Vào đầu tháng 3, Singapore ghi nhận hơn 100 ca nhiễm nCoV và trở thành niềm cảm hứng trong trận chiến chống đại dịch toàn cầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo dõi liên lạc chủ động, kiểm dịch nghiêm ngặt, hạn chế đi lại và xét nghiệm quy mô lớn giúp Singapore làm được điều này. 

 

Nhiều quốc gia khi đó ghen tị trước quốc đảo nhỏ bé khi Singapore thực hiện hàng loạt biện pháp hiệu quả để giữ mức độ lây nhiễm thấp, trong lúc vẫn cho trường học và trung tâm thương mại hoạt động bình thường. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Singapore hồi tháng 2 chỉ ở một con số.

 

Thế nhưng đến đầu tháng 4, số ca nhiễm tại Singapore chạm mốc 1.000 và bức tranh không còn màu hồng. Ngày 1/4, Singapore xác nhận thêm 74 ca nhiễm nCoV mới, một ngày sau nước này thêm 49 ca nhiễm và một người chết. Giới chuyên gia nhận định đất nước 5,7 triệu dân đang hứng đợt bùng phát Covid-19 thứ hai.

Nhân viên y tế tại khu vực sàng lọc của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore ngày 3/4. Ảnh: ST.

Nhân viên y tế tại khu vực sàng lọc của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore ngày 3/4. Ảnh: ST.

Đợt đầu tiên bắt đầu khi các du khách từ Trung Quốc truyền virus sang dân Singapore. Singapore sau đó thực hiện một số biện pháp hạn chế đi lại để ngăn dịch.

Đợt bùng phát thứ hai liên quan đến công dân Singapore trở về từ Mỹ và Anh, các quốc gia đang có số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng mỗi ngày. Giới chức Singapore lo ngại khi đợt bùng phát tiếp theo bao gồm các ca nhiễm nội địa và các ca không truy được nguồn lây.

Để đối phó, Singapore đưa ra các biện pháp "cách biệt cộng đồng" nghiêm ngặt hơn bao gồm cấm khách du lịch từ mọi quốc gia ngày 23/3, đóng cửa quán bar và địa điểm vui chơi ban đêm ngày 27/3, hạn chế tụ tập trên 10 người, phạt các cá nhân hoặc nhà hàng không tuân thủ yêu cầu giữ khoảng cách một mét. Dân chúng được khuyến khích ở nhà và chỉ ra ngoài để mua nhu yếu phẩm.

Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong, đồng chủ tịch nhóm đặc biệt chống Covid-19, nói hai tuần tiếp theo "quan trọng" để chứng minh liệu các biện pháp này hiệu quả hay không. Wong nói chính phủ cần "dân Singapore thấu hiểu rằng thực tế mọi người đều ở trên tuyến đầu".

Singapore hồi tháng 2 xác định 6 cụm dịch nhưng tới tháng 4 tăng lên 20, bao gồm một phòng chụp ảnh cưới, một ký túc xá dành cho công nhân và một viện dưỡng lão, nơi có một cụ bà 102 tuổi nhiễm nCoV. Trung tâm Mustafa, địa điểm mua sắm nổi tiếng của dân Singapore và khách du lịch, là nơi phát hiện 11 ca nhiễm.

"Chắc chắn tất cả chúng ta nên lo lắng về đợt bùng phát thứ hai", giáo sư Jeremy Lim thuộc Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock cho biết. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại Singapore không tăng bất thường trong bối cảnh toàn cầu tăng vọt. Thế giới ghi nhận hơn 86.000 ca nhiễm ngày 29/2, tăng lên gấp gần 10 lần với hơn 858.000 ca ngày 31/3 và vượt một triệu vào hôm qua.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Michael Osterholm tại Đại học Minnesota nhận định cách tiếp cận của Singapore là "một trong những cách tốt nhất", tuy nhiên họ cho thấy nCoV là một loại "virus khó đánh bại và kìm hãm".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả cách tiếp cận của Singapore là "khó bị lật đổ", dù chưa dùng đến biện pháp phong tỏa. Song giới chuyên gia lo ngại khi chiến lược phòng chống Covid-19 của Singapore không đạt được thành công hơn.

Kitty Lee, người đứng đầu bộ phận Khoa học Sức khỏe và Đời sống chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương của công ty Oliver Wyman, mô tả tình hình "tương đối đáng sợ". Lee mô tả dân Singapore chấp hành "hời hợt" yêu cầu "cách biệt cộng đồng", ví dụ chỉ 40% lao động trong khu trung tâm tài chính của quốc đảo làm việc tại nhà.

Chính phủ Singapore sau đó buộc phải cảnh báo các nhà tuyển dụng rằng những người không làm việc tại nhà dù có khả năng sẽ bị truy tố.

Dân Singapore đeo khẩu trang khi ra đường ngày 3/4. Ảnh: Reuters.

Dân Singapore đeo khẩu trang khi ra đường ngày 3/4. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam nói công chúng cần "tích cực hơn" khi thực hiện cách biệt cộng đồng. Leong Hoe Nam nói "Những gì hiện tại là chưa đủ để đánh gục đại dịch. Thay vào đó, đại dịch đang đánh gục chúng ta vì một bộ phận công dân thiếu ý chí".

 

Trưởng khoa Sức khỏe Cộng đồng của Đại học Saw Swee Hock Teo Yik Ying nhận định nếu dân Singapore từ chối làm theo "những chỉ dẫn đơn giản" thì bất kể chính phủ làm điều gì, "một đợt bùng phát không thể kiểm soát" sẽ diễn ra.

 

Các biện pháp cách biệt cộng đồng được nhấn mạnh hơn khi những nghiên cứu mới cho thấy coronavirus có thể lây trước khi người nhiễm biểu hiện triệu chứng. Nhóm chuyên gia y tế Singapore, trong đó có người đứng đầu bộ phận phụ trách bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Vernon Lee, cho biết có 5 người nhiễm không biểu hiện triệu chứng đã lây coronavirus  sang cho 7 người khác.

 

Vernon Lee cho biết tốc độ lây lan của nCoV tại Singapore hiện là dưới một, nghĩa là cứ một người nhiễm virus truyền bệnh cho ít hơn một người khác. Tốc độ lây lan tại Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19, là 2,35 trước khi chính phủ Trung Quốc phong tỏa thành phố.

 

Số ca nhiễm nội địa tăng tại Singapore gây ra tranh luận về việc đeo khẩu trang. Singapore từng khuyến cáo dân chúng không đeo khẩu trang vì cần bảo đảm vật tư cho các nhân viên y tế. Tuy nhiên, Mỹ đã khuyến cáo dân chúng đeo khẩu trang ở nơi công cộng và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đam xem xét lại hướng dẫn trước đó của mình.

 

Một số chuyên gia ở Hong Kong và Nhật Bản cho rằng  văn hóa đeo khẩu trang rộng rãi tại vài quốc gia giúp họ giảm số ca nhiễm coronavirus. Giáo sư Jeremy Lim nói "Có câu hỏi rất nghiêm túc về đeo khẩu trang, đặc biệt ở những nơi có lượng người qua lại đông như tàu hỏa. Đeo khẩu trang cũng có thể tạo cảm giác an toàn giả tạo, khiến dân chúng nới lỏng các biện pháp cách biệt cộng đồng", 

 

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam nói Singapore đối mặt với hai thách thức là không đủ khẩu trang cho toàn dân và cần thêm người thực hiện cách biệt cộng đồng. Leong Hoe Nam cảnh báo nếu không hành động thêm, hệ thống y tế của Singapore có thể bị số ca nhiễm coronavirus "tăng theo cấp số nhân" áp đảo.

 

Giới chuyên gia hy vọng lập trường cứng rắn của chính phủ về làm việc tại nhà sẽ có hiệu quả ngăn Covid-19 tại Singapore. Song giáo sư Lim nói giới chức Singapore đã hết các lựa chọn thi hành chặt chẽ hơn biện pháp cách biệt cộng đồng.

 

 Lim nói "Có lẽ chỉ còn ba việc nữa để làm: đóng cửa trường học, dừng hoạt động hệ thống giao thông công cộng và buộc các địa điểm ăn uống cùng trung tâm thương mại ngừng kinh doanh. Tôi không chắc còn gì thêm để làm".

 

Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 1,1 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 59.000 người chết và hơn 228.000 người đã hồi phục. Singapore xác nhận hơn 1.100 người nhiễm, trong đó 5 người chết và hơn 280 người đã hồi phục.

Hôm qua, Thủ tướng Lý Hiển Long đã quyết định đóng cửa trường học (từ 8/4), hầu hết các nơi làm việc (từ 7/4), trừ những dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, bệnh viện, giao thông, trong một tháng.

 

Thủ tướng Lý nói "Chúng ta phải hành động quyết liệt ngay bây giờ, nhằm ngăn chặn trước lây nhiễm leo thang".

 

Nguyễn Tiến (Theo SCMP)