Trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Geneva vào ngày 12/4/2018. (Fabrice Coffrini / AFP / Getty Images)
Phía Úc lập luận: “Trung Quốc bắt đầu điều tra mà không có đủ bằng chứng, Trung Quốc không kiểm tra hoặc xem xét tính chính xác và đầy đủ của các bằng chứng được cung cấp trong đơn, và Trung Quốc đã không từ chối đơn hoặc chấm dứt điều tra ngay lập tức do thiếu bằng chứng…”.
Canada và Nga sẽ tham gia cùng đại diện của Úc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với lý do lo ngại về một phán quyết có thể sẽ phân chia rộng hơn đối với thị trường lúa mạch toàn cầu.
Vào tháng 5/2020, ĐCSTQ đã áp đặt 80% mức thuế đối với hàng nhập khẩu lúa mạch của Úc như một phần của cuộc điều tra đang tiến hành về cáo buộc “bán phá giá” lúa mạch vào thị trường địa phương.
Thuế quan được đưa ra không lâu sau khi Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye tại Canberra cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm tàng đối với nước Úc, sau khi chính phủ Úc Đại Lợi kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus Trung Cộng gây ra đại dịch COVID-19.
Các quan chức nước Úc đã cố gắng đàm phán trong nhiều tháng nhưng thậm chí không thể liên lạc được với các đối tác Trung Quốc.
Vào tháng 12/2020, Bộ trưởng Thương mại Úc lúc bấy giờ là ông Simon Birmingham thông báo, nước này sẽ phát động một cuộc tranh chấp chính thức thông qua WTO.
Canada cho biết họ có “lợi ích đáng kể” trong các cuộc tham vấn do có tiếp xúc nhiều với thị trường Trung Quốc. Đây là một trong năm quốc gia xuất khẩu lúa mạch hàng đầu trên toàn cầu.
Nông dân John Magill kiểm tra cây lúa mạch ở Parkes, Úc, trong trang trại của mình vào ngày 25/10/2006. (Ian Waldie / Getty Images)
Trong bản đệ trình của mình, phía Canada nêu rõ: “Với khối lượng giao thương lúa mạch đáng kể giữa Úc và Trung Quốc, các biện pháp phòng vệ thương mại của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu đối với [thị trường] lúa mạch nói chung, bao gồm cả tác động đối với lúa mạch của Canada”.
Nước này cho biết: “[Tổng sản lượng] xuất khẩu lúa mạch hàng năm trên toàn cầu của Canada trong năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt đạt trị giá 531 triệu CAD (khoảng 9,58 nghìn tỷ VNĐ), 683 triệu CAD (khoảng 12,32 nghìn tỷ VNĐ) và 700 triệu CAD (khoảng 12,63 nghìn tỷ VNĐ), trong đó xuất khẩu của Canada sang Trung Quốc chiếm 71,7% tổng xuất khẩu lúa mạch của nước này trong giai đoạn nói trên”.
Về phía Nga, nước này cho biết họ có "lợi ích thương mại đáng kể và lợi ích pháp lý có hệ thống" trong các cuộc tham vấn. Tổng sản lượng xuất khẩu lúa mạch của quốc gia này chiếm 11% lượng xuất khẩu lúa mạch toàn cầu.
Bản đệ trình lên WTO của Úc Đại Lợi đã trích dẫn hơn 30 vấn đề khác nhau về cách các nhà chức trách Trung Quốc xử lý cuộc điều tra chống bán phá giá và việc thực thi thuế quan.
Trong bản đệ trình của mình, đại diện Úc nêu rõ: “Trung Quốc đã định nghĩa không chính xác sản phẩm đang được xem xét và cũng định nghĩa không chính xác các sản phẩm tương tự".
Phía Úc lập luận: “Trung Quốc bắt đầu điều tra mà không có đủ bằng chứng, Trung Quốc không kiểm tra hoặc xem xét tính chính xác và đầy đủ của các bằng chứng được cung cấp trong đơn, và Trung Quốc đã không từ chối đơn hoặc chấm dứt điều tra ngay lập tức do thiếu bằng chứng…”.
Bản đệ trình nhấn mạnh: "Trung Quốc đã không cung cấp cho tất cả các bên quan tâm cơ hội đầy đủ để bảo vệ lợi ích của họ".
Các động thái mới nhất tiếp tục thúc đẩy cuộc thương chiến đang diễn ra do Bắc Kinh khởi phát chống lại nước Úc, nhắm tới các ngành công nghiệp thịt bò, thịt cừu, rượu vang, lúa mạch, tôm hùm, than, gỗ và bông.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu của Úc đã nhanh chóng chuyển hướng tập trung sang các thị trường khác nhau, bao gồm Nhật Bản, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trên thực tế, trong tháng 12/2020, nước Úc có thặng dư thương mại hàng tháng cao thứ 4 trong lịch sử giao thương của nước này từ trước đến nay.
Trong khi đó, các Bộ trưởng Úc đã giữ vững lập trường mạnh mẽ khi đối phó với nhiều mối đe dọa và sự can thiệp chính trị từ phía ĐCSTQ.
(Theo ntdvn.com)