(nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Derek Grossman, “Modi’s Multipolar Moment Has Arrived,” Foreign Policy, 06/06/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.
Hiện đang được cả hai phe săn đón, Ấn Độ rõ ràng là ngư ông đắc lợi trong cuộc chiến của Nga.
THẾ GIỚI - Trong mọi cuộc khủng hoảng, luôn có ai đó được hưởng lợi. Trong trường hợp cuộc xâm lược Ukraine của Nga, người đó là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bằng cách từ chối lên án Moscow và tham gia các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu, Modi đã nâng cao tầm vóc toàn cầu của Ấn Độ. Các cường quốc khác – Mỹ, Nga, và Trung Quốc – đều đang ráo riết lấy lòng Ấn Độ, hy vọng sẽ loại bỏ lợi thế chiến lược của các đối thủ của họ. Một khi trở thành tâm điểm chú ý, Modi và chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của ông chắc chắn sẽ tìm cách duy trì động lực này. Nhiều khả năng, mục tiêu của họ sẽ là xây dựng vai trò siêu cường độc lập cho Ấn Độ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống quốc tế đa cực, và sau cùng là củng cố vị thế mới của nước này bằng chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Không điều nào trên đây phủ nhận thực tế rằng Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược quan trọng nhất của Ấn Độ. Hai quốc gia đã đạt được những tiến bộ lớn trong những năm gần đây. Kể từ năm 2018, New Delhi và Washington đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên và ký kết nhiều thỏa thuận an ninh mang tính đột phá. Cả hai nước đều là thành viên của Đối thoại An ninh Bốn bên (Quad/Bộ Tứ), cùng với Australia và Nhật Bản. Tại hội nghị thượng đỉnh Quad ở Tokyo vào tháng trước, Modi đã đích thân gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden lần thứ hai, bổ sung cho các cuộc thảo luận trực tuyến đang diễn ra giữa hai bên. Đồng thời, New Delhi cũng tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mới được công bố gần đây của Washington, nhằm mục đích tăng cường quan hệ kinh tế trong khu vực nhưng không ký hiệp ước thương mại chính thức. Xuyên suốt mối quan hệ đối tác đang nở rộ này, Ấn Độ và Mỹ, với tư cách là hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, đã cam kết biến các giá trị chung của họ (và lợi ích chiến lược trong việc kiềm chế Trung Quốc) thành hành động nhằm duy trì trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ.
Nhưng khi Nga xâm lược Ukraine, Ấn Độ lại quyết định theo đuổi chính sách “siêu hiện thực” (ultra-realist), và bảo vệ lợi ích của chính mình là trên hết – chứ không chỉ vì lý do phụ thuộc sâu sắc vào Nga về thiết bị quân sự. Thay vì lên án một quốc gia có chủ quyền vì đã xâm lược và tìm cách tiêu diệt một quốc gia khác – một sự vi phạm trật tự dựa trên luật lệ không thể chối cãi – Ấn Độ lại từ chối làm vậy. Trong giai đoạn đầu, chiến lược của chính phủ Modi có vẻ như sẽ gây tổn hại cho quan hệ đối tác Mỹ-Ấn. Hồi tháng 3, Biden mô tả cam kết của Ấn Độ về việc trừng phạt Nga là “dễ lung lay.” Sang đầu tháng 4, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh đã đến thăm New Delhi và cảnh báo về những “hậu quả” tiềm tàng dành cho các quốc gia cố gắng phá hoại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 4, chính quyền Biden đã thay đổi quan điểm của mình một cách đáng kể. Biden và Modi đã có nhiều buổi họp trực tuyến trong giai đoạn chuẩn bị cho cái gọi là đối thoại 2 + 2 ở Washington. Sau cuộc họp, rõ ràng là Biden đã chấp nhận quan điểm của Modi. Thông báo từ phía Mỹ lưu ý rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục “tham vấn chặt chẽ” về Nga, và không có dấu hiệu cho thấy Washington đã sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại New Delhi. Ngoài ra, Ấn Độ cũng không phải lên án Nga hoặc đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào khác, chẳng hạn như hạn chế hoặc chấm dứt nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga.
Những xu hướng này sẽ góp phần đưa Ấn Độ vươn lên vị thế cường quốc và là bước chuyển đổi hệ thống toàn cầu theo hướng đa cực hơn nữa.
Các tuyên bố sau đó của Nhà Trắng cho thấy rõ ràng Washington sẽ không thúc ép New Delhi thêm nữa, có lẽ là vì sợ sẽ phá hoại hợp tác chống Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ví dụ, vào tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố “Ấn Độ phải đưa ra quyết định của riêng mình, rằng họ sẽ tiếp cận thách thức này như thế nào.” Tại Tokyo vào tháng trước, Biden nói, “Tôi cam kết đưa quan hệ đối tác Mỹ-Ấn trở thành mối quan hệ gần gũi nhất mà chúng ta có trên Trái Đất” bất chấp những khác biệt liên quan đến Nga. Trong tuyên bố chung của họ, chỉ có Biden lên án Nga, còn Modi thì không. Đó là ví dụ duy nhất về sự khác biệt trong quan điểm của hai nhà lãnh đạo.
Trong vài tháng qua, Ấn Độ cũng đã duy trì quan hệ bền chặt với Nga bằng cách liên tục bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc, khi các nước phương Tây đưa ra các nghị quyết chống lại Nga. Nga và Ấn Độ có quan hệ đối tác lâu dài từ thời Chiến tranh Lạnh, khi New Delhi tin rằng Washington đang tích cực ủng hộ Pakistan. Ấn Độ luôn đánh giá cao sự hỗ trợ của Nga, đặc biệt là trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi tình trạng lãnh thổ của Jammu và Kashmir thường xuyên được đề cập.
Ấn Độ cũng có một lịch sử lâu dài trong việc tận dụng quan hệ đối tác với Nga để chống lại một đối thủ không đội trời chung khác là Trung Quốc, nước mà họ đang có căng thẳng biên giới. Hàng chục năm qua, Ấn Độ vẫn mua vũ khí từ Nga. Theo một ước tính gần đây, khoảng 85% khí tài quân sự của Ấn Độ đến từ Nga. Vào tháng trước, chính quyền Biden được cho là đang xem xét khoản tài trợ quân sự trị giá 500 triệu USD cho Ấn Độ để ngăn chặn việc mua các thiết bị do Nga sản xuất. Cho đến nay, Washington cũng đã thay đổi quan điểm về việc thực thi Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA) vì New Delhi đã mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Moscow. Điều này cho thấy Ấn Độ đơn giản là quá quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, và người Mỹ vì thế sẽ không chọc giận họ bằng các lệnh trừng phạt.
Ấn Độ còn được hưởng lợi từ việc Nga giảm giá dầu và than kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Dù Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar hồi tháng 4 đã đùa rằng lượng dầu Ấn Độ nhập từ Nga trong một tháng còn ít hơn so với những gì châu Âu nhập chỉ trong một buổi chiều, nhập khẩu dầu của New Delhi từ Nga đã tăng mạnh sau lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Điều tương tự cũng đúng đối với than, loại nhiên liệu mà dự trữ của Ấn Độ có thể đang thấp đến mức đáng báo động. Ấn Độ chắc chắn biết ơn vì có năng lượng từ Nga để phát triển kinh tế. Những lời chỉ trích của phương Tây đối với các mặt hàng nhập khẩu này – vốn xuất hiện sau nhiều thập niên Ấn Độ phải nghe than phiền về lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch – chỉ khiến quốc gia hậu thuộc địa lớn nhất thế giới thêm khó chịu. Và họ vẫn còn cực kỳ nhạy cảm khi các quốc gia giàu có, do người da trắng chiếm đa số, yêu cầu họ từ bỏ lợi ích quốc gia về an ninh năng lượng và phát triển bằng năng lượng.
Để cảm ơn New Delhi vì đã không ngừng bảo vệ Moscow tại Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đến thăm Ấn Độ vào tháng 4. Tại đây, ông ca ngợi hệ thống trao đổi tiền tệ rupee-rúp, một giải pháp thay thế để tiến hành giao dịch với các ngân hàng Nga đang bị trừng phạt. Ngoại trưởng Lavrov cũng nói thêm rằng “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ hàng hóa nào mà Ấn Độ muốn mua”. Xét đến những cuộc thảo luận liên tục của Modi với Tổng thống Nga Putin kể từ khi chiến tranh nổ ra, Lavrov thậm chí còn nhắc đến khả năng Ấn Độ đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraine, điều sẽ đưa Ấn Độ vào vị trí nổi bật trên trường quốc tế.
Vì lập trường trung lập của Ấn Độ rõ ràng là mâu thuẫn với chính sách của Mỹ, nên Bắc Kinh cũng đã nhận thấy cơ hội chiến lược để can dự với New Delhi – với mục tiêu chính là kéo nước này khỏi vòng tay siết chặt của Washington. Vào tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc đến thăm Ấn Độ kể từ năm 2019, và đã công khai thể hiện mong muốn của Bắc Kinh. “Nếu hai nước cùng chung tay, cả thế giới sẽ phải chú ý,” ông nói. Trước chuyến thăm của Vương, Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng viết bằng một giọng điệu có tính hòa giải bất thường, “Trung Quốc và Ấn Độ chia sẻ lợi ích chung trên nhiều mặt. Chẳng hạn, phương Tây gần đây đã chĩa mũi dùi vào Ấn Độ vì tin rằng họ đang cân nhắc mua dầu giảm giá của Nga. Nhưng đó là quyền chính đáng của Ấn Độ.”
Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ chưa sẵn sàng để trở nên thân thiện hơn với Trung Quốc, một phần vì những lợi ích mà họ nhận được khi giữ thái độ trung lập, đáng chú ý nhất là lợi ích từ Mỹ. Sau chuyến thăm của Vương, Jaishankar đã đưa ra một câu hỏi tu từ: “Người Mỹ có phân biệt sự khác nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc dựa trên quan điểm của họ đối với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine hay không? Rõ ràng là có.” Dù quan hệ Mỹ-Ấn đã gần gũi hơn, việc duy trì quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ thông qua chính sách không liên kết vẫn là một mục tiêu lâu dài đối với New Delhi. Trong bối cảnh nước Nga và cạnh tranh gia tăng giữa các cường quốc, lập trường đó đang tỏ ra đặc biệt có lợi so với lập trường của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc và Ấn Độ có một cuộc xung đột biên giới kéo dài mà New Delhi cho rằng phải được giải quyết trước khi bình thường hóa quan hệ song phương. Vương Nghị đã tự hại mình khi dừng lại ở Pakistan trước và đưa ra những bình luận chống Ấn Độ về tình trạng của Jammu và Kashmir. Thay vì đồng ý với lập trường công khai thân Nga của Bắc Kinh, New Delhi quyết định chấp nhận một yêu cầu khác của Trung Quốc: Modi sẽ tiếp tục tham gia diễn đàn BRICS, nơi có sự tham gia của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi.
Ngoài các cường quốc, Ấn Độ về cơ bản cũng đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận với các nước quan trọng ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ví dụ, trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhận xét rằng “Lịch sử quan hệ Nga-Ấn rất nổi tiếng, và [hành động của New Delhi] sẽ không thay đổi điều đó.” Chuyến công du qua Đức, Đan Mạch, và Pháp của Modi vào tháng trước đã củng cố thực tế rằng Ấn Độ sẽ không bị gạt sang bên lề bởi chính sách đối với Nga của họ. Ngược lại, ở cả ba nước, Modi đều được tiếp đón trọng thị. Trong trường hợp của Đức, Modi vẫn nằm trong danh sách khách mời tham gia nhóm G-7 vào cuối tháng này tại Bavaria Alps.
Tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khi được hỏi về Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh Quad vào tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu rằng: “Mỗi quốc gia đều có những diễn biến lịch sử cũng như hoàn cảnh địa lý riêng. Ngay cả giữa các quốc gia có cùng chí hướng, quan điểm vẫn có thể không hoàn toàn giống nhau. Đó là điều đương nhiên.” Dù thủ tướng mới của Australia, Anthony Albanese, chỉ vừa nhậm chức được vài tuần, nhưng ông đã gặp Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh Quad và khoe rằng quan hệ song phương “chưa bao giờ gần gũi hơn” bất chấp những gì Albanese gọi là “các quan điểm mạnh mẽ” về vấn đề nước Nga được thảo luận trong nghị trình của Quad.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine chắc chắn mang lại lợi ích cho Ấn Độ, khi các cường quốc đang ngày càng cạnh tranh với nhau hơn nhằm giành được tình cảm của New Delhi, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã ngăn chính sách về Nga của mình phá hỏng quan hệ của họ với các đối tác quan trọng ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những xu hướng này, nếu được duy trì, sẽ góp phần đưa Ấn Độ vươn lên vị thế cường quốc, và theo đó, dịch chuyển hệ thống toàn cầu theo hướng đa cực hơn nữa. Điều có thể làm chệch hướng thành công của New Delhi là sự leo thang nghiêm trọng trong xung đột Nga-Ukraine, điều mà cuối cùng có thể buộc Ấn Độ phải chọn phe giữa các cường quốc. Các đối tác cho đến nay vẫn chấp nhận cách tiếp cận xa cách, thực dụng của Ấn Độ có thể sẽ thất vọng khi New Delhi từ chối gánh vác vai trò cường quốc mới nổi của mình. Nhưng trừ phi, hoặc cho đến khi điều đó xảy ra, Ấn Độ của Modi sẽ tiếp tục hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này.
Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp., giáo sư tại Đại học Nam California, và là cựu cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.
(nghiencuuquocte.org)