Xe điện BYD của Trung Quốc đang chờ được đưa lên tàu tại Cảng quốc tế Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/09/2023. AFP

 

 

ÂU CHÂU - Trong cuộc biểu quyết hôm ngày 04/10/2024, Liên Hiệp Âu Châu thông qua kiến nghị tăng thuế nhắm vào xe hơi điện Trung Quốc xuất cảng sang thị trường Âu châu. Pháp và Ý ủng hộ việc tăng thuế để bảo vệ nền công nghiệp xe hơi tại châu lục này. Trái lại Đức bỏ phiếu chống vì sợ phải lao vào một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Berlin.

 

Theo các nguồn tin ngoại giao, trong cuộc bỏ phiếu sáng ngày 4/10,  10 trên tổng số 27 thành viên Liên Âu ủng hộ việc tăng thuế đánh vào xe Trung Quốc ; 5 nước bỏ phiếu chống, và 12 quốc gia không tham gia bỏ phiếu. Bước kế tiếp Ủy Ban Âu Châu sẽ thảo luận và ấn định mức thuế đánh vào xe hơi điện Trung Quốc xuất cảng vào thị trường chung. Mức thuế sắp tới có thể lên tới 35 % thay vì 10 % như hiện tại.

 

 

Bộ Tài Chính Đức lập tức lên tiếng kêu gọi Liên Âu « tránh lao vào một cuộc chiến thương mại » với Bắc Kinh. Các hãng xe Đức Voklswagen và Mercedes cho rằng Liên Âu đã « đi lầm đường » khi tăng thuế đánh vào xe hơi điện của Trung Quốc. Bruxelles giải thích việc tăng thuế đánh vào xe của Trung Quốc là để bảo vệ việc làm cho 14 triệu lao động trong ngành công nghiệp xe hơi của Âu châu. Canada và Mỹ hiện áp dụng mức thuế 100 % vào xe hơi điện « Made in China ».

 

 

Trong một thông cáo chung, Ủy Ban Âu Châu khẳng định đã « hội đủ sự ủng hộ cần thiết của các thành viên » để đánh thuế xe Trung Quốc. Điều đó không cấm cản Bruxelles tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh « tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng và phù hợp với các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ».

 

 

Về phần mình, Bắc Kinh dọa sẽ có những biện pháp « đáp trả », tăng thuế đánh vào hàng của châu Âu xuất cảng sang Trung Quốc. AFP nhắc lại Bắc Kinh đòi tăng thuế đánh vào rượu vang và các loại rượu mạnh của Pháp, vào thịt heo của Tây Ban Nha, vào nông phẩm của Ba Lan …  Ngoài ra, Trung Quốc đã dự trù mở nhiều nhà máy sản xuất xe hơi điện ngay tại châu Âu để lách thuế nhập cảng.  

 

(Theo RFI Việt ngữ)