Đèo Nathu La trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, thuộc bang Sikkim của Ấn Độ. Đây là điểm kết nối giữa bang Sikkim với Khu Tự trị Tây Tạng của Trung Quốc (ảnh: ShutterStock).

 

 

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc – Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn đã bùng phát trở lại trong những tuần gần đây, được ví như một cuộc so găng nghiêm trọng nhất giữa hai nước từ lâu vốn nhiều xung đột, từ tranh chấp lãnh thổ, vấn đề liên quan đến Đạt Lai Lạt Ma, mối quan hệ không ngang bằng Trung – Ấn – Pakistan cho đến cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu gạo.

 

Vụ đối đầu mới nhất giữa hai bên bắt đầu vào đầu tháng Năm, khi một đội binh sĩ Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ kiểm soát tại ba địa điểm ở Ladakh – khu vực thuộc bang Jammu và Kashmir, dựng lều và cắm chốt gác. Giới chức Ấn Độ nói rằng binh lính Trung Quốc phớt lờ “những cảnh báo bằng lời nói được lặp đi lặp lại” yêu cầu rời khỏi khu vực, gây ra các trận la ó, ném đá và đánh đấm.

 

Truyền thông Ấn Độ tường thuật, vụ “đánh nhau” đã khiến bảy lính Trung Quốc và bốn lính Ấn Độ bị thương, tại khu vực Naku La, gần cửa khẩu Nathu La thuộc bang biên giới Sikkim phía đông bắc Ấn Độ, giáp biên giới Bhutan, Nepal và Trung Quốc – nơi có tuyến đường núi quan trọng chiến lược gần Tây Tạng.

 

Nhưng cả hai bên sau đó đã điều động hàng ngàn binh sĩ, họ ở vị trí sẵn sàng phòng thủ và cách nhau chỉ vài trăm mét ở Thung lũng Galwan của Ladakh.

 

Ấn Độ phản đối Trung Quốc xây dựng một con đường xuyên qua thung lũng kết nối với một bãi đáp máy bay, điều đặt ra khả năng Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát lãnh thổ dọc theo biên giới vốn có nhiều đoạn không phân định rõ ràng.

 

Ngày 27/5, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo rằng tình hình biên giới “nói chung là ổn định và có thể kiểm soát” và các bên đang liên lạc thông qua kênh ngoại giao để giải quyết sự vụ.

 

Xung đột Trung – Ấn

 

Trung Quốc và Ấn Độ từng có cuộc đụng độ trong 73 ngày ở Doklam vào năm 2017, khi đó Ấn Độ huy động quân đội để chống lại động thái của Trung Quốc nhằm mở rộng hiện diện tại khu vực biên giới với Bhutan. Hai bên đã thiết lập mối quan hệ của họ vào năm 1950, nhưng cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 đã đưa họ về trạng thái “ngoài ấm trong lạnh” kéo dài nhiều thập niên. Chung quy là do Trung Quốc tuyên bố khoảng 90.000 km vuông lãnh thổ ở phía đông bắc Ấn Độ, trong đó có bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, đây là nơi dân cư có truyền thống theo Phật giáo. Ấn Độ nói rằng Trung Quốc chiếm 38.000 km vuông lãnh thổ của Ấn Độ trong khu vực Bình nguyên Aksai Chin thuộc phía Tây dãy Hy Mã Lạp Sơn, bao gồm một phần của vùng Ladakh.

 

Đạt Lai Lạt Ma

 

Mối quan hệ cũng căng thẳng do Ấn Độ chấp thuận cho lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989 nhưng Bắc Kinh gọi là “một kẻ ly khai nguy hiểm”. Đạt Lai Lạt Ma đã chạy trốn khỏi quê hương vào năm 1959 trong một cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc, cuộc phản kháng này đã bị quân đội Trung Quốc dập tắt. Vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đã thành lập một chính phủ lưu vong tại thị trấn Dharmsala, phía bắc Ấn Độ, nơi hàng ngàn người Tây Tạng định cư. Xung đột về sự hóa thân tương lai của Đạt Lai Lạt Ma hiện đang ngầm diễn ra giữa chính quyền Bắc Kinh và lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng

 

Năm 1993, Ấn Độ và Trung Quốc ký Hiệp định “Duy trì Hòa bình và Trật tự” dọc theo Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control viết tắt là LAC) giữa biên giới hai nước. Nhưng họ không thể giải quyết các tranh chấp mặc dù hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán cùng với nhiều cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Pakistan

 

Bắc Kinh ủng hộ Pakistan, đây là một nguyên nhân chính khiến Ấn Độ lo ngại, bởi Ấn Độ và Pakistan là những kẻ thù tranh chấp lãnh thổ biên giới Kashmir. Trung Quốc đã xây một con đường xuyên qua vùng đất Pakistan kiểm soát ở Kashmir và ngăn chặn Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group viết tắt là NSG) đồng thời đòi cho Pakistan được gia nhập tổ chức này.

 

Ấn Độ từ chối tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI), nhưng nhằm “lôi kéo” Ấn Độ tham gia BRI, Trung Quốc đã cho New Delhi tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là thành viên thường trực.

 

Mối quan hệ kinh tế

 

Dù có các cuộc đụng độ biên giới lẻ tẻ nhưng mối quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã mở rộng trong thập niên qua. Hơn 100 công ty Trung Quốc, nhiều trong số đó là công ty nhà nước, đã thành lập văn phòng hoạt động của họ ở Ấn Độ, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Các công ty Trung Quốc bao gồm Xiaomi, Huawei, Vivo và Oppo chiếm lĩnh gần 60% thị trường điện thoại di động Ấn Độ, trong khi Ấn Độ xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bông, đồng thô và đá quý.

 

Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên hơn 95 tỷ USD Mỹ trong năm 2018 và trên 53 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, với gần 43 tỷ USD trong đó là xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ. Sự mất cân bằng kinh tế này đã góp phần thúc đẩy Ấn Độ tận dụng chi phí gia tăng của Trung Quốc và tận dụng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc với Mỹ và các quốc gia châu Âu để trở thành ngôi nhà thay thế cho các công ty đa quốc gia lớn.

 

Cuộc chiến trên thị trường xuất khẩu gạo

 

Trong nhiều thập niên, Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, theo sau là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Trung Quốc vốn là một người mua nay lại trở thành người bán khiến Ấn Độ có thêm một đối thủ mới trên thị trường quốc tế, và không chỉ vậy Trung Quốc đang dần thế chân Ấn Độ tại châu Phi, vốn là thị trường mà Ấn Độ thống trị.

 

Trong cuộc đụng độ biên giới mới nhất với Ấn Độ, Trung Quốc tuyên bố sẽ giải quyết tình hình thông qua kênh ngoại giao, nhưng trong một diễn biến khác, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 7/6 công bố một đoạn video cho thấy Trung Quốc đã huy động hàng ngàn lính dù, xe bọc thép, các khí tài quân sự lên biên giới với Ấn Độ để tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn. Toàn bộ quá trình điều động chỉ diễn ra trong vài giờ. Giới chuyên gia cho rằng động thái này của Trung Quốc nhằm phô diễn khả năng và gửi cảnh báo tới Ấn Độ.