Hình ảnh cho thấy làn khói dày đặc bốc lên sau khi Israel ném bom Hamas ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 3/12/2023. (Khatib/AFP qua Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Các quan chức chính quyền của Tổng thống Biden đã dành nhiều tuần để soạn thảo một phương án hậu chiến gồm nhiều giai đoạn, phương án này dự kiến ​​việc tiếp quản Dải Gaza cuối cùng sẽ do Chính quyền Palestine 'hồi sinh' quản lý.

 

 

Mỹ: Gaza sẽ do Chính quyền Palestine 'hồi sinh' quản lý

Nhiều quan chức Mỹ tin rằng đây là lựa chọn tốt nhất trong số các kế hoạch không hoàn hảo cho Dải Gaza, nơi đã bị thiệt hại về cơ sở hạ tầng, hàng nghìn người chết và hơn 1,5 triệu người phải di dời trong cuộc chiến tranh Israel - Hamas. Nhưng điều đó cũng có thể gây ra sự bất đồng giữa Mỹ và chính phủ Israel.

 

Theo hai quan chức Mỹ cho biết, kể từ giữa tháng 10, các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng và các nơi khác đã đưa ra các phần của giải pháp trong nhiều văn bản thể hiện lập trường cũng như trong các cuộc họp liên cơ quan.

 

Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức chính quyền khác đã công khai tuyên bố rằng, một Chính quyền Palestine mới ‘hồi sinh’ sẽ quản lý dải đất này, nhưng họ chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về cách thức hoạt động.

 

Điều này đã vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trên thực tế ông Netanyahu đã loại trừ khả năng chính quyền Palestine phát huy tác dụng ở Gaza trong tương lai. Các quan chức Israel hầu như miễn cưỡng thảo luận về các chủ đề khác ngoài cuộc chiến đang diễn ra, cuộc chiến này được châm ngòi bởi cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào ngày 7/10 khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng.

 

Tuy nhiên, những chiến lược gia Hoa Kỳ đang xây dựng kế hoạch vẫn coi Chính quyền Palestine là lựa chọn khả thi nhất. Chính quyền này quản lý nhiều khu vực ở Bờ Tây nhưng từ lâu đã gây tranh cãi vì tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả.

 

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi có chính sách ưu tiên mạnh mẽ để Chính quyền Palestine đóng vai trò quản lý ở Gaza, nhưng nước này phải đối mặt với những thách thức lớn về tính hợp pháp và năng lực của mình”.

 

Tái thiết theo từng giai đoạn khi chiến tranh kết thúc

Giả xuất hiện rộng rãi từ các cuộc hội đàm nội bộ là, một khi cuộc giao tranh ác liệt giữa Israel và Hamas kết thúc, Gaza sẽ được xây dựng lại theo nhiều giai đoạn. Cần có một lực lượng quốc tế để ổn định khu vực này khi chiến tranh kết thúc, sau đó Chính quyền Palestine được tổ chức lại sẽ tiếp quản lâu dài.

 

Những quan chức này cho biết, các phần chính của kế hoạch này bao gồm tăng cường việc hỗ trợ của Hoa Kỳ liên quan đến an ninh cho Chính quyền Palestine và cho phép điều phối viên an ninh của Hoa Kỳ đóng vai trò lớn hơn.

 

Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden cho biết: “Cuối cùng, chúng tôi muốn thành lập một cơ quan an ninh của Palestine ở Gaza sau cuộc xung đột”.

 

Tất cả các quan chức đều được giấu tên để thảo luận về chủ đề nhạy cảm này. Họ nhấn mạnh rằng những ý tưởng được đề xuất vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều biến số khó lường. Các quan chức Mỹ dự đoán cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất vài tuần nữa.

 

Ai sẽ đóng vai trò tạm thời ổn định Gaza trong thời kỳ hậu chiến?

Mặc dù những người tham dự và các nhà phân tích trong khu vực nhìn chung đồng ý rằng Washington cần đóng một vai trò quan trọng trong thời kỳ hậu chiến, nhưng bất kỳ chiến lược nào của Mỹ cũng sẽ gặp phải nhiều trở ngại, bao gồm cả sự nghi ngờ của Israel và sự thất vọng của người Arab.

 

Ông Brett McGurk, một quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đang nỗ lực chỉ đạo lập kế hoạch. Ông Terry Wolff sẽ là người hỗ trợ ông McGurk trong công việc, ông Terry Wolff đã từng phục vụ trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hiện đang phục vụ Hội đồng An ninh Quốc gia.

 

Những nhân vậy tham gia chủ chốt khác bao gồm các quan chức có chức vụ quan trọng ở Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các bộ phận chịu trách nhiệm về các vấn đề Trung Đông và hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao, nhưng các bộ phận khác của chính phủ Hoa Kỳ cũng sẽ tham gia khi cần thiết.

 

Thử thách gai góc nhất hiện nay là xác định ai sẽ đóng vai trò ổn định Gaza trong giai đoạn chuyển tiếp sau chiến tranh.

 

Một quan chức Mỹ cho biết, trong khi các nước Arab tỏ ra do dự hoặc hoàn toàn không muốn gửi quân tới Gaza, nhưng trong một cuộc đối thoại gần đây, một số nước dường như thái độ cởi mở hơn với giải pháp này. Chính quyền Biden đã loại trừ việc gửi quân đội Hoa Kỳ tới Gaza. Một giải pháp được thảo luận rộng rãi là yêu cầu Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giúp tái thiết các cơ sở y tế hoặc đào tạo các công chức nhà nước.

 

Một quan chức Mỹ khác cho biết Liên Hợp Quốc có thể đóng một vai trò trong giai đoạn hậu chiến ở Gaza, ít nhất là trên mặt trận nhân đạo. Tuy nhiên, chính phủ Israel không thích Liên Hợp Quốc vì cho rằng tổ chức này có thành kiến ​​với người Israel.

 

Nước láng giềng Ai Cập có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng ở Gaza thời hậu chiến. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi kiến nghị thực hành việc phi quân sự hóa và tạm thời phái nhân viên an ninh quốc tế đến nhà nước Palestine trong tương lai, kiến nghị này đã lan rộng trong giới chính quyền Biden.

 

Thái độ của các bên liên quan

Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho biết: "Điều chưa biết lớn nhất là rốt cuộc Hamas sẽ còn lại gì ở Gaza". Ngay cả khi số lượng người của tổ chức này rất nhỏ, cơ hội tiếp cận vũ khí của họ có thể thay đổi đáng kể kế hoạch mà các quốc gia xem xét gửi quân.

 

Hoa Kỳ muốn các nhà cầm quyền Arab lên án Hamas một cách rõ ràng hơn. Nhiều nhà cầm quyền Arab coi thường tổ chức phiến quân Hồi giáo và coi đây là mối đe dọa tiềm ẩn đối với chính phủ của họ.

 

Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, trọng tâm của kế hoạch hiện tại là ổn định tình hình ở Gaza. Một trong những lý do khiến Tổng thống Joe Biden và các trợ lý của ông phản đối việc kêu gọi ngừng bắn lâu dài là vì họ ủng hộ Israel tiêu diệt Hamas, Washington coi Hamas là trở ngại chính cho giải pháp hai nhà nước.

 

Chính quyền Palestine hiện tại không được lòng nhiều người Palestine, nhiều người coi chính quyền này tham nhũng, xa rời hiện thực và yếu kém. Chính quyền Palestine, vốn đã không tổ chức bầu cử trong nhiều năm, được lãnh đạo bởi Mahmoud Abbas, 88 tuổi, nhưng ông ta vẫn chưa lên án rõ ràng các cuộc tấn công của Hamas.

 

Ông Abbas trước đây đã từng nói rằng, chính quyền Palestine sẽ không tiếp quản Gaza dưới sự yểm trợ của xe tăng Israel, điều này có nghĩa là chính quyền Palestine không muốn bị coi là một con rối.

 

Một quan chức Israel cho biết: "Cả hai chính phủ đều tin rằng Chính quyền Palestine ở hình thức hiện tại không thể quản lý Gaza. Một Chính quyền Palestine được hồi sinh và cải cách có thể làm được điều đó. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thảo luận về hình thức cải cách cụ thể”.

 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Chính quyền Palestine không phải là đối tác nghiêm túc trong việc tìm kiếm giải pháp hai nhà nước và điều đó thúc đẩy lòng căm thù của người Do Thái.

 

Trợ lý hàng đầu của ông Netanyahu, ông Ron Dermer, đã bác bỏ giải pháp về một nhà nước Palestine trong cuộc phỏng vấn với ABC News cuối tuần qua, nhưng ông cho biết người Palestine cuối cùng có thể đạt được một giải pháp chính trị.

 

Ông Dermer nói: “Tôi biết hiện tại mọi người đang tranh giành để cố gắng thành lập một nhà nước Palestine. Đối với người dân Israel, họ không thể hiểu được điều này bởi vì chúng tôi vừa phải hứng chịu thảm kịch tương đương với 20 vụ tấn công ngày 11/9”.

 

“Tôi cho rằng, điều cuối cùng bạn không muốn làm là gửi một thông điệp tới bất kỳ một tổ chức khủng bố nào rằng: Cách mà các ông sắp đạt được mục tiêu nào đó là thực hiện một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn”.

 

Các biến số liên quan

Khi chính quyền Tổng thống Biden lên kế hoạch cho tương lai, cũng đang tham khảo những ý kiến của các nhà phân tích bên ngoài, các nhà hoạt động xã hội dân sự và những người khác, một số người đã đưa ra cảnh báo về những cạm bẫy tiềm ẩn.

 

Đầu tiên, các quốc gia Arab trong khu vực thậm chí không đạt được sự thống nhất trong cách giải quyết tình hình thời hậu chiến và Hoa Kỳ muốn các quốc gia này tài trợ tài chính cho việc tái thiết.

 

Ngoài ra còn có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024. Nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng, họ có thể sẽ ủng hộ những giải pháp của Israel hơn, ngay cả khi điều đó khiến các đối tác Arab của Mỹ ở Trung Đông tức giận.

 

Các quan chức Mỹ đã gặp khó khăn trong việc đưa ra các lựa chọn vì có nhiều biến số liên quan.

 

 

Ông Brian Katulis, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Đông, một cơ quan nghiên cứu của Washington, kêu gọi các quan chức Mỹ tìm ra giải pháp giúp các quốc gia Arab tổ chức tốt hơn, để họ có lập trường rõ ràng hơn về phương hướng của cuộc xung đột.

 

Bài viết có tham khảo Politico

 

(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net, Lý Ngọc biên dịch)