Tướng Prayuth Chan-ocha (trái) và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, người đang bị đình chỉ chức vụ. Ảnh: Getty Images/BBC
80% người dân Thái Lan cho biết họ muốn Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra từ chức hoặc giải thể Hạ viện để tổ chức tổng tuyển cử, trong khi Tướng Prayuth Chan-ocha là lựa chọn yêu thích nhất cho vị trí thủ tướng, theo một khảo sát được công bố hôm 13/7.
Cuộc thăm dò ý kiến của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (Nida) vào đầu tháng này cho thấy:
-42,37% số người được hỏi cho rằng Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nên tuyên bố từ chức để tìm một Thủ tướng mới.
-39,92% cho rằng bà Paetongtarn nên giải tán Hạ viện để tổ chức tổng tuyển cử.
-15,04% nói rằng bà nên tiếp tục điều hành đất nước như trước.
Một bộ phận thiểu số (1,37%) kêu gọi đảo chánh, trong khi số còn lại không có ý kiến gì hoặc không trả lời khảo sát.
Viện Nida thực hiện khảo sát nói trên từ ngày 4-7/7 với tổng cộng 1.310 mẫu, bao gồm những người từ 18 tuổi trở lên, phân bổ ở tất cả các vùng miền, trình độ học vấn, ngành nghề và mức thu nhập trên toàn quốc.
Cuộc thăm dò được thực hiện chỉ ba ngày sau khi Tòa án Hiến Pháp Thái Lan ra quyết định cho bà Paetongtarn tạm dừng thực hiện chức vụ thủ tướng để điều tra về cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Chỉ vài giờ trước khi tòa ra phán quyết, bà được nhà Vua phê chuẩn làm bộ trưởng Văn hóa.
Ai nên làm thủ tướng?
Kết quả khảo sát cho thấy trong trường hợp bà Paetongtarn phải rời nhiệm sở, hơn một phần ba công chúng (32,82%) ủng hộ Tướng Prayuth Chan-ocha làm thủ tướng.
Tuy nhiên, có đến gần một phần ba người dân cho biết họ sẽ không ủng hộ bất kỳ ai trong danh sách những người đủ điều kiện làm thủ tướng theo hiến pháp.
Trong khi đó, một số ít ủng hộ ông Anutin Charnvirakul thuộc Đảng Bhumjaithai và ông Chaikasem Nitisiri đến từ Đảng Pheu Thai.
Lãnh đạo phe đối lập và Đảng Nhân dân Natthaphong Ruengpanyawut không nằm trong số các ứng cử viên thủ tướng hiện có trong cuộc thăm dò ý kiến này vì ông đến từ Đảng Tiến bước (Move Forward) đã bị giải thể.
Đảng này chỉ đề cử ông Pita Limjaroenrat làm ứng cử viên thủ tướng duy nhất.
Ông Pita từng là ngôi sao sáng khi đảng của ông chiến thắng bầu cử một cách ngoạn mục vào năm 2023.
Khoảng một năm sau đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cấm ông tham gia chánh trường 10 năm, đồng thời ra lệnh giải tán Đảng Tiến bước.
Tướng Prayuth là ai?
Tướng Prayuth Chan-ocha là ứng cử viên từ Đảng Ruam Thai Sang Chart.
Năm 2014, ông Prayuth từng lật đổ chánh phủ được bầu cử và điều hành Thái Lan trong suốt chín năm.
Đến năm 2023, ông thông báo sẽ rời khỏi chánh trường.
Tướng Prayuth được biết đến là một chỉ huy quân đội thẳng thắn, cực kỳ bảo hoàng khi ông lên nắm quyền vào ngày 22/5/2014 trong một cuộc đảo chánh được dàn dựng khéo léo, bảo đảm ít có sự phản đối có tổ chức.
Bất chấp những lời hứa vào thời điểm đó rằng nhiệm kỳ của ông chỉ là tạm thời, ông vẫn giữ chức vụ trong nhiều năm và đã định hình lại các cơ cấu quyền lực của Thái Lan một cách sâu sắc.
Chánh phủ quân sự của ông đã thông qua một hiến pháp mới vào năm 2017, bảo đảm rằng các nhà lãnh đạo đảo chánh sẽ mở rộng ảnh hưởng của họ.
Điều này được thực hiện chủ yếu thông qua một Thượng viện gồm 250 ghế do ông bổ nhiệm, ngay cả sau khi Thái Lan trở lại chế độ dân chủ.
Năm 2023, ông Jonathan Head, phóng viên Đông Nam Á của BBC tại Bangkok, đánh giá vị tướng này là người có hình thức độc tài tương đối nhẹ nhàng, nhưng chánh phủ của ông không khoan dung với sự bất đồng chánh kiến và hàng trăm người đã bị truy tố, bỏ tù theo một loạt các sắc lệnh quân sự cũng như luật an ninh quốc gia.
Đáng chú ý trong số đó là luật khi quân nghiêm khắc, được xử dụng rộng rãi để chống lại những người thách thức vai trò của chế độ quân chủ
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và con gái ông là bà Paetongtarn tại Diễn đàn Quyền lực mềm Splash ở Bangkok vào ngày 9/7/2025. Ảnh: Getty Images
Ở một diễn biến liên quan, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được phát sóng trực tiếp trên kênh Nation TV vào ngày 9/7, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã tuyên bố: "Tôi từng rất thân với ông ta - như anh em ruột thịt. Nhưng sau những gì ông ta làm với con gái tôi, tôi thực sự sốc. Sao chuyện đó lại có thể xảy ra được? Còn mối quan hệ ấy [giữa tôi và ông Hun Sen]... cứ để nó chấm dứt. Tôi không quan tâm nữa."
Đây là lần đầu tiên ông Thaksin lên tiếng công khai kể từ khi con gái ông là bà Paetongtarn bị vướng vào tai tiếng điện đàm với ông Hun Sen.
Bên cạnh đó, ông Thaksin cũng đưa ra cáo buộc rằng nhóm thượng nghị sĩ đã đệ đơn kiến nghị bãi nhiệm bà Paetongtarn nhằm mục đích lật đổ chánh phủ vào tháng Bảy, theo trang The Nation của Thái Lan.
Động thái này cho là để cản trở một cuộc điều tra đang diễn ra về sự thông đồng bỏ phiếu liên quan đến chính những vị thượng nghị sĩ này, vẫn theo cáo buộc của ông Thaksin.
Ông Thaksin nói, "Tôi tin rằng đơn khiếu nại [chống lại Paetongtarn] nhằm mục đích lật đổ chánh phủ,"
"Họ muốn chánh phủ sụp đổ trong tháng Bảy để giải quyết một vấn đề đang đe dọa họ."
Cựu Thủ tướng Thái Lan cho rằng có mối liên hệ giữa kiến nghị của Tòa án Hiến pháp chống lại con gái ông và vụ thông đồng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện năm ngoái.
Kiến nghị này được 36 thượng nghị sĩ đệ trình lên tòa án nhằm tìm cách bãi nhiệm bà Paetongtarn.
Ông Thaksin cáo buộc rằng việc loại bỏ thủ tướng trong tháng này sẽ thuận tiện cho các thượng nghị sĩ tránh bị quy trách nhiệm, nhiều người trong số đó cũng đang bị điều tra về vi phạm đạo đức hoặc gian lận phiếu bầu.
Hôm 1/7, quyết định của tòa cho biết bà Paetongtarn có 15 ngày để chuẩn bị biện hộ về các cáo buộc về hành vi sai trái và vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn đạo đức.
Dự kiến trong tháng này, bà sẽ phải giải trình trước tòa - việc mà bà đã nói mình có thể "tự tin" làm được.
(Theo BBC)