Các đại biểu tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an về tình trạng của người Palestine và tình hình hiện tại ở Trung Đông tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, ở New York, ngày 18/10/2023. (Ảnh: John Lamparski/Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Các quốc gia từ Trung Đông đến Châu Mỹ Latinh và Châu Âu đang chọn bên trong cuộc xung đột Hamas - Israel và định hình lại cán cân quyền lực toàn cầu.

 

Sau khi có thông tin về vụ nổ bệnh viện ở Gaza, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden, Quốc vương Abdullah II của Jordan và các nhà lãnh đạo Ả Rập khác cũng vậy. Brazil đã đề xuất một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), lên án hành động trả đũa của Israel đối với Hamas. 12 trong số 15 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết, trong đó Anh và Nga bỏ phiếu trắng. Điều này cho thấy cuộc xung đột đang buộc các quốc gia phải chọn bên.

 

Ngay cả các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang ở hai phe đối lập. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên án việc Mỹ điều tàu chiến qua phía đông Địa Trung Hải, trong khi Iran đe dọa rằng "trục kháng chiến" có thể sẽ gây trở ngại. Israel cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Hamas, trong khi Iran là nhà tài trợ chính thức không chỉ cho Hamas mà còn cho Hezbollah và nhiều lực lượng dân quân khác nhau trên toàn khu vực.

 

Các chính phủ thiên tả ở Mỹ Latinh, chẳng hạn như Cuba, có lịch sử đứng về phía Palestine. Điều này khiến họ trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga. Tổng thống Colombia Gustavo Petro nói rằng các cuộc tấn công của Israel vào Gaza giống như những gì Đức Quốc xã đã làm với người Do Thái. Jerusalem đáp trả bằng cách ngừng xuất khẩu quốc phòng sang Columbia, bao gồm máy bay chiến đấu Kfir, thiết bị giám sát và súng trường tấn công. Columbia sau đó đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Jerusalem.

 

Trong khi đó, Chile đã lên án Israel và Belize kêu gọi giải pháp hai nhà nước. Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Palestine, Venezuela cũng vậy. Còn Ngoại trưởng Brazil Mauro Luiz Iecker Vieira ddaxx bày tỏ sự thất vọng trước đòn trả đũa của Israel. Ở phía bên kia của cuộc xung đột, Argentina và El Salvador lại ủng hộ Israel.

 

Ở châu Á, cả Indonesia và Malaysia đều đổ lỗi cho Israel. Cả hai quốc gia này đều không duy trì quan hệ ngoại giao với Israel. Pakistan, một quốc gia phụ thuộc khác của Trung Quốc, đã lên án các cuộc không kích của Israel. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Israel có quyền tự vệ nhưng họ cũng đang tiến hành viện trợ cho Gaza. Ireland thì cho rằng Israel đã vi phạm nhân quyền khi cắt điện và nước của Gaza. Na Uy cũng chỉ trích việc Israel phong tỏa Gaza. Và Nam Phi, một thành viên của nhóm BRICS (gồm các nền kinh tế mới nổi lớn: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lại đứng về phía người Palestine.

 

Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đang nỗ lực tăng cường quan hệ với miền Nam bán cầu nhằm phản đối trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Cả ông Putin và ông Tập đều không lên án Hamas. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cam kết hỗ trợ Israel, trong khi Thủ tướng Olaf Scholz đã chỉ trích phản ứng của ông Putin đối với cuộc chiến là “hoài nghi”.

 

Trung Quốc cho rằng hành động của Israel vượt quá khả năng tự vệ, trong khi Nga đã đổ lỗi cho Mỹ về số người chết ngày càng tăng ở Gaza. Chương trình phát sóng trên truyền hình nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh vào sự khốn khổ của người Palestine và miêu tả Mỹ và Israel là những kẻ gây ra cuộc xung đột.

 

Hầu như không có quốc gia nào bày tỏ thiện cảm với Palestine lại đồng ý chào đón người tị nạn Palestine. Ai Cập bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để xúc tiến viện trợ cho Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm chuẩn bị viện trợ cho Ai Cập.

 

Ai Cập và Jordan đều từ chối tiếp nhận người tị nạn. Ai Cập hiện đang cung cấp nơi trú ẩn cho 300.000 người tị nạn Sudan, vì vậy việc tiếp nhận thêm người tị nạn sẽ là một thách thức về mặt hậu cần. Đồng thời, Cairo tuyên bố rằng việc tiếp nhận những người tị nạn Palestine về cơ bản sẽ giúp Israel đuổi người Palestine ra khỏi lãnh thổ Gaza. Kết quả là, Ai Cập và Jordan sẽ trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan hoặc trở thành căn cứ hoạt động của những kẻ cực đoan - những người đang tiến hành các cuộc tấn công vào Israel - nhằm phá vỡ hòa bình khu vực.

 

Các cuộc tấn công vào các tiền đồn của Mỹ ở Syria và Iraq đã gia tăng đáng kể kể từ khi xung đột bắt đầu. Ba tên lửa và bốn máy bay không người lái do phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn phóng đã bị một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đang tuần tra gần Yemen đánh chặn. Hơn nữa, Hezbollah, một lực lượng dân quân khác được Iran hậu thuẫn, đã liên tục phóng hàng loạt tên lửa, khiến chính quyền Israel phải khuyến cáo dân thường sơ tán khỏi các địa điểm gần biên giới Lebanon.

 

Điều đáng chú ý là Hezbollah được xem là kẻ thù đáng gờm hơn Hamas. Nếu Hezbollah phát động một cuộc xâm lược hoặc tấn công, chiến tranh có thể sớm leo thang và có khả năng cần đến sự can dự của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo rằng sự hiện diện của Iran có thể khiến xung đột lan sang các nước láng giềng.

 

 

(Từ trái sang) Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị chụp ảnh nhóm với các nhà lãnh đạo khác tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/10/2023. (Ảnh: Suo Takekuma/Pool/Getty Images)

 

 

Tại Diễn đàn Vành đai và Con đường (BRI) diễn ra từ ngày 17/10 đến ngày 18/10, ông Tập và ông Putin đã bày tỏ quan ngại về tình hình của Palestine và kêu gọi giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, họ không đưa ra kế hoạch cụ thể để giải quyết xung đột hoặc cung cấp hỗ trợ cho người Palestine. Sự hiện diện của Taliban tại Diễn đàn BRI đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây, với cáo buộc rằng các chiến binh Taliban đang lên kế hoạch tham gia cùng Hamas trên chiến trường.

 

Có vẻ như Moscow và Bắc Kinh quan tâm đến việc Palestine tập trung vào việc thành lập liên minh chống lại Washington hơn là giải quyết cuộc xung đột Hamas - Israel một cách hòa bình.

 

Cuộc xung đột Hamas - Israel đã kéo Mỹ quay trở lại Trung Đông, khu vực mà Mỹ từng hy vọng rút lui. Sự tập trung mới vào khu vực Trung Đông này đang làm chệch hướng sự chú ý khỏi các lĩnh vực quan trọng khác, chẳng hạn như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như việc Mỹ xoay trục sang đối đầu với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng Hoa Kỳ hỗ trợ đồng thời cả ba xung đột cùng lúc, nhưng ngày càng có lo ngại rằng những xung đột này có thể hợp nhất thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn và có liên đới với nhau. Các quốc gia đang liên kết trên cả ba khu vực và xung đột, làm lu mờ ranh giới giữa chúng.

 

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net ; Huyền Anh biên dịch)