Tàu USS Ronald Reagan - Ảnh: Hải quân Mỹ
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ gồm USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã bắt đầu cuộc tập trận ở biển Philippines, một ngày sau khi Washington bày tỏ ủng hộ việc các nhà lãnh đạo ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông.
Theo thông báo của Hải quân Mỹ ngày 28.6, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ bắt đầu triển khai các hoạt động tại biển Philippines, nhằm "củng cố cam kết phản ứng, sự linh hoạt và bền bỉ của Mỹ đối với các thỏa thuận phòng thủ chung với đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Chuẩn Đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, cho biết "Chúng tôi tích cực tìm kiếm mọi cơ hội để phát huy và củng cố năng lực cũng như sự thuần thục trong việc tiến hành các chiến dịch chiến đấu ở mọi địa hình. Hải quân Mỹ vẫn sẵn sàng triển khai trên phạm vi toàn cầu”.
Theo ông Wikoff, hoạt động của tàu sân bay kép thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh khu vực, khả năng tác chiến nhanh chóng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và sẵn sàng đối đầu với tất cả những lực lượng nào thách thức các chuẩn mực quốc tế, vốn giúp ổn định khu vực.
Cuộc tập trận mới nhất của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tại biển Philippines diễn ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra tuyên bố phản đối tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời hoan nghênh ASEAN ủng hộ việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông Pompeo cũng dẫn lại Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26.6.
Cụ thể, trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải hàng không tại Biển Đông, cũng như duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, tại Biển Đông, làm việc tích cực hướng tới việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Mỹ hồi đầu tháng này đã gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định yêu sách phi lý của Bắc Kinh “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Công hàm lần này được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, tiếp nối các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm lên án các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) và tàu huấn luyện JS Kashima (TV 3508) cùng JS Shimayuki (TV 3513) của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) đã tiến hành một cuộc tập trận trên Biển Đông hôm 23.6.
Tháng trước, Hải quân Mỹ cũng đã đưa tàu USS Gabrielle Giffords tới biển Đông để thực hiện cuộc tập trận với tàu hộ vệ RSS Steadfast (FFS 70) của Singapore trong hai ngày 24 và 25.5, động thái được cho là nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.
Tàu USS Gabrielle Giffords hôm 12.5 đã có mặt ở phía nam Biển Đông để tiến hành hoạt động tự do hàng hải. Vào cuối tháng 4, Mỹ cũng đã điều 4 tàu chiến bao gồm USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) và USS Barry (DDG 52) đến tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Úc ởvùng biển chiến lược này.
Không quân Mỹ trong tháng này đã điều các máy bay ném bom B-1B và máy bay do thám trinh sát không người lái Global Hawk tới Biển Đông và các khu vực khác tại Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược rộng hơn nhằm thực hiện các sứ mệnh giám sát và răn đe trong khu vực.
Trang Nhung (theo Japan Times)