Các quan chức y tế Hoa Kỳ cho biết thiệt hại do lốc xoáy gây ra đối với nhà máy Pfizer ở Bắc Carolina có thể gây ra tình trạng thiếu thuốc trong tương lai ở nước này. (Getty Images)

 

HOA KỲ - Các quan chức y tế Hoa Kỳ cho biết thiệt hại do lốc xoáy gây ra đối với nhà máy Pfizer ở Bắc Carolina có thể gây ra tình trạng thiếu thuốc trong tương lai ở nước này.

 

Vào thứ Tư, cơ sở của Pfizer ở Rocky Mount đã hứng chịu một đòn tấn công trực tiếp từ cơn lốc xoáy có cường độ EF-3, khiến các hoạt động tại nhà máy phải tạm dừng. Phía công ty cho biết nhà máy sản xuất khoảng 25% thuốc tiêm vô trùng, vốn được các bệnh viện ở Hoa Kỳ sử dụng.

 

Pfizer cho biết tất cả nhân viên đã được sơ tán an toàn và không có thương tích nghiêm trọng nào được báo cáo. Hiện, nhà sản xuất thuốc vẫn đang đánh giá thiệt hại.

 

Được biết, nhà máy sản xuất thuốc gây mê, thuốc điều trị nhiễm trùng và thuốc dùng trong phẫu thuật.

 

Mike Ganio, người nghiên cứu về tình trạng thiếu thuốc tại Hiệp hội Dược sĩ Hệ thống Y tế Hoa Kỳ, cho biết thuốc điều trị nhiễm trùng được sử dụng trong các ca phẫu thuật hoặc đơn vị chăm sóc đặc biệt cho những bệnh nhân dùng máy thở.

 

Tom Kraus, phó chủ tịch quan hệ chính phủ tại Hiệp hội Dược sĩ Hệ thống Y tế Hoa Kỳ cho biết, trong những tháng gần đây, các bệnh viện trên khắp Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​tình trạng thiếu thuốc tiêm vô trùng. Ông nói thiệt hại do lốc xoáy sẽ làm cho tình trạng thiếu hụt trở nên tồi tệ hơn.

 

Ông Kraus nói với The Hill: “Trước khi sự việc xảy ra, trên toàn nước Mỹ đã có 300 loại thuốc bị thiếu. Nhiều trong số đó là thuốc tiêm vô trùng và giống những loại được sản xuất tại cơ sở này. Vì vậy, chúng tôi đang gặp khủng hoảng thiếu thuốc, chuyện này có khả năng góp phần làm sự việc phức tạp hơn”.

 

Erin Fox, giám đốc dược phẩm cấp cao tại Đại học Y tế Utah, cho biết cơn lốc xoáy rất có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt thuốc trong thời gian dài cho đến khi Pfizer chuyển dây chuyền sang các địa điểm khác hoặc xây dựng lại.

 

Bà Fox cho biết: “Nếu Pfizer sụp đổ, rất khó để các công ty khác bù đắp nổi”.

Ông Ganio nói: “Bất kỳ ai biết về sự kiện này về cơ bản đều đang nín thở, hy vọng điều tốt nhất và chờ đợi tin tức”. Ông lưu ý rằng các nhà sản xuất thuốc có xu hướng vận chuyển thành phẩm nhanh chóng từ các địa điểm sản xuất, điều này có thể hạn chế lượng hàng tồn kho bị hư hại do cơn lốc xoáy.

 

Một báo cáo của Healthcare Ready cho biết vào năm 2012, việc tạm thời đóng cửa nhà máy ở Bắc Carolina đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc mê và các loại thuốc khác.

 

Ông Kraus nói với The Hill rằng ngoài Pfizer, còn có một vài nhà sản xuất thuốc tiêm vô trùng, chủ yếu là do không có thị trường đáng kể cho những sản phẩm đó.

Ông nói: “Chúng tôi không đủ năng lực sản xuất cho những sản phẩm này, đặc biệt là thuốc tiêm vô trùng và chúng tôi không có năng lực sản xuất đa dạng cho chúng”.

Ông nói thêm: “Thực tế, việc quá phụ thuộc loại thuốc này vào một cơ sở đã là một vấn đề tự thân” bởi vì thiếu phương án dự phòng nếu một nhà máy bị đóng cửa vì bất kỳ lý do gì.

 

Thiệt hại do lốc xoáy xảy ra trong bối cảnh tình trạng thiếu các loại thuốc khác trên toàn nước Mỹ. Bà Fox cho biết tính đến tháng 6, có khoảng 300 loại thuốc đang bị thiếu ở Hoa Kỳ.

 

Sự thiếu hụt đã ảnh hưởng đến các loại thuốc cơ bản như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tăng động giảm chú ý và thuốc điều trị ung thư trong năm qua. Viện Ung thư Quốc gia liên bang gần đây đã nói với CNN rằng khoảng 174 trong số 608 thử nghiệm của họ có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu thuốc trong năm nay.

 

Sau khi cơn lốc xoáy ập đến, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Pfizer, Albert Bourla đã đưa ra một tuyên bố nói rằng công ty đang cố gắng xác định xem nhân viên và nhà thầu của họ có an toàn hay không.

 

Ông Bourla cho biết: “Tôi rất nhẹ nhõm khi tất cả đã được xác nhận an toàn và không có thương tích nghiêm trọng nào được báo cáo.

Các đồng nghiệp của chúng tôi tại cơ sở này thực hiện công việc vô cùng quan trọng là sản xuất thuốc tiêm vô trùng được các bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới sử dụng.

Chúng tôi đã có các đội tại hiện trường đánh giá thiệt hại và hỗ trợ các đồng nghiệp của mình, đồng thời chúng tôi đang khẩn trương làm việc để xác định cách tốt nhất để hoạt động trở lại nhanh nhất có thể, và đảm bảo an toàn cho người dân”.

 

Trong khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng xác nhận đang theo dõi tình hình, bao gồm cả khả năng thiếu hụt thuốc.

“FDA đã biết về sự cố này và rất biết ơn vì các nhân viên của nhà máy không hề hấn gì. Chúng tôi đang theo sát tình hình khi nó phát triển và đang làm việc với công ty để hiểu mức độ thiệt hại và bất kỳ tác động tiềm tàng nào đối với nguồn cung cấp thuốc của quốc gia,” một phát ngôn viên nói với các hãng tin trong tuần này.

 

Các quan chức Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ nói với phương tiện truyền thông địa phương rằng cơn lốc xoáy đổ bộ vào Rocky Mount vào khoảng 12:30 chiều giờ địa phương, nói rằng tốc độ gió đạt khoảng 150 dặm / giờ. Nếu được xác nhận, nó sẽ được phân loại ở cấp EF-3 trên Thang đo Fujita - dùng để đo sức mạnh của cơn lốc xoáy.

 

(Theo Jack Phillips - The Epoch Times tiếng Anh)

(ntdvn.net - Nhật Duy biên dịch)