Trụ sở của cái gọi là "huyện đảo Tây Sa" đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, của cái gọi là "Nam Sa" đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Cả hai quần đảo thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

 

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp - Ảnh: CSIS/AMTI

 

Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngày 18-4 loan tin Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý "Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa" - cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 

Theo CGTN, trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

 

CGTN còn khẳng định ngoài việc quản lý các đảo, đá và thực thể tại hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, "chính quyền Tây Sa và Nam Sa sẽ quản lý luôn các vùng biển xung quanh". Cũng theo CGTN, "hiện có khoảng 1.800 cư dân sinh sống ở Tam Sa".

 

Chữ Thập là một trong 7 thực thể tại Trường Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng, kiểm soát trái phép và cải tạo bất hợp pháp thành đảo nhân tạo.

 

Trên những thực thể này Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng các đường băng, nhà chứa máy bay chiến đấu, rađa, nhà cao tầng và các công sự chiến đấu khác bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

 

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời kêu gọi Trung Quốc và các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam cùng luật pháp quốc tế.

 

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng và cải tạo thành đảo nhân tạo bất hợp pháp - Ảnh: CSIS/AMTI

 

Hôm 26-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa vào hoạt động các "trạm nghiên cứu" tại đá Chữ Thập và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam.

 

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực, cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.