Những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong trại tập trung ở Tân Cương, Trung Quốc ngày 31/5/2019. (Nguồn ảnh: GREG BAKER/AFP / Getty Images)

 

 

 

Ngày 20/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế, do có liên quan đến vi phạm và ngược đãi nhân quyền ở khu vực phía tây Tân Cương.

 

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, các công ty này đã hỗ trợ Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong “chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt, lao động cưỡng bức, thu thập dữ liệu không tự nguyện và thực hiện các phân tích về DNA của các nhóm thiểu số Hồi giáo”.

 

Các công ty bị liệt vào danh sách đen sẽ không thể tiếp cận các mặt hàng của Hoa Kỳ, bao gồm các loại hàng hóa và công nghệ, trừ khi họ có giấy phép từ chính phủ Hoa Kỳ.

 

Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết: “Bắc Kinh tích cực thúc đẩy các hoạt động đáng lên án bao gồm lao động cưỡng bức, thu thập và phân tích DNA để đàn áp công dân của họ”.

 

“Việc [liệt các công ty vào danh sách đen] sẽ đảm bảo rằng hàng hóa và công nghệ của chúng ta không bị sử dụng trong cuộc đàn áp ghê tởm của ĐCSTQ với người thiểu số Hồi giáo không có phòng vệ”.

 

Đây là nhóm các công ty Trung Quốc thứ 3 bị liệt vào danh sách đen kể từ tháng 10/2019. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã liệt vào danh sách đen tổng cộng 37 công ty và tổ chức Trung Quốc vì đã ủng hộ ĐCSTQ đàn áp ở Tân Cương. Trong số đó, có 2 nhà sản xuất các sản phẩm camera giám sát lớn nhất thế giới là Hikvision và Dahua Technology.

 

Nhóm công ty trong danh sách đen lần này bao gồm 9 công ty có liên quan đến việc ngược đãi và cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác. Trong đó, có Nanchang O-Film Tech - nhà cung cấp thiết bị cho gần 20 công ty công nghệ và ô tô, bao gồm Amazon, Apple, Dell, General Motors và Microsoft.

 

Một công ty khác là Changji Esquel Textile Co, thuộc Tập đoàn Esquel - một công ty sản xuất dệt may Trung Quốc sản xuất quần áo cho Ralph Lauren, Tommy Hilfiger, Hugo Boss và Patagonia.

 

Trong danh sách lần này, có 4 công ty có niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc, bao gồm: Nanchang O-Film, Hefei Meiling Co., KTK Group, và Tanyuan. Các công ty này có liên quan đến lao động cưỡng bức.

 

Ngoài ra, 2 công ty Xinjiang Silk Road BGI và Beijing Liuhe BGI bị liệt vào danh sách đen do các công ty này thực hiện phân tích DNA cho mục đích đàn áp người người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.

 

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ vốn luôn quan ngại về các nhà máy sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley mới đây đã kêu gọi trừng phạt các công ty Hoa Kỳ nếu trong chuỗi cung ứng của các công ty này có sử dụng lao động cưỡng bức.

 

Ngày 20/7, ông Hawley tuyên bố sẽ đề xuất Đạo luật Chứng nhận Kinh doanh không dùng Lao động Cưỡng bức, để tăng sự minh bạch về thông tin, bắt buộc kiểm toán thường xuyên và yêu cầu giám đốc điều hành các công ty phải chứng minh rằng chuỗi cung ứng của công ty họ không có sử dụng lao động cưỡng bức.

 

Dự luật cũng cho phép trừng phạt các công ty Hoa Kỳ không đáp ứng các tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản.

 

Theo báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Úc, ít nhất 83 thương hiệu nổi tiếng toàn cầu có liên quan đến lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, bao gồm các thương hiệu trong ngành công nghệ, quần áo, và ô tô; chẳng hạn như: Apple, BMW, Gap, Nike và Samsung.

 

Báo cáo công bố vào tháng Ba ước tính có hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các nhà máy ở khắp Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2019.

(theo ntdvn.com)