Hai chiếc F-15 của Lực lượng Phòng vệ Không quân Nhật Bản năm 2009. (Ảnh của Không quân Hoa Kỳ).
BẮC Á - Lần đầu tiên phi cơ quân sự Trung Quốc xâm nhập không phận Nhật Bản, đây chắc chắn không phải là một hành động bình thường. Điều đáng chú ý là đúng một tháng trước, Ngoại trưởng hai nước đã có cuộc hội đàm, khẳng định xây dựng mối quan hệ song phương mang tính ổn định và đôi bên cùng có lợi.
Và một ngày sau sự cố xâm nhập không phận, phái đoàn liên đảng Nhật Bản lên kế hoạch đến thăm Trung Quốc có những thành viên gần gũi với Trung Quốc, như một hành động bày tỏ sự thân thiện với Bắc Kinh.
Vậy vì sao Bắc Kinh lại đột ngột có hành động như “dội gáo nước lạnh” vào nỗ lực của Tokyo như vậy?.
Như tin đã đưa, sáng 26/8, phi cơ trinh sát điện tử Y-9 của Trung Quốc đã xâm nhập vùng trời phía Đông Nam quần đảo Danjo ngoài khơi tỉnh Nagasaki của Nhật Bản trong vòng 2 phút.
Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã khẩn trương điều động các chiến đấu cơ F-2 và F-15 tới đáp trả, đồng thời sử dụng phương tiện liên lạc để cảnh báo phi cơ Trung Quốc rời khỏi không phận Nhật Bản.
Sau khi ra khỏi vùng trời, chiếc phi cơ quân sự Trung Quốc này vẫn bay lượn ở khu vực gần đó một lúc rồi mới rời đi.
Sau vụ việc, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Okano Masataka, đã triệu tập Thi Vịnh (施泳), quyền đại sứ tạm thời của Đại sứ quán Trung Quốc, để bày tỏ sự phản đối và yêu cầu ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra lần nữa.
Trước đây đã có trường hợp phi cơ Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản, và thời gian họ ở lại không phận Nhật Bản không lâu, nhưng vì trường hợp lần này là phi cơ quân sự của Quân đội Trung Quốc, nên đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Nhật Bản. Tokyo đã bắt đầu nghiên cứu và xác định ý định của Bắc Kinh.
Không thiếu tiền lệ phi cơ Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản
Trên thực tế, trước đây đã từng xảy ra vụ việc phi cơ Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản. Năm 2012, phi cơ cánh quạt Y-12 thuộc sở hữu của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã đi vào không phận quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Sau đó, vào tháng 5 năm 2017, một phi cơ không người lái đã cất cánh từ một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và cũng đi vào không phận Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp này.
So với 2 vụ việc trên, vụ việc mới nhất xảy ra hôm 26/8 được thực hiện bởi một phi cơ quân sự của Quân đội Trung Quốc. Đó là một việc hoàn toàn khác.
Tiến sĩ Vương Tôn Ngạn (王尊彦), chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản, cho hay, phi cơ quân sự lần này được trang bị khả năng thu thập thông tin tình báo điện tử và không phận Nhật Bản. Và phi cơ này bay tương đối gần với đất liền Nhật Bản, khiến Tokyo đặc biệt lo lắng.
Vụ việc có thể làm sâu sắc thêm nhận thức của Nhật Bản về ‘mối đe dọa Trung Quốc’ từ trên không
Theo tiến sĩ Vương, chính phủ Nhật Bản ngày càng lo ngại về “mối đe dọa Trung Quốc” từ trên không. Nhật Bản cũng phải đối mặt với vấn nạn ‘khinh khí cầu do thám Trung Quốc’.
Ngoài ra, theo thống kê từ Cục Giám sát Tham mưu Tổng hợp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã thực hiện tổng cộng 669 lần xuất kích khẩn cấp vào năm 2023, trong đó có 479 vụ nhằm đáp trả phi cơ Trung Quốc, chiếm 72% tổng số lần xuất kích.
Liên quan đến vụ việc này, Tokyo cho biết mục đích của phi cơ quân sự Trung Quốc vẫn đang được phân tích, nhưng ở giai đoạn này, một số nguyên nhân dẫn đến vụ việc có thể đã được làm sáng tỏ.
Bên cạnh đó, phi cơ quân sự Trung Quốc có thể đã tiến hành trinh sát tình báo điện tử trên vùng biển và vùng trời xung quanh Nhật Bản, để đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động có thể xảy ra trong tương lai, và để kiểm tra phản ứng của Nhật Bản.
Hoặc hành vi xâm nhập của phi cơ quân sự Trung Quốc có thể thể hiện sự bất bình của Bắc Kinh và cản trở Nhật Bản tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh và đối tác.
Theo phân tích của truyền thông Nhật Bản ‘Sankei Shimbun’, trong những năm gần đây, các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hợp tác với Nhật Bản và Mỹ để tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là tham gia cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu. Những diễn biến này có thể kích động các hành động “ngăn chặn” lần này của chính quyền Trung Quốc.
Vụ việc sẽ ảnh hưởng hơn nữa tới quan hệ Nhật – Trung
Trong một thời gian dài, Nhật Bản và Trung Quốc luôn mâu thuẫn về các tranh chấp về lịch sử, chủ quyền, phát triển các mỏ dầu khí ở biển Hoa Đông.
Việc Nhật Bản lo ngại về hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan cũng khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Ngoài ra còn có vụ việc một người nổi tiếng trên Internet Trung Quốc đi tiểu lên cột đá trước đền Yasukuni ở Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản bày tỏ quan ngại với chính phủ Trung Quốc, sự bất mãn cũng bùng phát trong người dân Nhật Bản.
Trên thực tế, một cuộc thăm dò do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố vào tháng 1 năm nay cho thấy, chỉ 12,7% công dân Nhật Bản có cảm tình gần gũi với người Trung Quốc, giảm 5,1 điểm phần trăm so với năm trước, và là mức thấp mới trong loạt thăm dò tương tự.
Điều đáng chú ý là vào tháng trước, hôm 26/7, Ngoại trưởng Nhật Bản, Kamikawa Yoko, đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Trong suốt cuộc hội đàm, 2 quan chức đã khẳng định rằng để xây dựng mối quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định, Trung Quốc và Nhật Bản cần thúc đẩy “mối quan hệ chiến lược cùng có lợi” được cố Thủ tướng Abe Shinzo chủ trương trong nhiệm kỳ của mình.
Một ngày sau sự cố phi cơ quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản, hôm 27/8, phái đoàn liên đảng gồm các thành viên Quốc hội Nhật Bản đã đến thăm Trung Quốc, trong đó có Nikai Toshihiro, cựu tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do.
Đảng Dân chủ tự do được coi là thân thiết với Bắc Kinh. Những tương tác này ban đầu là diễn biến tích cực để Nhật Bản và Trung Quốc cải thiện quan hệ, khi hai bên đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có căng thẳng địa chính trị.
Tuy nhiên, tiến sĩ Vương Tôn Ngạn chỉ ra rằng, vào thời điểm này, một vụ vi phạm không phận chưa từng có đã nổ ra, giống như Bắc Kinh đã dội một gáo nước lạnh vào chính phủ Nhật Bản.
Trước việc phi cơ trinh sát điện tử Y-9 của Trung Quốc xâm nhập không phận Nhật Bản, Tokyo vẫn đang tích cực nghiên cứu và đánh giá loại thông tin tình báo mà Bắc Kinh đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu Vương, các hoạt động tìm kiếm tình báo của chiếc phi cơ quân sự này có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng “không ưa Trung Quốc” ở Nhật Bản.
Vào thời điểm Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản, phi cơ quân sự của Quân đội Trung Quốc lại bay vào không phận Nhật Bản khiến tình hình thêm phức tạp và khiêu khích Nhật Bản.
Chuyên gia nghiên cứu Vương Tôn Ngạn chỉ ra rằng, những mâu thuẫn song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản là bí ẩn mà chính quyền Bắc Kinh cần giải thích với ngoại giới.
(Theo dkn.tv)