” để cải thiện cấu trúc của lực lượng lao động và chống đói nghèo.

 

 

Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ khoảng hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số ở Tân Cương để “tẩy não” và cưỡng bức lao động, tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc và khẳng định rằng không hề có các trại cải tạo mà phương Tây và các nhóm nhân quyền quốc tế nói tới mà đó chỉ là các “trung tâm đào tạo nghề”.

 

 

Các nhà quan sát nhìn nhận Bắc Kinh đã “gián tiếp” thừa nhận quy mô của các trại cải tạo ở Tân Cương thông qua sách trắng của Quốc vụ viện.

 

 

 

 

 

Mỹ chưa tính tới kế hoạch rút quân khỏi Nam Hàn.

Theo Yonhap,  hôm thứ Năm (17/9), một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết, hiện chính quyền Trump chưa thảo luận về khả năng rút quân khỏi Hàn Quốc.

 

 

“Tất nhiên, những vấn đề này đều cần sự hợp tác. Vì vậy, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến (của Hàn Quốc), nhưng không có cuộc thảo luận nào về vấn đề đó [rút quân khỏi Hàn Quốc] tại Bộ Ngoại giao”, David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện khi được yêu cầu xác nhận việc chính phủ Mỹ còn dự định rút quân khỏi Nam Hàn như các đồn đoán hay không.

 

Các báo cáo gần đây cho thấy Tổng thống Trump đã ám chỉ khả năng giảm quân số của Hoa Kỳ ở Nam Hàn nhằm gây áp lực trong các cuộc đàm phán với Seoul về việc chia sẻ chi phí quân sự cho 28.500 quân Mỹ đồn trú ở bán đảo Triều Tiên.

 

 

Hiện các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Mỹ-Hàn đang đình trệ. Seoul đã đề nghị tăng mức đóng góp hàng năm lên tới 13%, từ mức 870 triệu USD mà họ đã đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ vào năm ngoái, nhưng Washington được cho là đang yêu cầu mức tăng đột biến lên tới 50%, tức 1,3 tỷ USD.

(Theo dkn.tv)