Một người lính Ukraine chất thi thể của những quân nhân Ukraine thiệt mạng lên một chiếc xe tải gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, Thứ Năm, ngày 25 tháng 5 năm 2023. (Ảnh AP/Efrem Lukatsky) Nguồn: AP / Efrem Lukatsky/AP
Tổng thống Belarus, Lukashenko, cho thấy rằng vũ khí hạt nhân đã sẳn sàng ở Belarus và điều này được đưa ra vào lúc Moscow và Minsk chính thức hóa việc khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga. Trong khi đó, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga tuyên bố rút quân khỏi thành phố Bakhmut với tiết lộ cho biết con số thương vong là đáng kể.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố khai triển vũ khí hạt nhân tầm ngắn ở Belarus vào đầu năm nay trong một động thái được nhiều người coi là lời cảnh báo dành cho phương Tây vì đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Giờ đây, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ám chỉ rằng vũ khí hạt nhân đã có ở Belarus, khi Moscow và Minsk ký một thỏa thuận chính thức hóa việc khai triển của họ.
"Vâng, một quyết định đã được đưa ra dựa trên những lời nói miệng. Chúng tôi phải chuẩn bị các địa điểm cất giữ và những thứ khác ở Belarus. Chúng tôi đã làm tất cả những điều này. Đây là lý do tại sao việc di dời các đầu đạn hạt nhân bắt đầu."
Vẫn chưa có chi tiết rõ ràng về ngày khai triển và số lượng vũ khí hạt nhân hiện có ở Belarus .
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, với tầm bắn ngắn hơn và năng suất thấp hơn so với hỏa tiễn chiến lược.
Lãnh đạo phe đối lập Belarus, Sviatlana Tsikhanouskaya, nói rằng mặc dù quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân vẫn thuộc về Điện Kremlin, vẫn có những lo ngại về diễn biến này.
"Việc triển khai bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào ở Belarus không chỉ vi phạm cam kết quốc tế, chẳng hạn như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Nó còn vi phạm tình trạng phi hạt nhân của chúng tôi theo Hiến pháp và ý chí của người dân Belarus. Nó sẽ biến người dân Belarus thành con tin cho tham vọng đế quốc của Nga. Vẫn chưa quá muộn, nhưng thời gian không còn nhiều. Tôi yêu cầu các đối tác và đồng minh của chúng ta thực hiện các bước vững chắc để ngăn chặn việc khai triển vũ khí hạt nhân ở Belarus. Tôi yêu cầu các bạn xem xét các biện pháp trừng phạt phòng ngừa đối với Nga và chế độ của Lukashenko. Họ phải biết rằng nếu việc khai triển xảy ra, những kẻ độc tài sẽ phải đối mặt với những hậu quả tàn khốc."
Trong bối cảnh lo ngại về những diễn biến mới nhất ở Belarus, sự chú ý cũng tập trung vào thành phố Bakhmut.
Người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, Yevgeny Prigozhin, cho biết lực lượng của ông đã bắt đầu rút khỏi thành phố, với kế hoạch bàn giao quyền kiểm soát cho quân đội Nga trước ngày 1 tháng Sáu.
Ông nói rằng lực lượng của ông sẵn sàng quay trở lại nếu quân đội chính quy của Nga cảm thấy khó kiểm soát tình hình.
"Chúng tôi sẽ rút các đơn vị khỏi Bakhmut hôm nay. Bây giờ là 5 giờ sáng - ngày 25 tháng 5. Cho đến ngày 1 tháng 6, bộ phận chính sẽ được di dời về các trại phía sau. Chúng tôi đang bàn giao các vị trí quân sự, đạn dược, mọi thứ, bao gồm cả lương khô, cho Quân đội chính quy của Nga."
Trận chiến giành Bakhmut là trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc chiến này.
Ông Prigozhin tiết lộ trong tuần này rằng 20.000 chiến binh trong đội quân đánh thuê của ông đã thiệt mạng trong thành phố.
Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói rằng những con số đó có vẻ chính xác.
"Con số ước tính đó phần lớn phù hợp với những gì chúng tôi đã thông báo cho các bạn cách đây không lâu, gần như chính xác. Tôi lưu ý là con số này là khoảng vài tuần trước. Vì vậy, có khả năng là trong những ngày tiếp theo chúng tôi sẽ điều chỉnh con số đó vì con số thương vong mà họ phải chịu thêm. Điểm đáng chú ý chính là cuộc tấn công ở Bakhmut này đã khiến Nga phải trả giá đắt khủng khiếp. Như tôi đã nói, nó giống như một chiếc cối xay thịt đối với họ."
Ở một mặt trận khác, Nga đã cáo buộc các chiến binh Ukraine vượt biên vào thị trấn biên giới của họ ở khu vực Belgorod để tiến hành các cuộc tấn công, khiến người dân phải sơ tán.
Họ cáo buộc nhóm này được trang bị vũ khí do Mỹ cung cấp.
Ukraine phủ nhận mọi liên quan đến trận chiến, thay vào đó đổ lỗi cho hai nhóm người Nga tự xưng là tình nguyện viên chiến đấu bên cạnh lực lượng Ukraine trong cuộc nổi dậy chống lại chính phủ của Tổng thống Putin.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói rằng nếu vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp được sử dụng thì điều đó sẽ vi phạm thỏa thuận mà họ có với Ukraine - bởi vì đây không phải là cuộc chiến của Hoa Kỳ.
"Họ là một quốc gia đang có chiến tranh. Đó là một mối đe dọa hiện hữu. Họ đang chiến đấu để sinh tồn. Tôi không thể nói với bạn một cách chính xác ngay lúc này rằng liệu điều đó - và tôi đã xem những video tương tự - liệu đó có phải là thiết bị do Hoa Kỳ cung cấp hay không, và tính chất của cuộc tấn công là gì. Ai đã làm gì với ai. Tôi không thể nói điều đó một cách dứt khoát ngay lúc này. Nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã yêu cầu người Ukraine không sử dụng thiết bị do Hoa Kỳ cung cấp cho các cuộc tấn công trực tiếp vào Nga. Tại sao vậy? Bởi vì chúng tôi không muốn, vì đây là cuộc chiến của Ukraine. Đây không phải là cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Nga. Đây không phải là cuộc chiến giữa NATO và Nga. Đây là cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, và chúng tôi đang hỗ trợ, cung cấp và giúp đào tạo, cố vấn và hỗ trợ Ukraine. Nhưng đó không phải là xung đột trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Nga."
Bộ trưởng Austin cũng cho biết ông hy vọng rằng việc đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất sẽ bắt đầu trong những tuần tới.
"Tuần trước, Tổng thống Biden đã thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong nỗ lực chung đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay thế hệ thứ tư, bao gồm cả F-16. Bây giờ chúng tôi hy vọng khóa đào tạo này sẽ bắt đầu trong những tuần tới. Điều này sẽ tăng cường và cải thiện hơn nữa khả năng của Lực lượng Không quân Ukraine trong dài hạn, và nó sẽ bổ sung cho các thỏa thuận an ninh ngắn hạn và trung hạn của chúng tôi."
Trong khi đó, cách xa mặt trận, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã có một bài phát biểu bất ngờ trước các sinh viên tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins, thúc giục họ nắm lấy cơ hội của mình và duy trì các giá trị dân chủ. Phát biểu qua buổi phát trực tiếp từ Ukraine, ông Zenenskyy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt thời điểm và sử dụng bất kỳ nguồn lực nào họ có để theo đuổi đam mê của mình.
"Mọi người cuối cùng đều nhận ra rằng thời gian là nguồn tài nguyên quý giá nhất trên hành tinh. Không phải dầu mỏ hay uranium, không phải lithium hay bất cứ thứ gì khác - mà là thời gian. Thời gian. Dòng chảy thận trọng của thời gian thuyết phục chúng ta về điều này. Một số người nhận ra điều này sớm hơn , và đây là những người may mắn. Những người khác nhận ra rằng đã quá muộn khi họ mất đi ai đó hoặc thứ gì đó. Con người không thể tránh khỏi điều đó. Vấn đề đây chỉ là thời gian."