Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 sáng 18/7 (giờ GMT+7), trên toàn thế giới ghi nhận hơn  190 triệu ca mắc Covid-19 và 4,098,541 ca tử vong. Số ca điều trị khỏi là 173,812,786 ca.

 

 

 

 

Cập nhật tin Covid-19 ngày 18/7: Toàn thế giới vượt 190 triệu ca nhiễm, Anh tiếp tục mốc cao chưa từng thấy.

 

 

 

 

 

Tại châu Á, ngoài một số nước ở khu vực Đông Nam Á đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, đại dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp tại Iran.

 

 

Theo thông báo ngày 17/7 của Bộ Y tế Iran, tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 tại nước này đã tăng lên 86,966 người, với 175 ca ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca mắc mới cũng tăng 15,139 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3,118,349 ca.

 

 

Phát biểu tại cuộc họp ngày 17/7 của Ủy ban Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, cam kết chính phủ nước này sẽ nỗ lực hết sức để kiểm soát các khu vực biên giới và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nước.

 

 

Ông Rouhani cho biết thêm Iran sẽ tiếp nhận 6-7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong tuần này. Tới nay hơn 7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm cho người dân Iran và 2 triệu liều nữa sẽ sớm được tiêm trong thời gian tới.

 

 

Tại châu Âu, sự lây lan biến thể Delta của coronavirus đang khiến số ca mắc mới Covid-19 ở Anh tăng cao trở lại.

 

 

Ngày 17/7, nước Anh ghi nhận thêm 54,674 ca mắc Covid-19, tăng gần 3,000 ca so với một ngày trước đó, lên mức cao nhất trong 6 tháng qua. Tổng số ca mắc theo ngày trong 4 ngày qua ở nước này cũng chạm các mốc cao chưa thấy kể từ ngày 15/1.

 

 

Tại châu Mỹ, Mexico ghi nhận tới 12.631 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 17/7, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 2,654,699 ca. Số ca tử vong cũng tăng 225 lên 236,240 ca. Số ca mắc mới tại quốc gia Bắc Trung Mỹ này trong tuần qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua.

 

 

Chính phủ Mexico nhận định số ca mắc Covid-19 ở nước này thực tế cao hơn nhiều, trong khi dữ liệu công bố gần đây cho thấy số ca tử vong thực tế có thể cao hơn 60% so với số liệu chính thức.

 

 

Trong khi đó, Brazil đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới, tạo thêm sức ép đối với hệ thống y tế.

 

 

Theo Bộ Y tế Brazil ngày 17/7, với 868 ca tử vong do Covid-19 ghi nhận trong 24 giờ qua, hiện số ca tử vong tại nước này là 541,266 ca trong tổng số 19,342,448 ca mắc (tăng 34,339 ca trong 24 giờ qua).

 

 

Brazil hiện là quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, trong khi số ca mắc cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Ấn Độ.

 

 

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Brazil là 257,6 ca/100,000 dân. Cho đến nay, quốc gia Nam Mỹ này có hơn 120 triệu người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 và 33,2 triệu người đã tiêm đủ liều.

 

 

 

Mỹ: Ba nghị sĩ bang Texas thăm Washington dương tính với coronavirus

 

 

Trong tuyên bố ngày 17/7, phe Dân chủ tại Hạ viện bang Texas thông báo 3 nghị sĩ Dân chủ đại diện cho bang này, những người đã tới thủ đô Washington D.C để ngăn chặn một đạo luật bầu cử do phe Cộng hòa bảo trợ, đã dương tính với coronavirus.

 

 

Theo tuyên bố, cả 3 nghị sĩ này đều đã được tiêm phòng Covid-19, song vẫn dương tính trong 24 giờ gần nhất.

 

 

Phát biểu với đài MSNBC cùng ngày, Hạ nghị sĩ bang Texas Ron Reynolds, một trong những đại biểu của đảng Dân chủ đi tới Washington, nhấn mạnh: "Chúng tôi đang xử lý vụ việc này rất nghiêm túc. Chúng tôi đã tuân thủ toàn bộ hướng dẫn của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ)... và chúng tôi sẽ đảm bảo không lây cho bất kỳ ai".

 

 

Theo CBS News, trong tuần qua, phái đoàn nghị sĩ bang Texas đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội, trong đó có lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer.

 

 

Các trường hợp mắc Covid-19 ở Mỹ đã tăng so với tuần qua với số ca mắc mới tăng 70% và số ca tử vong tăng 26%.

 

 

Pháp: Biểu tình lớn phản đối "giấy thông hành Covid-19".

 

Ngày 17/7, một cuộc biểu tình phản đối việc áp dụng cái gọi là "giấy thông hành COVID-19" ở Pháp cũng như việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế đã diễn ra ở Paris.

 

 

Biểu tình diễn ra sau khi Tổng thống Emmanuel Macron lên sóng truyền hình hôm 12/7 để thông báo về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ tư do biến thể Delta của coronavirus gây ra, cũng như các giải pháp kiềm chế dịch bệnh mà chính phủ sẽ áp dụng trong thời gian tới, trong đó có biện pháp áp dụng việc kiểm tra giấy chứng nhận sức khỏe (đã tiêm chủng, hoặc kết quả âm tính với test PCR) đối với những ai muốn đến các quán bar, nhà hàng, trung tâm thương mại, cũng như lên tàu hỏa, ô tô đường dài hoặc máy bay bắt đầu từ tháng 8 tới.

 

 

Ngoài ra, từ ngày 21/7, nhà chức sách sẽ yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận này nếu muốn tham gia các sự kiện văn hóa, chương trình biểu diễn, lễ hội.