Toàn cầu ghi nhận 8.749.211 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra, trong đó có 461.803 người đã tử vong và 4.619.651 trường hợp được bình phục.  

 

 

 

Cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới tính đến 7h ngày 20/6 (GMT+7). (Nguồn: Worldometers).

 

 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 19/6 cảnh báo đại dịch Covid-19 hiện ở trong “một giai đoạn mới và nguy hiểm” với số ca bệnh mới tăng mạnh cùng lúc người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, ông Tedros đã hối thúc các quốc gia và người dân duy trì sự cảnh giác cao độ bởi số ca bệnh mới được báo cáo lên WHO đã lên đến mức kỷ lục mới.

 

 

Người đứng đầu WHO cho hay: “Đại dịch đang lan nhanh. Hơn 150.000 nghìn ca mắc Covid-19 mới đã được báo cáo lên WHO trong hôm qua (18/6) và đây là con số cao nhất trong vòng 1 ngày được ghi nhận tới nay”. Cũng theo ông Tedros, gần một nửa trong số những ca bệnh này được báo cáo từ các nước châu Mỹ, trong khi Nam Á và Trung Đông cũng ghi nhận rất nhiều ca bệnh mới.

 

Ông Tedros nhấn mạnh: “Thế giới đang ở trong một giai đoạn mới và nguy hiểm. Nhiều người có thể thông cảm được là đang mệt mỏi vì phải ở nhà. Các quốc gia có thể thông cảm được là đang nóng lòng mở cửa trở lại xã hội và nền kinh tế… Tuy nhiên, virus vẫn đang lây lan nhanh chóng, nó vẫn nguy hiểm chết người và phần lớn người dân vẫn dễ mắc bệnh”.

 

 

 

* Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới. Nhiều tiểu bang nước Mỹ ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục, làm dấy lên lo ngại về một đợt dịch bệnh bùng phát trở lại và trở nên khó kiểm soát .

Ngày 19/6, ba tiểu bang của Mỹ là Arizona, Texas và Florida đều ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới cao kỷ lục trong ngày, phá vỡ các mức kỷ lục được thiết lập vào các ngày trước đó. Tiểu bang Arizona đã ghi nhận 3.246 trường hợp mắc Covid-19 mới vào sáng cùng ngày, cao hơn mức kỷ lục 2.519 ca vào ngày 18/6.

 

Trong khi đó, số ca mắc mới tại tiểu bang Texas là 3.516 người vào tối ngày 18/6, tăng hơn mức cao kỷ lục 3.129 trường hợp vào ngày 17/6. Tiểu bang Florida cũng ghi nhận 3,822 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 19/6, mức tăng cao nhất trong ngày của tiểu bang này, vượt qua mức kỷ lục 3.207 trường hợp hôm 18/6.

 

Việc gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong ngày tại 3 tiểu bang trên khiến giới chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại rằng dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại và trở nên khó  kiểm soát tại các tiểu bang này. Cựu giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb nhận định những tiểu bang này đang ở thời điểm bắt đầu mất kiểm soát, tuy nhiên vẫn có 1-2 tuần để đưa ra các biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch.

 

Trong khi đó, theo thống đốc các tiểu bang, sự gia tăng số ca mắc mới là do số lượng xét nghiệm tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công lưu ý rằng tỉ lệ xét nghiệm dương tính cũng tăng và đây là một dấu hiệu cho thấy sự lây lan của dịch đang gia tăng. Ngoài ra, một dấu hiệu khác cũng cho thấy sự bùng phát trở lại của dịch bệnh là tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cũng gia tăng ở tiểu bang Arizona và Texas.

 

 

Dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp tại Mỹ khi hầu hết các tiểu bang đang bước vào giai đoạn 2 mở cửa nền kinh tế.

 

Ngày 19/6, Thị trưởng thủ đô Washington D.C. Muriel  Bowser thông báo khu vực District of Columbia sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn 2 mở cửa trở lại từ ngày 22/6. Theo kế hoạch chi tiết, các trường học có thể mở lại một phần với ưu tiên dành cho một số đối tượng học sinh và mỗi lớp không quá 10 học sinh. Các trường cao đẳng và đại học có thể mở cửa theo kế hoạch đã được phê duyệt. 


Thủ đô Washington đã ghi nhận sự sụt giảm các ca mắc mới Covid-19 trong vòng 14 ngày liên tiếp.Thành phố đã có dịch vụ xét nghiệm kháng thể cho cư dân. Những người không có triệu chứng nhưng đã từng tiếp xúc với các nguồn bệnh có thể kiểm tra để xem có kháng thể hay không.

 

 

Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch toàn quốc nhằm kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, sau khi một đợt dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát tại một chợ đầu mối ở Bắc Kinh mà các chuyên gia cho rằng có những điểm tương đồng với chủng ở châu Âu. 

 

Theo quan chức Zhang Yong thuộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc, những phát hiện ban đầu cho thấy chủng virus này "tới từ châu Âu", song khác với virus đang lây lan tại đây. Ông Zhang Yong cũng nêu ra khả năng chủng virus này ẩn nấp trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu hoặc từ chính chợ đầu mối, chính vì vậy mang những nét tương đồng so với những chủng cũ. Virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên thớt sử dụng để xử lý cá hồi nhập khẩu tại chợ. 

 

Bắc Kinh ngày 19/6 khuyến cáo công dân bỏ hải sản đông lạnh và các sản phẩm đậu được mua từ chợ Tân Phát Địa. Giới chức Bắc Kinh đã tiến hành xét nghiệm cho hàng trăm nghìn người trong khi các khu vực lân cận đã bị phong tỏa, trường học đóng cửa nhằm tránh một đợt dịch Covid-19 thứ hai.

 

Ngày 19/6, có thêm 25 ca nhiễm được ghi nhận tại Thủ đô Bắc Kinh, nâng tổng số ca nhiễm tính từ tuần trước lên thành 183 người.

 

* Sau gần 4 tháng bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, số ca nhiễm mới tại Brazil vẫn tiếp tục xu hướng tăng và đến nay tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại quốc gia Nam Mỹ này đã vượt qua con số 1 triệu người cho dù theo đánh giá của các chuyên gia thì thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn đỉnh dịch.

 

Số liệu cập nhật ngày 19/6 của một nhóm các tờ báo lớn nhất Brazil cho biết, hiện quốc gia Nam Mỹ đã ghi nhận 1.009.699 ca mắc Covid-19, trong đó có 48.427 trường hợp tử vong, tiếp tục là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về cả số ca nhiễm bệnh và tử vong, chỉ sau Mỹ.

 

Nhóm các tờ báo lớn nhất Brazil đã thống nhất hợp tác thu thập dữ liệu trực tiếp từ cơ quan y tế của 27 bang trên cả nước để công bố tới công chúng sau khi chính phủ liên bang thay đổi cách thống kê và thông báo về tình hình dịch bệnh khiến dư luận nghi ngờ có về tính minh bạch.

 

 

 

Theo thông báo, số liệu về tình hình dịch Covid-19 có sự gia tăng đột biến do một số địa phương gặp trục trặc trong việc cập nhận số liệu vào hệ thống của cơ quan y tế địa phương trong những ngày gần đây và đến nay mới thực hiện được. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm bệnh tại Brazil có thể còn cao gấp nhiều lần so với thực tế do nước này không đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm với số lượng lớn như hiện nay.

 

Mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, song phần lớn chính quyền các địa phương tại Brazil đã bắt đầu các bước nới lỏng biện pháp cách ly xã hội bắt buộc được áp dụng từ giữa tháng 3 để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Một số địa phương đã cho mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và cửa hàng, trong khi ngành công nghiệp cũng bắt đầu sản xuất trở lại.

 

Tại Rio de Janeiro, các trận đấu bóng đá thuộc giải vô địch Carioca cũng được phép tổ chức trở lại cho dù không có khán giả. Đây là giải đấu bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên tại Nam Mỹ được nối lại kể từ khi bị tạm dừng do ảnh hưởng của Covid-19.

 

 

* Hãng tin Reuters ngày 18/6 cho biết, cựu Tổng thống Cộng hòa Chuvashia thuộc Nga Mikhail Ignatiev vừa qua đời vì bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

 

Dẫn lời ông Oleg Nikolaiev, quyền Tổng thống nước Cộng hòa này khẳng định: "Tôi đã có được sự xác nhận về điều này thông qua các kênh chính thức". Cuối tháng 5 vừa qua, ông Ignatiev, 59 tuổi, đã phải nhập viện ở thành phố St. Petersburg vì tổn thương nghiêm trọng 2 bên phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra.

 

Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh chấm dứt quyền hạn của người đứng đầu Cộng hòa Chuvashia, Mikhail Ignatiev với lý do "làm mất niềm tin". Ông Ignatiev, người đã lãnh đạo Cộng hòa Chuvashia gần 10 năm (từ 8/2010 đến 1/2020) cũng đã bị đảng Nước Nga thống nhất khai trừ. Sau đó, có tin ông Ignatiev đã kiện sắc lệnh trên của Tổng thống Putin ra Tòa án Tối cao Nga.

 

Giám đốc nhà máy sản xuất thuốc thành phẩm ở Yaroslavl (chi nhánh của R-Pharm), ông Vladimir Kolyshkin ngày 19/6 cho biết, thuốc Coronavir điều trị các dạng nhiễm virus SARS-CoV-2 thể nhẹ sẽ được tung ra thị trường với số lượng khoảng 150.000 gói vào tháng 7.

 

Báo cáo trong cuộc họp có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Kolyshkin khẳng định: “Thuốc Coronavir đã được đăng ký với Bộ Y tế Nga. Đến đầu tháng 7, hơn 150.000 gói sẽ hiện diện trên thị trường”.

 

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova hôm 18/6 đã bày tỏ hy vọng vaccine ngừa Covid-19 sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9.

 

Ngày 10/6, báo giới đưa tin Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đang hợp tác với công ty cổ phần Natsimbio (Công ty Miễn dịch Sinh học Quốc gia) của tập đoàn Rostec để lên kế hoạch điều chế một loại thuốc dựa trên huyết tương của những bệnh nhân từng mắc Covid-19 để điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Ngày 5/6, Tổng giám đốc RDIF, Kirill Dmitriev thông báo thuốc Avifavir do quỹ này phát triển sẽ được cấp miễn phí ở Nga trong chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc.

 

* Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia đưa ra ngày 19/6, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nước này Prak Sokhonn cho biết "trò chơi đổ lỗi" sẽ chỉ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết quốc tế. 

 

Phát biểu của Ngoại trưởng Prak Sokhonn được đưa ra trong "Hội nghị cấp cao về Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường: Đoàn kết chống Covid-19". Ông nêu rõ: "Mọi hành động chính trị hóa dịch bệnh hay dựa vào trò chơi đổ lỗi sẽ chỉ làm suy giảm những lợi ích của các nỗ lực quốc tế chống đại dịch. Nếu không có sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, chúng ta không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch này".

 

Ngoại trưởng Prak Sokhonn cho rằng các nước cần tập trung vào tăng cường các năng lực tập thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế công cộng này thông qua hoạt động trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật, các biện pháp tốt, cũng như tìm cách cùng nhau nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị cũng như vaccine phòng Covid-19.

 

Liên quan tới vấn đề này, Campuchia ủng hộ việc thiết lập sáng kiến Con đường Tơ lụa Y tế, và để thực hiện được kế hoạch này, các nước cần chia sẻ thông tin và các biện pháp thực tiễn tốt nhất, nâng cao tiếp cận công bằng và hợp lý đối với các sản phẩm y tế, trong đó có vaccine, những sản phẩm nên được công nhận là hàng hóa công cộng toàn cầu.

 

 

* Ủy ban chống tham nhũng Zimbabwe ngày 19/6 cho biết Bộ trưởng Y tế Obadiah Moyo đã bị bắt giữ do bị nghi ngờ dính líu vào một vụ án tham nhũng liên quan đến hoạt động cung cấp trang thiết bị phòng, chống đại dịch Covid-19.

 

Ông John Makamure - người phát ngôn của Ủy ban trên nói: "Tôi có thể xác nhận rằng, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Trẻ em đã bị bắt". Theo ông Makamure, Bộ trưởng Moyo đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát của quận Rhodesville ở Thủ đô Harare và quyết định bắt giữ quan chức này xuất phát từ những cáo buộc liên quan đến hoạt động cung cấp các trang thiết bị phòng, chống đại dịch Covid-19. Ông Moyo có thể sẽ phải xuất hiện trước tòa án vào ngày 20/6.

 

Trước đó, Phong trào Thay đổi Dân chủ (MDC) - đảng đối lập chính ở Zimbabwe - hôm 19/6 đã cáo buộc chính phủ nước này tham nhũng trong hợp đồng mua sắm trang thiết bị phòng, chống đại dịch Covid-19 từ công ty Drax Consulting SAGL, chỉ mới được thành lập cách đây vài tháng. Công ty này đã được trao một hợp đồng trị giá 20 triệu USD để cung cấp nhiều trang thiết bị y tế cho Zimbabwe, trong đó có các bộ xét nghiệm Covid-19 và trang thiết bị bảo hộ. Hồi tháng 3 vừa qua, Chính phủ Hungary, nơi Drax Consulting SAGL đăng ký kinh doanh, đã bày tỏ sự lo ngại về khoản thanh toán đáng ngờ trị giá 2 triệu USD được chuyển vào tài khoản của công ty này.

Chính phủ Zimbabwe vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

 

 

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Zimbabwe đã ghi nhận tổng cộng 479 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 4 ca tử vong.

 

* Bộ Y tế Morocco ngày 19/6 đã ghi nhận số lượng ca mắc Covid-19 mới trong 1 ngày ở mức cao kỷ lục kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên vào tháng 3/2020.

 

Theo đó, cơ quan chức năng nước này đã phát hiện hơn 450 người dương tính với virus SARS-CoV-2 tại khu vực phía Tây Rabat-Kenitra. Nguồn phát tán dịch bệnh được xác định là từ một nhà máy đóng gói dâu tây tại thị trấn Kenitra.

 

Sự gia tăng đột biến về số lượng ca bệnh mới xảy ra ngay trước khi Chính phủ Morocco tiếp tục nới lỏng những biện pháp phòng ngừa tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2, dự kiến áp dụng từ ngày 20/6, nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế. Một chiến dịch xét nghiệm và sàng lọc để phát hiện người nhiễm bệnh trong các công ty tư nhân đã được triển khai ngay sau khi chính quyền cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

 

Trước đó, Chính phủ Morocco hôm 9/6 đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ theo lộ trình các biện pháp giới nghiêm, nhưng vẫn yêu cầu người dân tại các thành phố lớn thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về phòng dịch, cũng như duy trì tình trạng khẩn cấp về y tế cho đến ngày 10/7.

 

 

 

Morocco, với dân số hơn 36 triệu người, vẫn ghi nhận bình quân dưới 100 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Đến nay, quốc gia Bắc Phi này đã phát hiện tổng cộng gần 10.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 213 trường hợp tử vong.