Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử tại Nhà hát Opera Rochester vào ngày 21/1/2024 ở Rochester, New Hampshire. (Ảnh của Alex Wong/Getty Images)
QUỐC TẾ - Ngày 16/2 giờ địa phương Mỹ, cựu tổng thống Trump bị toà án ở New York phạt khoảng 350 triệu đô-la Mỹ. Hơn nữa, trong vòng 30 ngày, ông Trump phải giao nộp số tiền này. Đây là một số tiền rất lớn.
Thông thường, những người giàu có (ví dụ như Elon Musk) thường không có nhiều tiền mặt trong tay, bởi vì họ thường lấy tiền để đầu tư. Việc ông Trump phải huy động số tiền 350 triệu đô-la Mỹ trong 30 ngày thì đây hầu như là điều không thể.
Thẩm phán phán quyết ông Trump là ông Arthur Engoron đã nói rằng: Ông Trump đã thổi phồng tài sản của mình để lừa ngân hàng, công ty bảo hiểm và các cơ cấu khác. Ví dụ như bất động sản Mar-a-Lago ở Florida, thẩm phán Engoron cho rằng nó chỉ có giá 18 triệu đô-la Mỹ, nhưng ông Trump thì cho rằng giá của nó phải gấp 50 đến 100 lần.
Thẩm phán Engoron ngoài việc phạt ông Trump 350 triệu đô-la Mỹ, ông còn cấm ông Trump và con trai ông Trump - Eric Trump đảm nhiệm vị trí điều hành tại các công ty ở New York.
Vụ án này tồn tại vài vấn đề nghiêm trọng, nếu nhìn vào bản chất thì đây là một vụ bức hại chính trị với nạn nhân là ông Trump.
Trong chương trình 'Chính luận thiên hạ' đăng ngày 17/2, nhà bình luận các vấn đề thời sự - Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận sự việc của ông Trump như sau.
3 vấn đề trong vụ toà án New York xét xử ông Trump
Ở Mỹ có nhiều người giàu cũng vay tiền để gia tăng đòn bẩy. Tuy rằng việc gia tăng đòn bẩy có rủi ro nhưng có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Việc vay tiền cần tài sản thế chấp, mà ông Trump là ông trùm bất động sản, cho nên tài sản thế chấp của ông Trump đương nhiên là bất động sản.
Bất động sản này rốt cuộc được thế chấp bao nhiêu? Trên thực tế là xem giá trị trường hoặc là do công ty định giá quyết định chứ không phải do ông Trump quyết định. Nhưng Tổng chưởng lý New York là bà Letitia James lại đệ đơn kiện nói rằng ông Trump thổi phồng tài sản để vay được nhiều tiền hơn từ ngân hàng.
Toàn bộ vụ xét xử này có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, bà Letitia James (người đệ đơn kiện ông Trump) là nhờ tranh cử mà lên được chức Tổng chưởng lý. Ở New York có một số chức vụ công là nhờ tranh cử mà lên, cho dù đó là chức vụ liên quan đến pháp luật. Thẩm phán ở địa phương được bầu lên, không phải cần giấy phép tư pháp hay là phải qua kỳ thi lấy bằng luật sư v.v.
Tổng chưởng lý Letitia James cũng là người được bầu lên. Khẩu hiệu khi tranh cử của bà là 'khởi kiện ông Trump, những thứ khác không quan trọng'. Điều này có nghĩa là bà James có tồn tại thiên kiến với ông Trump, cho nên bà sẽ không đứng về phía công bình chính nghĩa để suy xét. Đây là điểm kỳ lạ thứ nhất, bà Tổng chưởng lý đã thông qua phương thức của tư pháp để tiến hành bức hại chính trị đối với ông Trump.
Thứ hai, vụ xét xử vụ án này không thông qua chế độ bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn gồm 12 công dân phổ thông chưa thông qua đào tạo pháp luật, chưa từng phạm tội, không phân biệt chủng tộc, không có quan hệ lợi ích với bị cáo, v.v. 12 người này sẽ nghe biện luận của hai bên, sau đó đưa ra quyết định bị cáo có tội hay vô tội. 12 người này phải đồng thời cho rằng bị cáo có tội thì bị cáo mới có tội.
Nhưng trong lần xét xử lần này, toà án New York không có chế độ bồi thẩm đoàn, không để 12 người phán quyết ông Trump có tội hay vô tội, mà chỉ để một thẩm phán quyết định ông Trump là người có tội. Đây là điểm bất thường thứ hai.
Thứ ba, trong vụ án này không có người bị hại. Ví dụ như ông Trump có bất động sản 100 triệu đô-la Mỹ, ông mượn ngân hàng 70 triệu đô-la Mỹ. Nhưng vì một lý do nào đó, bất động sản của ông Trump chỉ trị giá 10 triệu đô. Lúc đó ông Trump phá sản, còn ngân hàng bị nợ xấu, chí ít ngân hàng cũng bị tổn hại.
Trên thực tế, ông Trump trả hết các khoản vay, ngân hàng vui vẻ, nhưng ông Trump lại bị kết tội. Đây là điểm bất thường thứ ba trong vụ xét xử ông Trump.
Thẩm phán xét xử ông Trump là ông Engoron đã viết 92 trang phán xét, trong đó nói rằng: Ông Trump rất ít trả lời các vấn đề mà ông Engoron đề xuất. Ông Trump (trong một số tình huống) từ chối trả lời, điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến tính 'khả tín' (đáng tin) của ông Trump.
Việc thẩm phán Engoron phán quyết ông Trump bằng cách nói 'tôi không tin ông', bản thân việc này đã là có vấn đề. Vấn đề then chốt ở đây là ông Trump có quyền im lặng. Bởi vì trước khi phán quyết có tội, thì người ấy là vô tội. Người vô tội có quyền im lặng, điều này được ghi trong hiến pháp Mỹ, họ cũng không cần phải nói để chứng minh họ vô tội. Cho nên lý do phán quyết ông Trump của thẩm phán toà án New York vô cùng kỳ lạ.
Hơn nữa, những bằng chứng đưa ra để chống lại ông Trump có đáng tin hay không vẫn là một dấu chấm hỏi.
Sự việc này trên thực tế đã làm tổn hại rất lớn đến chính trị, pháp trị và thương mại của nước Mỹ. Nói cách khác là 'vũ khí hoá' pháp luật để tấn công người khác.
Đối thủ chính trị của ông Trump có thể thông qua việc khởi tố mà tạo thành tổn thất kinh tế nghiêm trọng đối với ông Trump. Lúc này, pháp luật đã mất đi sự tin tưởng của mọi người. Khi người ta không còn tin pháp luật và khi pháp luật không còn đảm bảo sự công chính cho mọi người thì không ai dám làm ăn. Bởi vì tiền người ta kiếm được có thể bị mất đi bất cứ lúc nào. Khi không có pháp luật thì không có điều gì được đảm bảo.
Đây là một số nhìn nhận của Giáo sư Chương về việc ông Trump bị phạt 350 triệu đô-la Mỹ.
Ông Putin thách thức tư duy của người xem.
Trong thời gian Tết Nguyên Đán, khoảng ngày 9/2, nguyên người dẫn chương trình của Fox News là ông Tucker Carlson đã có cuộc phỏng vấn tổng thống Nga Putin kéo dài khoảng hai tiếng.
Theo ghi nhận, video cuộc phỏng vấn đạt 100 triệu view chỉ trong 14 giờ trên nền tảng Twitter.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin nói: Sở dĩ Hitler tấn công Ba Lan là do Ba Lan từ chối thoả hiệp với Hitler, cho nên Hitler đành phải tấn công Ba Lan.
Trong chương trình 'Chính luận thiên hạ' đăng ngày 15/2, Giáo sư Chương đã phản biện những góc nhìn của ông Putin như sau.
Là một chuyên gia lịch sử, Giáo sư Chương đánh giá, không biết vì sao ông Putin lại nói những điều không có tính thường thức lịch sử nào cả. Bởi vì nếu việc Ba Lan không muốn đầu hàng Hitler trở thành cái cớ để Hitler tấn công Ba Lan thì điều này không hợp lý. Vì sao?
Thứ nhất, khi Hitler tấn công Ba Lan từ phía Tây thì Stalin (của Liên Xô) cũng đồng thời tấn công Ba Lan từ phía đông. Vậy thì chẳng lẽ Ba Lan để cả Đức quốc xã và Liên Xô cùng tấn công lãnh thổ mình hay sao? Cho nên ông Putin nói điều trên điều không có đạo lý.
Thứ hai, ông Putin nói 'Hitler tấn công Ba Lan là vì Ba Lan không muốn phục tùng', ý tứ là 'tôi tấn công Ukraine là vì Ukraine không muốn phục tùng'. Vậy thì ông Putin đã coi mình giống Hitler. Ông Putin đặt mình như Hitler, vậy tại sao lại chỉ trích Ukraine là phát xít, ông còn nói 'đánh Ukraine là để loại bỏ chủ nghĩa phát xít...'.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin còn nói: Khi tôi làm tổng thống vào năm 2000 đã có gặp tổng thống Bill Clinton. Khi đó ông Putin hỏi: Bill, ông nghĩ sao nếu Nga gia nhập NATO? Ông nghĩ điều này sẽ xảy ra không? Ý ở ngoài lời là Nga muốn gia nhập NATO.
Sau đó ông Clinton trả lời: Điều này rất thú vị. Khi nói chuyện với người Mỹ, người Mỹ hễ nói interesting thì ý của người Mỹ đại khái là 'được rồi, được rồi, tôi không muốn nghe nữa'. Khi ông Clinton nói 'điều này rất thú vị' thì trên thực tế là sự từ chối nhẹ nhàng.
Khi hai nguyên thủ ăn tối với nhau, thì ông Clinton nói với ông Putin rằng: 'Tôi đã nói chuyện với nhóm của tôi, hiện nay chưa thể được'.
Lúc này xuất hiện một vấn đề, đó là khi ông Putin nói 'Nga đánh Ukraine là do Ukraine muốn gia nhập NATO. Nga phản đối NATO mở rộng về phía đông' thì ông Putin phản đối NATO mở rộng về phía Đông. Vậy thì tại sao ông Putin lại muốn gia nhập NATO? Đây là một mâu thuẫn trong cách nói của ông Putin.
Lúc đó ông Tucker Carlson rất bất ngờ, hỏi lại ông Putin rằng 'Are you serious? Ông nghiêm túc chứ? Ông muốn gia nhập NATO sao?'. Ông Putin trả lời: 'Câu trả lời tôi nhận được là không'. Ông Putin không trả lời trực tiếp là 'tôi có muốn gia nhập NATO hay không', mà ý ông Putin là 'họ không muốn cho tôi gia nhập'.
Ông Tucker Carlson hỏi tiếp: 'Nếu họ đồng ý thì ông có gia nhập không?'. Ông Putin trả lời: 'Nếu họ đáp ứng thì quá trình hoà giải sẽ bắt đầu, nhưng nó đã không xảy ra'.
Ở đây ngoài điểm mâu thuẫn đã đề cập ở trên như là 'vừa muốn gia nhập NATO, vừa phản đối NATO mở rộng về phía Đông' thì còn một điểm nữa đó là: Putin nói 'họ không chấp nhận tôi, cho nên tôi không gia nhập, sau đó tôi phản đối NATO mở rộng về phía Đông'.
Có thể một số người cho rằng: Năm đó nếu ông Clinton đồng ý để ông Putin gia nhập NATO thì chẳng phải mọi chuyện đã xong rồi sao? Nhưng sự việc không đơn giản như vậy.
Việc gia nhập NATO không phải do ông Clinton quyết định. Nếu muốn gia nhập NATO thì mỗi quốc gia thành viên trong liên minh NATO phải đồng ý thì nước ấy mới được gia nhập.
Vì sao phải chờ mỗi quốc gia trong liên minh NATO đồng ý thì nước ấy mới được vào? Bởi vì NATO là hiệp ước phòng thủ chung, nếu một quốc gia bị tấn công thì tương đương với tất cả các quốc gia trong liên minh NATO bị tấn công. Lúc này mỗi quốc gia phải có nghĩa vụ sát cánh cùng chiến đấu với quốc gia bị tấn công. Vì một quốc gia mà tất cả các quốc gia phải tham chiến, cho nên việc cho phép một quốc gia nào gia nhập là một việc vô cùng nghiêm túc.
Khi Nga gia nhập NATO, vậy thì nếu Nga xảy ra xung đột với các nước khác, các nước khác – trong liên minh NATO - sẽ không muốn chiến đấu vì nước Nga. Điều này có nghĩa là không phải NATO không muốn cho Nga gia nhập, cũng không phải Mỹ đồng ý là được, mà nhất định phải được tất cả các quốc gia đồng ý mới được.
Một điều kiện nữa, đó là vị trí Bộ trưởng Quốc phòng phải do 'quan văn' đảm nhiệm, chứ không phải do 'quan võ' (quân nhân) đảm nhiệm. Không thể để một người hiếu chiến làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Một điều kiện nữa là quốc gia đó và quốc gia bên cạnh không có tranh chấp lãnh thổ. Bản thân Nga có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, đó là 4 hòn đảo phía Bắc của Hokkaido. Nga có rất nhiều tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã từ bỏ lãnh thổ của mình. Nga còn có tranh chấp lãnh thổ với Ukraine và Georgia... Những tranh chấp này chưa giải quyết thì Nga chưa thể gia nhập NATO.
Sau đó NATO còn có yêu cầu về cơ cấu và trang bị của lực lượng vũ trang phải phù hợp với tiêu chuẩn của NATO.
Một điều rất quan trọng nữa, đó là mối quan hệ giữa các dân tộc trong nước và vấn đề nhân quyền phải lành mạnh, phải tăng cường đối thoại và hợp tác chính trị giữa các đảng phái, phải duy trì được cục diện chính trị ổn định, lâu dài ở trong nước.
Ngoài ra, quốc gia đó còn phải trấn áp phần tử tham nhũng hủ bại và tội phạm có tổ chức.
Chúng ta biết rằng Nga là đại quốc năng lượng, các nhà tài phiệt Nga đều cấu kết với chính phủ.
Ông Putin muốn gia nhập NATO, nhưng người khác không muốn cho gia nhập thì phải làm sao? Phải làm mình phù hợp với tiêu chuẩn để gia nhập.
Ông Putin nói 'người khác không muốn cho tôi gia nhập', nhưng nguyên nhân đằng sau là gì? Nga có muốn gia nhập, có nỗ lực từng bước để gia nhập hay không? Cho nên đây không phải là vấn đề của người khác mà là vấn đề của Nga.
(Theo ntdvn.net)