TRUNG QUỐC - Đế chế của Jack Ma ở thời điểm tháng 6/2021 chỉ bằng 1 nửa so với giá trị của chính nó cách đó 9 tháng. Tất cả là vì Ma đã chọc vào một ổ kiến lửa.

 

 

 

"Kìm cương con ngựa" là một thuật ngữ hiện tại đang rất nổi tiếng ở Trung Quốc, dùng để chỉ quá trình chính phủ Trung Quốc dần phá vỡ thế lực của Jack Ma. Đế chế của ông ở thời điểm tháng 6/2021 chỉ bằng 1 nửa so với giá trị của chính nó cách đó 9 tháng.

 

 

 

Quá trình ấy vẫn chưa kết thúc. Từng bước một, đế chế hùng mạnh của Jack Ma bị tước đi sự ảnh hưởng, khi những mảng hái ra tiền của họ được chỉ định cho một công ty khác xử lý.

 

 

 

Từng là người đàn ông quyền lực nhất.

 

Cách đây 1 năm, Jack Ma (hay Mã Vân) là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc. Ông là người sáng lập ra hãng công nghệ lớn Alibaba, và mở ra The Ant Group - cũng là tập đoàn tài chính công nghệ lớn nhất toàn cầu. Đế chế của ông đã đạt được quyền lực rất lớn, sánh ngang với những gã khổng lồ của phương Tây. Giá trị của Alibaba có lúc còn vượt trên rất nhiều công ty Mỹ, chỉ thua Apple, Amazon và Google.

 

 

Xét về danh tiếng, Jack Ma giống như một ngôi sao toàn cầu, là người Trung Quốc nổi tiếng nhất. Ông giống như Jeff Bezos, Elon Musk và Bill Gates cộng lại vậy. Hai công ty do Jack Ma sáng lập giống như một biểu tượng, tạo ra một "thời đại của Jack Ma" - theo truyền thông Trung Quốc tung hô.

 

 

Một đế chế hùng mạnh nhường ấy rõ ràng sẽ gây chú ý khi nó đột nhiên bị giảm giá trị. Các tài sản của Ma bị tước đi, bị "down giá" không phanh, trong động thái được gọi là "chấn chỉnh" của chính phủ Trung Quốc đối với người đàn ông đang dần trở nên khó kiểm soát.

 

 

 

Kìm cương con ngựa chứng.

 

Sau bài phát biểu chỉ trích hệ thống pháp lý gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tại Trung Quốc hồi tháng 10/2020, Jack Ma và các công ty trong đế chế của ông bị đưa vào điều tra. Đây cũng là lúc, quá trình "kìm cương con ngựa Mã Vân" bắt đầu.

 

Đầu tiên phải kể đến thương vụ lên sàn (IPO) của tập đoàn Ant. Đó là thương vụ IPO đáng lẽ đã đạt kỷ lục thế giới. Bởi trước đó, thương vụ IPO lớn nhất thuộc về Alibaba vào năm 2014, trong khi Ant đã vượt qua cột mốc ấy tới 40%.

 

 

Quy mô khủng khiếp ấy thậm chí cũng không thể lột tả hết toàn cảnh bức tranh của đợt mở bán này. Nó trở thành một hiện tượng tài chính thực sự với giá trị cổ phiếu trong thị trường riêng đã tăng đến 50% trước ngày hiệu lực, trong khi lượt đăng ký cao hơn quy định đến 80 lần. Tạp chí Wall Street gọi đây là "cuộc tranh giành trị giá 3 nghìn tỉ (đô)". Còn bản thân Jack Ma, ông nhận định đây cũng là lần IPO lớn nhất trong lịch sử loài người.

 

 

Nhưng khi đã chọc vào tổ kiến lửa, ắt sẽ bị cắn. Đợt IPO ấy bị hủy bỏ, Ant được yêu cầu phải ngưng IPO và trở thành tập đoàn trực thuộc quản lý của ngân hàng trung ương. Theo sau đó, Ant dần bị loại bỏ, khi các lĩnh vực tài chính bên trong được tái cấu trúc, hoạt động với các đối tác mới.

 

 

Các tài sản giá trị nhất của Ant cũng đã bị để ý - chính là dữ liệu của khách hàng tới từ hàng tỉ giao dịch được thực hiện. Các chuyên gia công nghệ cho biết khối dữ liệu khổng lồ này là một lợi thế cạnh tranh khủng khiếp mà Ant có được, để dễ dàng vượt qua các ngân hàng truyền thống trong việc đưa ra các quyết định cho vay tín dụng.

 

"Ant được yêu cầu phải từ bỏ thế "độc quyền thông tin" với lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ," - theo thông báo của ngân hàng trung ương.

 

 

 

Loại bỏ các lợi thế từ Quỹ tiền tệ Ant.

 

Thị trường tiền tệ của Tập đoàn Ant có thể xem là câu chuyện thành công bùng nổ bậc nhất. Chỉ mất 4 năm, họ có một quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới, vượt qua cả Fidelity và JP Morgan của Mỹ cùng vô số các ngân hàng lớn trên thế giới. Quỹ này được xây dựng bằng cách mời người tiêu dùng Trung Quốc giữ tiền nhàn rỗi trong tài khoản tại công ty này.

 

 

 

 

 

Và lại một lần nữa, lợi thế ấy bị can thiệp. Doanh số của Ant giảm đến 18% trong quý đầu năm 2021, và 50% so với thời kỳ đạt đỉnh.

 

 

"Quỹ tài chính của Tập đoàn Ant đã thu hẹp ở mức thấp nhất trong 4 năm qua, khi người dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ của các công ty tách ra từ Ant. Tập đoàn được yêu cầu phải giảm quy mô quỹ theo cam kết tái cơ cấu đã ký kết với chính phủ."

 

 

 

Khoản tiền phạt kỷ lục và những rắc rối không tên.

 

Tháng 4/2021, mức phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD được áp lên Alibaba của Jack Ma, do vi phạm quy định chống độc quyền. Con số này dù chẳng thấm vào đâu so với những tổn thất mà họ gánh chịu khi Ant bị chia nhỏ, nhưng thứ quan trọng hơn là lời buộc tội. Công ty bị cáo buộc đã làm "lũng đoạn thị trường", đồng thời bị buộc phải "chấn chỉnh" và "thu hẹp quy mô" ngay lập tức.

 

 

Chính phủ Trung Quốc cũng áp vài lệnh phạt lên tập đoàn. Chúng nhỏ thôi, nhưng nhiều lần như vậy thì lại là vấn đề khác. Chẳng hạn như trình duyệt nổi tiếng của Alibaba (vốn đứng thứ 2 trên thị trường với 400 triệu người dùng) đã bị xóa sổ, không còn hiện diện trên tất cả các kho ứng dụng vào tháng 3/2021. Rồi trong tháng 4, chính phủ Trung Quốc tuyên bố điều tra giao dịch của Ant với sàn chứng khoán Thượng Hải, với các cáo buộc về giao dịch nội gián và hối lộ.

 

 

 

Trường đại học của Jack Ma bị đóng cửa.

 

Cũng trong tháng 4/2021, Jack Ma thôi chức chủ tịch ĐH Hupan - ngôi trường kinh doanh do chính ông sáng lập vào năm 2015, với rất nhiều tâm huyết đặt vào đó.

 

 

Hupan vốn là một ngôi trường với nhiều điểm đổi mới và hoài bão. Jack Ma tin rằng đây là một môi trường đầy hứa hẹn cho giáo dục kinh doanh, với các cách tiếp cận mới vượt xa nhiều nơi khác. Để vào được ngôi trường này cũng không đơn giản. Phải mất 6 tháng tuyển chọn khắt khe mới khai giảng. Người đứng lớp là CEO từ các công ty kỳ lân công nghệ tại Trung Quốc.

 

 

Nhưng ngôi trường ấy đã gặp khó, khi Jack Ma miễn nhiệm. "Ngôi trường này nổi tiếng nhờ Jack Ma chứ không phải vì bản thân nó," - một ý kiến nhận xét với Forbes. Khi ông không ở đây, rất khó để Hupan thu hút được thêm học sinh mới. Mà thực tế, ngôi trường đã phải hoãn lại khóa học mới nhất của họ.

 

 

Huarong lên nắm quyền?.

 

Cuối tháng 5/2021, nhà chức trách cấp phép cho tập đoàn Ant của Jack Ma mở một công ty tài chính mới, tiếp quản mảng thu về lợi nhuận lớn nhất của Ant - chính là công ty cho vay tiêu dùng.

 

 

Ant sẽ đóng góp lượng vốn lên tới 155 tỉ USD, nhưng lại chỉ sở hữu 50% cổ phần công ty mới - mang tên Chongqing Ant Consumer Finance (Công ty tài chính tiêu dùng Ant Trùng Khánh). Nửa còn lại do một số đối tác mới nắm giữ - gồm một công ty sản xuất pin, một công ty làm camera giám sát, và một ngân hàng lập ra từ năm 1990.

 

 

Nhưng điều đáng chú ý nhất là trong số các cổ đông điều hành công ty lại có Huarong - một công ty quản lý nợ xấu "khét tiếng" của thị trường tài chính Trung Quốc. Huarong chiếm 4,99% cổ phần của Chongqing Ant.

 

 

Huarong được lập ra vào năm 1990 để quản lý nợ xấu. Từ đó đến nay, nó ngập ngụa trong những khoản nợ không biết khi nào sẽ trả. Sau đó, nó mở rộng quy mô ra nước ngoài, hướng đến các thương vụ có rủi ro cao. Đến tận giờ phút này, ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng chưa thể nắm hết những gì Huarong đang sở hữu.

 

 

Dưới thời cựu CEO Lai Xiaomin (tại vị cho đến năm 2018), Huarong thậm chí xây dựng được văn hóa hối lộ đầy bê bối, trở thành "kẻ ác" trong con mắt của truyền thông. Xiaomin vào tháng 1/2021 thậm chí đã bị xử tử vì tội hối lộ, tham ô và nhiều tội danh nghiêm trọng khác.

 

 

Việc đưa một công ty như Huarong vào ghế hội đồng quản trị giống như một cái tát vào mặt Jack Ma. Cái kết buồn, cho người đàn ông đầy quyền lực một thời.

(afamily.vn - Nguồn: Forbes)