Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ (ảnh: Wikimedia Commons).

 

 

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy ngày 25/7, DV xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

 

 

Mỹ đột kích lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston

Theo hãng tin Houston Chronicle, một nhóm quan chức của Mỹ đã vào bên trong lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston khoảng 16h40 ngày 24/7 theo giờ địa phương, chưa đầy 1 tiếng sau khi qua hạn chót buộc đóng cửa cơ sở ngoại giao này.

 

Một xe ô tô nhỏ được cho là chở quan chức ngoại giao của Mỹ cùng với một số người khác dừng bên ngoài lãnh sự quán. Ban đầu, họ tìm cách vào bên trong lãnh sự quán Trung Quốc qua 3 lối vào khác nhau nhưng không thành và buộc phải phá khóa cửa sau. Khoảng một giờ sau đó, các xe và lính cứu hỏa cũng có mặt bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc.

Hãng tin Houston Chronicle cho biết, trong ngày 24/7, các nhân viên ngoại giao của lãnh sự quán Trung Quốc đã chuyển đồ ra khỏi cơ sở ngoại giao này. Ngay trước thời hạn đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc, cảnh sát địa phương cũng đã lập các rào chắn xung quanh tòa nhà, phong tỏa các con đường gần đó.

 

Trước đó, vào hôm 21/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, buộc các nhân viên ngoại giao tại đây phải rời đi trong vòng 72h. Washington nói rằng, quyết định này là nhằm “bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin bảo mật của người Mỹ”.

 

 

Úc gửi công hàm bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

“Chính phủ Úc bác bỏ tất cả yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt là những yêu sách trên biển không tuân thủ các quy tắc của công ước về đường cơ sở, các khu vực trên biển và việc phân loại thực thể”, nội dung trong công hàm của phái đoàn Úc tại Liên Hợp Quốc ngày 24/7 nêu rõ, theo Bloomberg.

 

Công hàm nhấn mạnh thêm: “Không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể trên biển hoặc nhóm đảo ở Biển Đông. Úc phản đối yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông”.

 

Động thái trên của Úc diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi các yêu sách này là “phi pháp”.

 

Gần đây, Úc – một đồng minh của Mỹ – liên tục có những động thái cứng rắn với Trung Quốc, như việc kêu gọi điều tra nghi vấn Bắc Kinh giấu dịch Covid-19.

 

FBI truy lùng “gián điệp quân sự” của Trung Quốc khắp nước Mỹ

Reuters đưa tin, thông qua hàng loạt cuộc thẩm vấn gần đây ở 25 thành phố của Mỹ, FBI cho biết họ đã phát hiện nhiều công dân Trung Quốc làm nghiên cứu khoa học ở Mỹ để “che giấu mối liên hệ thực sự” của họ với quân đội Trung Quốc nhằm “lợi dụng nước Mỹ và người dân Mỹ”.

 

Cũng theo Bộ Tư pháp Mỹ, 4 người trong số đó đã bị truy tố vì gian lận thị thực, trong đó 3 người đã bị bắt, 1 người được cho là đang “cố thủ” hơn 1 tháng qua trong lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố San Francisco.

 

Tháng trước, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng, khoảng một nửa trong số gần 5.000 cuộc điều tra phản gián mà FBI đang tiến hành có liên quan đến Trung Quốc. Giới chuyên gia gọi đây là chiến dịch truy quét hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ lớn chưa từng có kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.

 

 

EU nhất trí trừng phạt luật an ninh Hong Kong.

Reuters dẫn một dự thảo của EU cho biết, 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU ngày 24/7 đồng ý loạt biện pháp trừng phạt nhằm thể hiện sự “lo ngại sâu sắc” với luật an ninh Hong Kong của Trung Quốc. Các biện pháp này bao gồm hạn chế thương mại và xem xét lại các thỏa thuận thị thực với đặc khu hành chính Hong Kong.

 

Dự thảo cho biết, liên minh sẽ “xem xét kỹ lưỡng hơn và hạn chế xuất khẩu các thiết bị cùng công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng tại Hong Kong”, đặc biệt nếu có cơ sở nghi ngờ chúng được sử dụng “trái mong muốn” trong hoạt động “trấn áp, ngăn chặn liên lạc nội bộ hoặc giám sát không gian mạng”. Đề xuất này dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/7.

 

Trước đó, vào ngày 30/6, Trung Quốc đã ban hành luật an ninh Hong Kong, trong đó hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền trung ương ở Trung Quốc đại lục.

 

 

Trên 40 nước tố cáo Bắc Hàn vi phạm chế tài Liên hiệp quốc

Theo Reuters, hơn 40 nước vào ngày 24/7 đã khiếu nại Bắc Hàn vi phạm mức trần của Liên hiệp quốc về nhập cảng dầu tinh chế.

 

Trước đó, vào tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gồm 15 thành viên đã áp mức trần tối đa hàng năm cho Bắc Hàn là 500.000 thùng nhằm cắt nguồn nguyên liệu cho chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạo của nước này.

 

Trong khiếu nại lên ủy ban chế tài Bắc Hàn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, 43 nước, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp, nói họ ước tính trong 5 tháng đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã nhập khẩu hơn 1,6 triệu thùng dầu tinh chế qua 56 chuyến tàu chở dầu bất hợp pháp.

 

Các nước yêu cầu ủy ban chế tài của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc có quyết định chính thức rằng Bắc Hàn đã vượt quá mức giới hạn và “thông báo cho các nước thành viên phải ngưng ngay việc bán, cung cấp, hay chuyển các sản phẩm dầu tinh chế cho Bắc Hàn trong những tháng còn lại trong năm nay”.

(Theo dkn.tv)