Một nhân viênở  Apple Store chuẩn bị khai trương cơ sở kinh doanh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/12/2023. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

 

 

Ngân hàng ADB đã công bố, một cách ngầm nếu không muốn nói là công khai, một sự thay đổi mang tính cách mạng trong bức tranh kinh tế châu Á – một sự thay đổi làm giảm tầm quan trọng của Trung Quốc.

 

Dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy sự tăng trưởng tốt ở các nền kinh tế châu Á bất chấp sự chậm lại ở Trung Quốc. Thông điệp về tầm quan trọng bị giảm sút của Trung Quốc xuất hiện hoàn toàn tình cờ nhưng hết sức nổi bật và rõ ràng. Bức tranh này đi ngược lại tham vọng của Bắc Kinh và chắc chắn là nỗi thất vọng đối với đám đông ở Trung Nam Hải.

 

Các chuyên viên kinh tế của ADB rõ ràng nhận thấy Trung Quốc kém quan trọng hơn trong tương lai so với trước đây, mặc dù họ không nói rõ ràng như vậy trong báo cáo của mình. Trong khi tốc độ tăng trưởng thực của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,8% trong năm nay và chỉ còn 4,5% vào năm 2025 so với mức 5,2% của năm ngoái, triển vọng kinh tế chung của châu Á do ADB có trụ sở tại Manila công bố gần đây nhìn chung là lạc quan. ADB dự đoán mức tăng trưởng thực trung bình là 4,9% vào năm 2024 cho tổng số 46 thành viên, trong đó có Trung Quốc, và cao hơn một chút vào năm 2025. Thay thế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, ADB nhận thấy vai trò lãnh đạo nổi lên ở những nơi khác trên lục địa, đặc biệt là ở Ấn Độ, nơi dự kiến tăng trưởng kinh tế thực là 7,0% trong năm nay và tăng lên 7,2% vào năm 2025.

 

Có lẽ lý do đằng sau những dự đoán của ADB còn đáng chú ý hơn những con số dự báo. Cuộc thảo luận về Trung Quốc của tổ chức này nêu bật lực cản kinh tế do cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này gây ra và tình trạng khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng. Tất nhiên, những vấn đề này đã cản trở triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong hơn hai năm nay và có liên quan chặt chẽ với nhau. Sự thất bại của các công ty phát triển bất động sản, bắt đầu vào năm 2021, đã kéo lùi lĩnh vực xây dựng và mua nhà vốn vẫn còn đang quan trọng, đồng thời làm giảm giá trị bất động sản, làm giảm tài sản của các hộ gia đình, làm suy giảm niềm tin và do đó hạn chế sự sẵn lòng của các hộ gia đình Trung Quốc trong việc chi tiêu. Niềm tin và chi tiêu càng bị ảnh hưởng hơn nữa do hậu quả của các lệnh phong tỏa do chính sách “zero-COVID” của Bắc Kinh áp đặt. Ngoài việc mức độ giàu có của hộ gia đình giảm sút, những ký ức vẫn còn mới mẻ này đã khiến người Trung Quốc cảm thấy bất an hơn về khả năng nhận được tiền lương đều đặn.

 

Ngược lại với điều kiện kinh tế trong nước yếu kém được thể hiện rõ ràng ở Trung Quốc, ADB lưu ý về việc cải thiện niềm tin của người tiêu dùng ở những nơi khác ở châu Á và chỉ ra nhu cầu nội địa ở những quốc gia này là động lực tăng trưởng an toàn. Đó chưa phải là tất cả. Các chuyên viên kinh tế của ADB cũng nhấn mạnh nhu cầu mạnh mẽ về đối với chất bán dẫn từ Đài Loan và Hàn Quốc cũng như dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào Ấn Độ và Đông Nam Á. Họ cũng chỉ ra hai vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt khi Washington, Brussels và Tokyo thể hiện thái độ thù địch ngày càng tăng đối với thương mại Trung Quốc và các doanh nghiệp Nhật Bản và phương Tây tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, Indonesia, Philippines và các địa điểm khác ở châu Á. Bức tranh kinh tế thể hiện sức mạnh châu Á trong bối cảnh những khó khăn của Trung Quốc.

 

Các xu hướng lạm phát đưa ra một so sánh đáng chú ý khác. Trung Quốc đang phải vật lộn chống lại tình trạng giảm phát ở cả giá tiêu dùng và giá sản xuất. Đối với châu Á nói chung, ADB cảm thấy thoải mái khi dự báo lạm phát tiêu dùng tương đối ổn định ở mức 3,2% trong năm nay và 3,0% trong năm tới. Bởi vì các tỷ lệ này vẫn cao hơn mức tối ưu, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm và các mặt hàng chủ lực khác, các chuyên viên kinh tế của ngân hàng kỳ vọng sự tăng trưởng sẽ xuất hiện bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn đang tiếp diễn từ các ngân hàng trung ương châu Á cũng như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề về lạm phát ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tình trạng giảm phát của Trung Quốc. Lạm phát, bất kể những tác hại xấu nào mà nó mang lại, đều mang lại động lực ngay lập tức cho tăng trưởng khi người dân và doanh nghiệp chi tiêu để tránh mức giá cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên, giảm phát làm giảm triển vọng tăng trưởng trước mắt bằng cách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu với hy vọng có được mức giá thấp hơn trong tương lai.

 

Chỉ cách đây vài năm, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế ở châu Á. Mọi người hẳn đã nghĩ rằng châu Á, đặc biệt là khu vực đang phát triển của châu Á, sẽ không thể tăng trưởng nếu Trung Quốc gặp khó khăn về kinh tế. Giờ đây, ADB đã công bố, một cách ngầm nếu không muốn nói là công khai, một sự thay đổi mang tính cách mạng trong bức tranh kinh tế châu Á – một sự thay đổi làm giảm tầm quan trọng của Trung Quốc. Nó nên khiến Bắc Kinh tạm ngừng tham vọng thống trị không chỉ nền kinh tế châu Á mà cả thế giới.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net; Bảo Nguyên biên dịch)

 

 

 

Milton Ezrati

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là kinh tế gia trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là chuyên viên chiến lược thị trường và là kinh tế gia trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập niên tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).