Getty Images

 

 

 

 

Reuters đưa tin các viên chức Mỹ dự kiến gặp gỡ các chuyên viên đàm phán từ Ukraine và Nga tại Ả Rập Saudi để thảo luận chi tiết về đề nghị ngừng bắn 30 ngày đối với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng cũng như một thỏa thuận hòa bình dài hạn hơn.

 

Các quan chức đàm phán Nga và Ukraine sẽ không ngồi chung phòng. Các viên chức do Kyiv cử đến gặp nhóm Mỹ tại Riyadh vào tối ngày 23/3 giờ địa phương. Tiếp theo đó là các cuộc đàm phán vào ngày 24/3 giữa các viên chức đàm phán Nga và Mỹ.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói chuyện vào tuần trước với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, để thúc đẩy nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine.

 

Dưới đây là một số vấn đề mà Nga, Mỹ và Ukraine đang thảo luận trong ngày 24/3.

 

 

Ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng

 

Theo Tòa Bạch Ốc, ông Putin và ông Trump đã đồng ý vào tuần trước "rằng tiến trình hòa bình sẽ bắt đầu" bằng việc tạm dừng 30 ngày các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của cả Nga lẫn Ukraine.

Lệnh ngừng bắn với định nghĩa hẹp này nhanh chóng bị nghi ngờ, khi Moscow nói rằng Ukraine đã tấn công một kho dầu ở miền nam Nga, trong khi Kyiv cho rằng Nga đã tấn công bệnh viện và nhà dân, đồng thời làm mất điện một số tuyến đường sắt.

 

Tổng thống Zelenskyy cho hay Kyiv sẽ lập danh sách các cơ sở có thể thuộc diện ngừng bắn một phần. Danh sách này có thể không chỉ bao gồm năng lượng mà còn cả hạ tầng đường sắt và cảng biển.

 

Việc tạm dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng có thể có lợi cho Moscow hơn Kyiv vì điều này sẽ ngăn Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào các cơ sở dầu mỏ của Nga - một chiến lược quan trọng nhằm gây tổn hại cho đối phương.

 

 

Một cơ sở năng lượng của Ukraine bị hỏa tiễn Nga tấn công. Getty Images

 

 

 

Nhà máy điện nguyên tử

 

Một tuyên bố của Mỹ cho hay Tổng thống Trump đã đề nghị trong cuộc gọi với người đồng cấp Zelenskyy rằng Mỹ có thể giúp vận hành và có thể sở hữu các nhà máy điện nguyên tử và hạ tầng cơ sở năng lượng của Ukraine.

 

Ông Zelenskyy nói rằng mình và ông Trump đã thảo luận về cơ sở Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng ở Ukraine - nhà máy nguyên tử lớn nhất Âu châu. Nga và Ukraine đã cáo buộc lẫn nhau gây nguy cơ tai nạn tại nhà máy này bằng các hành động của họ.

 

Tổng thống Ukraine nói rằng Kyiv sẽ sẵn sàng thảo luận về sự tham gia của Mỹ vào việc hiện đại hóa nhà máy nếu cơ sở này được trả lại cho Ukraine.

 

Ukraine sẽ được hưởng lợi về lâu dài từ việc giành lại quyền kiểm soát nhà máy - nơi tạo ra 20 phần trăm tổng sản lượng điện của nước này trước chiến tranh.

 

Tuy nhiên, ông Zelenskyy đã cảnh báo rằng sẽ mất hai năm rưỡi để đưa nhà máy hoạt động trở lại do nhiều khó khăn kỹ thuật. Các nguồn tin trong ngành nói với Reuters rằng cũng sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ cho nhà máy.

 

 

Vận tải Biển Đen

 

Điện Kremlin cho biết ông Putin đã "cho phản hồi mang tính xây dựng" đối với sáng kiến của ông Trump về việc bảo vệ vận tải Biển Đen và họ đã đồng ý bắt đầu đàm phán về vấn đề này.

 

Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã giúp làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận được ký kết vào tháng 7/2022 cho phép xuất cảng an toàn gần 33 triệu tấn ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen bất chấp chiến tranh.

 

Nga đã rút khỏi thỏa thuận sau một năm, phàn nàn rằng xuất cảng lương thực và phân bón của chính họ gặp phải những trở ngại nghiêm trọng.

 

Triển vọng hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng Thế giới từ tháng 4/2024 cho thấy bất chấp những rủi ro vận tải Biển Đen thì cả Nga và Ukraine đều đang vận chuyển ngũ cốc ra thị trường toàn cầu mà không gặp vấn đề lớn. Họ cũng cho biết sự sụp đổ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chỉ có tác động tối thiểu.

 

 

Vận tải trên Biển Đen. Getty Images

 

 

Trao đổi tù nhân

 

Nga và Ukraine đã trao đổi 175 tù binh chiến tranh mỗi bên, cả hai cho biết vào ngày 19/3. Nga đã trao trả thêm 22 tù nhân Ukraine bị thương nặng - điều mà Bộ Quốc phòng Nga gọi là một cử chỉ thiện chí.

 

Ông Zelenskyy mô tả cuộc trao đổi là một trong những cuộc trao đổi lớn nhất thuộc loại này và nói rằng 22 người Ukraine là "những chiến binh bị thương nặng và những người bị Nga truy tố vì những tội ác bịa đặt".

 

 

Tư cách thành viên NATO

 

Tổng thống Nga Putin đã nói rằng ông muốn Ukraine chính thức từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Ukraine định nghĩa việc gia nhập NATO là một mục tiêu trong hiến pháp của mình và nói rằng vai trò thành viên trong khối sẽ là hình thức bảo đảm an ninh tốt nhất và hiệu quả nhất mà họ có thể nhận được như một phần của thỏa thuận hòa bình.

 

Tháng trước, John Coale, phó đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, cho biết Mỹ chưa loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO - hoặc đàm phán để trở lại biên giới trước năm 2014 - trái ngược với những bình luận được đưa ra một ngày trước đó từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.

 

Ông Hegseth đã nói với các đồng minh quân sự của Ukraine ở Brussels, Bỉ rằng việc trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là không thực tế và Mỹ không coi tư cách thành viên NATO cho Kyiv là một phần của giải pháp cho cuộc chiến - khiến nhiều bên lo ngại rằng Mỹ đã nhượng bộ ngay cả trước khi bắt đầu đàm phán.

 

Tổng thống Trump đã nói rằng ông không tin Nga sẽ "cho phép" Ukraine gia nhập NATO. Ông Trump đổ lỗi cho người tiền nhiệm Joe Biden vì đã thúc đẩy ý tưởng này, mặc dù ý tưởng này vốn được Tổng thống Cộng hòa George W. Bush ủng hộ lần đầu vào năm 2008.

 

 

An ninh hậu chiến của Ukraine

 

Với việc tư cách thành viên NATO không phải là một triển vọng trước mắt, Ukraine đang tìm kiếm các bảo đảm được xây dựng trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào về an ninh dài hạn của mình - nhưng điều đó trái ngược với những gì Điện Kremlin muốn từ một thỏa thuận.

 

Kyiv và những bên ủng hộ ở Âu châu đồng ý rằng chìa khóa cho an ninh của họ là một quân đội Ukraine mạnh mẽ, không bị ràng buộc. Trong khi đó, Moscow đã nói rằng một điều kiện của thỏa thuận hòa bình là sự giảm lực lượng của Ukraine.

 

Anh và Pháp đang theo đuổi kế hoạch tạo ra một lực lượng răn đe có quân lính, tàu và máy bay nước ngoài sẽ đóng quân trong hoặc xung quanh Ukraine sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết. Chi tiết về cách lực lượng này sẽ hoạt động và bên nào sẽ đóng góp vẫn chưa rõ ràng.

 

Nhưng một số quan chức Nga đã nói rằng họ không thể chấp nhận một lực lượng như vậy.

 

 

Các lệnh trừng phạt của Tây phương, bầu cử

 

Ông Putin đã nói rằng mình muốn các lệnh trừng phạt của Tây phương được nới lỏng và một cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ở Ukraine.

 

Kyiv đã không tổ chức bất kỳ cuộc bầu cử nào kể từ năm 2019 do thiết quân luật thời chiến cấm tổ chức bầu cử. Các viên chức Ukraine cũng nói rằng việc tổ chức bầu cử trong thời chiến là không thể thực hiện được trên thực tế.

 

Các viên chức Ukraine nói rằng họ là một quốc gia có chủ quyền và không phải là việc của Moscow để ra lệnh khi nào họ tổ chức bầu cử.

Mỹ đã dẫn đầu các nỗ lực trừng phạt rộng rãi chống lại Nga dưới thời ông Biden. Các biện pháp bao gồm các biện pháp nhằm hạn chế doanh thu từ dầu khí của họ, bao gồm mức trần 60 USD/thùng đối với xuất cảng dầu của Nga.

 

Kể từ khi ông Trump trở lại nắm quyền vào tháng Một với cam kết đạt được hòa bình ở Ukraine, các nguồn tin nói với Reuters rằng chính quyền của ông đã nghiên cứu các cách có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt nếu Moscow đồng ý chấm dứt chiến tranh.

 

Tuy nhiên, tháng này ông Trump cũng đã đề cập triển vọng áp đặt các hạn chế ngân hàng và thuế quan quy mô lớn đối với Nga cho đến khi đạt được hòa bình.

 

 

Lãnh thổ bị Nga kiểm soát

 

Nga muốn kiểm soát toàn bộ bốn khu vực miền đông Ukraine mà họ đã tuyên bố là của mình, cộng với bán đảo Crimea mà họ đã chiếm giữ và sáp nhập hồi năm 2014.

 

Tờ báo Kommersant của Nga, trích dẫn các nguồn tin giấu tên tham dự một sự kiện kinh doanh riêng tư với Tổng thống Putin vào hôm 18/3, cho biết ông muốn Mỹ chính thức công nhận bốn vùng - Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson - là một phần của Nga, cũng như với Crimea.

 

Ukraine thừa nhận rằng họ không thể giành lại một số lãnh thổ bị chiếm đóng bằng vũ lực và sẽ phải sử dụng biện pháp ngoại giao theo thời gian.

 

Tuy nhiên, Kyiv khẳng định sẽ không bao giờ công nhận chủ quyền của Nga đối với lãnh thổ Ukraine.

 

Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, Mike Waltz, khi được hỏi vào ngày 23/3 liệu Mỹ có chấp nhận một thỏa thuận hòa bình cho phép Nga giữ lãnh thổ Ukraine hay không, đã trả lời: "Chúng ta phải tự hỏi, điều đó có lợi cho lợi ích quốc gia của chúng ta không? Nó có thực tế không?... Chúng ta có định đuổi hết người Nga khỏi từng tấc đất Ukraine không?"

 

 

Vùng Luhansk. Getty Images

 

 

 

Tài nguyên thiên nhiên của Ukraine

 

Kyiv và Washington đang thảo luận về một thỏa thuận theo đó Mỹ sẽ nhận được lợi nhuận tài chính từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, đặc biệt là đất hiếm dùng để sản xuất thiết bị điện tử.

 

Nỗ lực hoàn tất thỏa thuận đã gặp trở ngại sau cuộc gặp gỡ không thành công tại Tòa Bạch Ốc giữa ông Trump và ông Zelenskiy vào cuối tháng trước. Tổng thống Trump đã nói vào ngày 21/3 rằng một thỏa thuận về đất hiếm sẽ sớm được ký kết.

 

Ngoài thỏa thuận đó, cơ sở hạ tầng khí đốt của Ukraine cũng có thể là mối quan tâm của Tòa Bạch Ốc. Ukraine có trữ lượng khí đốt ngầm lớn thứ ba thế giới.

 

Họ có thể nhập cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, lưu trữ và sau đó vận chuyển về phía tây đến các nước Âu châu đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế khí đốt tự nhiên của Nga.

 

 

 

(Theo BBC)