Ảnh minh họa : Trí tuệ Nhân tạo. © CC0 Pixabay/Gerd Altmann
Hội nghị quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo diễn ra tại Paris từ ngày 06 đến 11/02/2025. Một chủ đề chính của hội nghị này là tìm kiếm phương thức phát triển Trí tuệ Nhân tạo bền vững, tiêu thụ ít năng lượng hơn và ít gây tổn hại cho môi sinh.
Theo ADEME (Cơ quan chuyển sang nền Kinh tế Xanh của Pháp), trong bối cảnh Liên Hiệp Âu Châu đang tụt hậu đáng kể so với Mỹ và Trung Quốc về công nghệ trí thông minh nhân tạo việc xây dựng các mô hình Trí tuệ Nhân tạo mới sẽ giúp mang lại « các lợi ích về môi sinh, kinh tế và chủ quyền » đối với khối 27 nước trong lĩnh vực này.
Đây là một thách thức rất lớn với Âu châu nói riêng và thế giới nói chung trong bối cảnh tiêu thụ năng lượng để phục vụ việc phát triển và sử dụng Trí tuệ Nhân tạo tăng vọt, thông tin về vấn đề này kém minh bạch và xu hướng cưỡng lại việc rời bỏ năng lượng hóa thạch đang gia tăng trở lại với việc tân chính quyền Mỹ nhiệm kỳ Donald Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.
Khí thải và năng lượng: Cái giá phải trả rất lớn
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, gồm khoảng 40 nền kinh tế phát triển, trong một báo cáo năm 2022 khẳng định nhân loại có thể tiến hành một « cuộc chuyển đổi kép » hướng sang nền kinh tế Xanh với việc phát triển các công nghệ kỹ thuật số cùng với các năng lượng tái tạo. Công nghệ kỹ thuật số với các sản phẩm và dịch vụ do Trí tuệ Nhân tạo cung cấp được kỳ vọng sẽ cho phép sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Thư ký điều hành của Công ước Khung về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc Simon Stiell, trong một phát biểu tại Hội nghị COP28 về Khí hậu năm 2023, tỏ ra tin tưởng : « ngày càng có nhiều bằng chứng hiển nhiên về việc Trí tuệ Nhân tạo có thể là một công cụ quý giá với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ».
Tuy nhiên, kỳ vọng nói trên không dễ trở thành hiện thực. Lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm Trí tuệ Nhân tạo, trong hiện tại vốn đã chịu trách nhiệm khoảng 4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu hàng năm, tương đương gấp hai lần lượng khí thải của Canada. Trong những năm gần đây, mức năng lượng sử dụng của các tập đoàn kỹ thuật số tăng vọt. Microsoft tăng 30% năng lượng sử dụng từ 2020 đến 2023, Google tăng 48% trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2023.
Các tập đoàn đoàn công nghệ số thừa nhận là Trí tuệ Nhân tạo, vốn đòi hỏi những khối lượng tính toán khổng lồ, sẽ dẫn đến việc sử dụng nhiều năng lượng gấp bội. Theo một báo cáo mới đây của bộ Năng Lượng Mỹ, từ đây đến năm 2028, các trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tiêu thụ đến 12% tổng lượng điện quốc gia so với chỉ vài phần trăm như hiện nay.
Trí tuệ Nhân tạo và năng lượng hóa thạch sẽ nở rộ trong những năm tới. Ngay từ ngày đầu nhậm chức, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bốn sắc lệnh thúc đẩy phát triển năng lượng hóa thạch, và rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, và ngày hôm sau công bố dự án Stargate, phát triển các cơ sở hạ tầng cho Trí tuệ Nhân tạo, với tổng đầu tư lên đến 500 tỉ đô-la.
« Trí tuệ Nhân tạo » ngốn rất nhiều năng lượng
Theo giới chuyên gia, các « mô hình ngôn ngữ lớn » (Large Language Models - LLM), được phần mềm đối thoại Trí tuệ Nhân tạo ChatGPT (của OpenAI), Gemini (của Google/DeepMind) hay « các mô hình trí tuệ nhân tạo sinh hình ảnh » như Midjourne, trong một thời gian ngắn đã trở thành các công cụ không thể thay thế đối với nhiều công ty Trí tuệ Nhân tạo. Các « mô hình ngôn ngữ lớn » đòi hỏi không chỉ các cơ sở lưu trữ dữ liệu lớn hơn mà cả các cơ sở hạ tầng tính toán ngày càng mạnh hơn, có nghĩa là tốn nhiều năng lượng hơn.
Quan điểm cho rằng « mô hình càng lớn thì càng tốt » đang trở thành mô hình thống trị. Sự xuất hiện của start-up Trung Quốc DeepSeek, hồi cuối tháng 1/2025, ngay lập tức gây ấn tượng, tỏ ra vượt mặt các tập đoàn Mỹ về nhiều phương diện. Sự kiện này đang trở thành tác nhân kích phát cuộc chạy đua Trí tuệ Nhân tạo. Mà đối với Hoa Kỳ, điều có nghĩa là phát triển mạnh hơn nữa « các siêu máy tính », ngốn nhiều năng lượng. Việc chính quyền Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris, khiến nhiều tập đoàn Mỹ không còn bị giới hạn trong việc buộc phải tôn trọng các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Điện, Nước, Khoáng sản...: Những tổn hại khổng lồ chưa được minh bạch hóa và nguy cơ xung đột xã hội
Trí tuệ Nhân tạo mang lại nhiều hứa hẹn, như có thể giúp sử dụng tối ưu các nguồn lực với nền nông nghiệp « chính xác cao », cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của xe cộ, tạo ra các vật liệu mới cho phép nhà cửa thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, trước mặt Trí tuệ Nhân tạo đang là một hiểm họa ngày càng lớn cho khí hậu và môi trường.
Việc sử dụng điện gia tăng cho lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số nói chung và Trí tuệ Nhân tạo nói riêng ở những nước như Ireland, với các trung tâm dữ liệu mọc lên như nấm, trong năm tới sẽ tương đương với lượng điện sử dụng cho lĩnh vực nhà ở. Maxime Efoui-Hess, người phụ trách chương trình kỹ thuật số Shift Project, nhấn mạnh : như vậy sẽ phải có sự lựa chọn giữa dành điện cho nhà ở hay cho một trung tâm dữ liệu?
Theo giới chuyên gia, nếu không có các quy định nghiêm ngặt, Trí tuệ Nhân tạo đòi hỏi nhiều tài nguyên khác, như nước, được sử dụng làm lạnh các trung tâm dữ liệu và đặc biệt là các trung tâm tính toán, và các kim loại hiếm được sử dụng để sản xuất chip điện tử, có thể dẫn đến các xung đột xã hội.
Lối thoát : Các mô hình « trí tuệ nhân tạo » ít năng lượng và xây dựng tập quán tiết kiệm
Tình hình không phải là không có giải pháp. « Quy mô khổng lồ của Trí tuệ Nhân tạo » ngày càng nở rộ không phải là một định mệnh, theo Sylvain Waserman, tổng giám đốc cơ quan Chuyển đổi sang kinh tế Xanh của Pháp, ADEME. Theo một số chuyên gia, ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo DeepSeek của Trung Quốc vừa trình làng cách nay hai tuần cho thấy mô hình tiêu thụ ít năng lượng và tài nguyên là điều có thể. Người phụ trách dự án kỹ thuật số Shift Project, cũng lưu ý là sáng kiến mới này có khả năng không đủ để bù lại, hay hạn chế các tác động môi trường của Trí tuệ Nhân tạo.
Để tránh tình hình vượt tầm kiểm soát, cơ quan ADEME của Pháp khuyến cáo phổ biến mô hình khác hẳn với mô hình thống trị hiện nay, đó là các mô hình Trí tuệ Nhân tạo nhỏ hơn nhiều, với các mục tiêu chuyên biệt hơn nhiều, có nghĩa là có khả năng tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với các mô hình lớn đa chức năng như hiện nay.
Bên cạnh đó ADEME cũng khuyến cáo việc hình thành tập quán sử dụng AI có trách nhiệm, có nghĩa là sử dụng chỉ khi thực sự cần thiết. Nếu không cần, có thể thay thế bằng các tìm kiếm thông thường, chẳng hạn với các dịch vụ như của Google, vốn đòi hỏi năng lượng ít hơn rất nhiều lần.
(Theo RFI)