Những kẻ buôn lậu đưa người di cư đến châu Âu bằng đường biển dường như đã áp dụng một chiến thuật mới, nguy hiểm hơn: nhồi nhét hàng trăm người lên một con tàu chở hàng lớn, đặt con tàu vào một lộ trình tự động để đâm vào bờ biển, rồi bỏ lái. (AAP)

 

QUỐC TẾ - Theo số liệu mới nhất từ cơ quan tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, chưa bao giờ có nhiều người tỵ nạn trên khắp thế giới như hiện nay. Các cuộc xung đột ở Ukraine, Sudan và Afghanistan phần lớn đã làm gia tăng con số, hiện được ước tính là 110 triệu người tỵ nạn trên toàn thế giới.

 

Số người mất hết nhà cửa phải di dời trên khắp thế giới, đã tăng lên hàng năm trong thập niên vừa qua.

 

Theo Liên Hiệp Quốc, 2022 là một năm kỷ lục nữa đối với người tỵ nạn và những người khác cần sự bảo vệ quốc tế.

 

Cao ủy trưởng Tị nạn của Liên Hiệp Quốc là ông Filippo Grandi cho bi

“Đây là nơi chúng ta đang đứng hôm nay".

"Chúng ta có 110 triệu người đã phải chạy trốn vì xung đột, ngược đãi, phân biệt đối xử, bạo lực thường kết hợp với các động cơ khác, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu".

"Vì vậy bạn hoàn toàn bình thường, khi tôi sẽ nói là các nguyên nhân đã gây ra tình trạng tỵ nạn lại gia tăng hơn nữa”.

 

Được biết phúc trình liên quan đến xu hướng toàn cầu hàng năm của Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR về vấn đề di dời bắt buộc bao gồm người tị nạn, người xin tị nạn và người phải di tản.

 

Phúc trình cho thấy, có 108 triệu người trong số họ vào năm 2022, tăng 19,1 triệu vào năm trước và đó là mức tăng lớn nhất hàng năm từ trước đến nay.

 

Ông Filippo Grandi còn nói thêm rằng, con số đó đã tăng trở lại vào năm 2023, do cuộc xung đột ở Sudan.

 

Ông Filippo Grandi nói “Bạn có thể nhớ lại, chỉ vài năm trước hoặc có thể là năm ngoái khi chúng tôi thông báo rằng, lần đầu tiên chúng tôi đã vượt qua hơn 100 triệu người phải tỵ nạn, rồi 10% nữa đã được thêm vào con số này".

'Đó là một bản cáo trạng về tình trạng của thế giới chúng ta, nếu tôi có thể nói, khi phải báo cáo điều đó”.

 

Được biết các cuộc xung đột là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng di cư, với cuộc chiến ở Ukraine chiếm 5,7 triệu người tị nạn.

 

Trong khi đó phát ngôn nhân của UNHCR, là bà Charlotta Lomas nói rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, đã tạo ra làn sóng di cư lớn nhất và nhanh nhất của người dân, kể từ Thế chiến thứ hai.

Bà Charlotta Lomas nói “Khi bắt đầu chiến tranh, có 2 trăm ngàn người tỵ nạn vượt qua biên giới mỗi ngày".

"Đến cuối năm 2022, có đến 11,6 triệu người Ukraine vẫn phải di dời, bao gồm cả những người di tản trong nước, đó là một phần ba dân số".

"Chỉ cần nghĩ về con số đó cho một chút, thì qui mô của sự dịch chuyển này là rất lớn và đó là do giao tranh".

"Cuộc chiến này giống như tất cả các cuộc chiến là vô nghĩa, gây thiệt hại cho những người vô tội và cuộc chiến phải dừng lại”.

 

Trên toàn cầu, cứ 74 người thì có hơn một người phải di dời.

 

Ngay trong nước của họ, có 62,5 triệu người đã phải di dời lánh nạn, chiếm 58% tổng số.

 

Trong khi 35,3 triệu người được phân loại là người tỵ nạn, vì họ đã vượt qua biên giới quốc tế để tìm kiếm sự an toàn và 5,4 triệu người xin tỵ nạn.

 

Đáng ngạc nhiên là, chỉ hơn một nửa với 52 phần trăm trong số những người phải di dời, đến từ ba quốc gia Syria, Ukraine và Afghanistan mà thôi.

 

Bà Charlotta Lomas cho biết tiếp.

“Nếu chúng ta có thể tìm ra một giải pháp chính trị chỉ ở một trong những quốc gia này, điều đó sẽ làm giảm đáng kể số lượng người phải di tản và cho phép họ trở về nhà".

"Trong khi chờ đợi, chúng ta cần sự đoàn kết quốc tế để giảm bớt áp lực lên các nước tiếp nhận và tạo điều kiện cho người tị nạn có thể trở về nhà, hoặc ít nhất là ở các nước mới, tìm cách để họ phát triển”.

 

Trong khi đó ba phần tư hay 76% trong số tất cả những người phải di dời, đã được lưu trú tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, hầu hết trong số họ là láng giềng của quốc gia gốc của họ.

 

Turkiye, Iran và Colombia là nơi có số lượng người di cư lớn nhất.

 

Trong khi đó Đức là quốc gia Tây phương duy nhất trong 5 nước hàng đầu, có một số lượng lớn người tị nạn Ukraine.

 

Bà Charlotta Lomas cho biết, điều này trái ngược với quan niệm sai lầm rằng, chính các quốc gia giàu có mới là gánh nặng lớn nhất.

Bà nói “Tôi nghĩ điều mà báo cáo này nhấn mạnh là, nhu cầu cấp thiết tuyệt đối về trách nhiệm quốc tế".

"Chúng ta có phần lớn các quốc gia tiếp nhận người tỵ nạn có thu nhập thấp và trung bình".

"Chúng ta cần tất cả các quốc gia, các quốc gia giàu có bước lên và thể hiện sự đoàn kết, cũng như cung cấp tài chính và nhiều nơi tái định cư hơn, cho những người đang tìm kiếm sự an toàn trên khắp thế giới”.

 

Thế nhưng khi vấn đề toàn cầu trở nên gay gắt hơn, nhiều quốc gia phương Tây thay vào đó, đang quay lưng lại với vấn đề người tỵ nạn.

 

Điều này được đưa ra, để đáp lại cuộc tranh luận công khai ngày càng gay gắt và tình cảm chống nhập cư ngày càng tăng, kết hợp với áp lực của việc nhập cư bất hợp pháp.

 

Thay vì áp dụng các giải pháp nhân đạo, các quốc gia lại áp dụng các chính sách trừng phạt, để ngăn chặn người tị nạn đến bờ biển của họ.

 

Giám đốc Điều hành của Hội đồng Tị nạn Úc, ông Paul Power cho biết, Úc đã dẫn đầu thế giới trong lãnh vực tệ hại này.

Ông nói “Thật không may, Úc đã đóng một vai trò trong việc khuyến khích các quốc gia khác thông qua ví dụ của chính mình, khi đẩy lùi các phong trào tỵ nạn và buộc những người tìm kiếm sự bảo vệ đến các quốc gia khác".

"Chúng tôi đã thấy cách mà chính sách của Úc xử lý ở nước ngoài, ở Nauru và Papua New Guinea đã được sao chép bởi chính phủ Vương quốc Anh, với thỏa thuận với Rwanda”.

 

Được biết lượng người tỵ nạn của Úc, cũng thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.

 

Năm rồi đã có 17.300 người đến Úc, theo nhiều loại thị thực nhân đạo.

 

85% trong số họ, đến từ Afghanistan, Iraq, Syria và Myanmar.

 

Được biết chính sách của Đảng Lao động là tăng số lượng nhận vào nhân đạo hàng năm của Úc lên 32 ngàn suất, nhưng lại không đưa ra khung thời gian.

 

Trong khi đó Chính phủ sắp công bố các con số của năm tới, trước khi bắt đầu chính sách vào ngày đầu tiên của tháng Bảy.

 

Ông Paul Power cho biết, báo cáo của UNHCR nhấn mạnh sự cần thiết, phải tăng đáng kể lượng tiếp nhận nhân đạo của Úc. Ông nói

“Khi xem xét báo cáo Xu hướng toàn cầu hàng năm, chúng tôi thấy có 35,3 triệu người tị nạn trên khắp thế giới, thực sự được trao quyền tiếp cận một số mức độ an toàn ở các nước sở tại".

"Và trong khi con số này đang tăng lên, thì Chính phủ Úc trong một số năm đã nói rằng, chúng tôi không muốn mọi người đến đất nước của chúng tôi để xin tị nạn".

"Bạn biết đấy, nếu các chính sách của Úc được các quốc gia khác trên thế giới áp dụng và thực hiện, thì sẽ không có quyền tiếp cận đến nơi an toàn, cho bất kỳ ai chạy trốn khỏi sự ngược đãi từ chính đất nước của họ”.

 

SBS News đã liên lạc với văn phòng của Bộ trưởng Nhập cư Andrew Giles để xin bình luận, nhưng được đề cập đến một tuyên bố từ tháng 4, sau cuộc gặp của ông với Cao Ủy Trưởng Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, ông Filippo Grandi, vốn là cuộc gặp gỡ đầu tiên sau một thập niên.

 

Ông Bộ Trưởng nói rằng, chính phủ cam kết trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu, trong việc tìm kiếm các giải pháp cho người tị nạn và những người phải di dời, đồng thời xây dựng một khuôn khổ tái định cư và bảo vệ toàn cầu mạnh mẽ hơn.

 

Ngày nay, ông Grandi hết sức chỉ trích các quốc gia giàu có, bao gồm cả việc họ không quan tâm đến cuộc chiến ở Sudan khi so sánh với Ukraine, đặc biệt là sau khi công dân Tây phương di tản.

Ông Filippo Grandi nói “Sự lãnh đạo là thuyết phục công luận của bạn rằng, có những người xứng đáng được quốc tế bảo vệ và do đó, mọi thứ cần phải được thực hiện".

"Nhưng đây là những cuộc thảo luận khó khăn trong quá khứ, chưa bao giờ dễ dàng. Hãy để tôi nói rõ, tôi nghĩ rằng những thách thức ngày càng tăng, vì vậy chúng tôi thấy sự đẩy lùi, các quy tắc nhập cư cho người tị nạn ngày càng khó khăn hơn".

"Chúng tôi thấy ở nhiều quốc gia, tội phạm hóa người nhập cư và người tị nạn, đổ lỗi cho họ về mọi thứ đã xảy ra”.

 

Trong khi đó Liên Hiệp Quốc cũng đang vật lộn với sự suy giảm tài trợ, vào thời điểm mà công việc của ho9 chưa bao giờ to lớn như vậy.

 

Năm rồi, UNHCR đã ứng phó với 35 tình huống khẩn cấp, nhiều gấp 3 đến 4 lần so với những năm trước.

 

Ông Filippo Grandi nói rằng, tình hình đòi hỏi một phản ứng toàn cầu phối hợp.

Ông nói “Với tư cách là Cao Ủy về Người Tỵ nạn, tôi phải nói điều đó với niềm tin chắc chắn rằng việc trao quyền tỵ nạn cho những người tìm kiếm nó, là một nghĩa vụ hợp pháp theo luật pháp quốc tế và đó cũng là điều đúng đắn về mặt đạo đức”.

 

Được biết UNHCR sẽ trình bày bản phúc trình ở Geneva, tại Diễn Đàn Tỵ Nạn toàn cầu lần thứ 2, vào cuối năm nay.